ĐHĐCĐ Thuỷ sản Hùng Vương: Tương lai đợi chờ kết quả POR14, kế hoạch 2019 trình cổ đông theo lời Chủ tịch là bản tồi tệ nhất
Đến thời điểm này, ông Dương Ngọc Minh khẳng định Hùng Vương không có từ phá sản, không cân đối được. Và như vậy, vị lãnh đạo này cho biết sẽ rút khỏi Hùng Vương vào năm 2021 để giao lại cho lớp trẻ, vì mọi chuyện cần giải quyết bị này đã làm xong.
Sáng ngày 22/2/2019, Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kết quả kinh doanh năm 2018 cũng như lập kế hoạch cho năm tài chính tiếp theo. Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Dương Ngọc Minh chia sẻ Hùng Vương đang chờ đợi kết quả từ đợt POR14, nếu nhận được mức thuế tốt thì Công ty sẽ chuyển mình không còn đối phó từng năm, mà sẽ xây dựng chiến lược lâu dài, trở lại ngôi vương đứng đầu ngành cá tra với doanh thu 20.000 tỷ/năm.
Hơn nữa, Công ty sẽ mua lại tất cả tài sản đã bán, trong đó bao gồm đối tác Vingroup. Chi tiết, Vingroup bỏ vào Hùng Vương 520 tỷ đồng, tuy nhiên phía Tập đoàn này có thoả thuận sẽ bán lại sau này nếu Hùng Vương mua lại, hiện đã chuyển đổi cổ phiếu 38%. Nếu POR14 thành công, Hùng Vương sẽ mua lại cổ phần đã bán ngay trong năm 2020, ông Minh nói.
Như vậy, yếu tố quyết định tương lai của Hùng Vương hiện nay xoay quanh kết quả POR14 được công bố vào 19/4 sắp tới. Được biết, Hùng Vương đã dồn lực rất nhiều cho kỳ POR14 và mức độ thành công tính đến hiện tại đạt 80%, 20% còn lại tính rủi ro về chính trị, tuy nhiên tình hình chính trị theo đánh giá rất tốt do quan hệ Mỹ - Việt Nam hiện tốt. Khi có mức thuế tháng 4/2019, Hùng Vương sẽ có định hướng rõ ràng cho thời gian dài, sẽ được thể hiện vào năm 2020, tức năm 2019 là tiền đề sắp xếp lại toàn bộ Công ty.
Đại hội sáng nay không đọc tài liệu, dành toàn bộ thời gian để cổ đông hỏi đáp.
Tiếp tục chia sẻ, Chủ tịch đồng ý rằng thời gian qua, Hùng Vương mất rất nhiều cơ hội phát triển, khi là đơn vị sở hữu rất nhiều diện tích nuôi trồng, điều này thực sự rất cay đắng. Nhưng tại thời điểm này, và trong cuộc họp này, nếu muốn nuôi 150.000 tấn cá tra cần có tối thiểu 3.000 tỷ đồng đầu tư.
Hiện Hùng Vương vẫn nuôi 70.000-80.000 tấn cá nhưng không vay được một đồng vốn nào. Bởi, phía ngân hàng, tất cả đang chờ kết quả của POR14 như thế nào để đầu tư; song ông Minh cho biết nếu POR14 thành công cũng sẽ không nhận vốn từ ngân hàng, thay vào đó lấy dòng tiền từ khách hàng. Theo ông Minh, nhận vốn từ ngân hàng sẽ có nhiều áp lực do đó ông Minh từ chối nếu sau này được ngân hàng mời vốn.
Heo đang gặp rắc rối
Còn về mảng heo, Hùng Vương cho biết đang củng cố và phát triển, cuối 2019 sẽ có 15.000 con giống, 1.500 con cụ kỵ, 1.500 con ông bà và 12.000 con bố mẹ. Hiện, mảng này thực sự gặp rắc rối, lẽ ra năm nay là năm thu lợi nhưng do đầu năm, Hùng Vương gặp rắc rối đến từ vấn đề tài chính, người đứng đầu cho biết. Được biết, tổng đầu tư cần khoảng 700 tỷ đồng, trong khi hiện nay Công ty mới vay được 100 tỷ đồng, chưa kể nhu cầu vốn cho mảng heo để hoàn chỉnh lên đến 1.200 tỷ đồng.
Mảng heo hiện nay Hùng Vương phải làm hoàn chỉnh mới bán được, do đó mục tiêu của Công ty là phải "xây xong căn nhà mới bán đi", vì muốn bán nhà phải xây xong, trong khi mảng này Công ty còn nhiều dang dở. Tính đến nay, có ngân hàng đã cam kết bỏ vốn cho Hùng Vương phát triển mảng này, bởi con giống của Hùng Vương hiện đang được nhiều công ty nước ngoài thu mua, đại diện Công ty nói thêm.
Ông Minh sẽ rút khỏi Hùng Vương trong năm 2021
Trở lại với câu chuyện POR14, phía Hùng Vương khẳng định vẫn đang hoạt động liên tục, lượng cá đủ sản xuất cho đến tháng 7, Hùng Vương cũng đang để dành tiền cho đến tháng 4-5 có kết quả tốt sẽ dồn lực đẩy mạnh nuôi trồng.
Đáng chú ý, Chủ tịch Minh nhấn mạnh khách hàng Mỹ đang đợi mức giá bán ra từ Hùng Vương, theo đó nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ khó khăn để xuất cá vào thị trường này đến tháng 4/2019. Ông Minh cũng khẳng định nắm chắc mức doanh số xuất khẩu riêng cá tra không dưới 3 triệu USD nếu POR 14 thành công, hiện dù khó khăn nhưng thị phần tại Mỹ Công ty nắm đến 40%. Do đó, bản kế hoạch 2019 trình cổ đông là bản kế hoạch tồi nhất vì chưa tính giá trị từ POR14, sau đó Hùng Vương sẽ phục hồi sau 12 tháng. Một lợi thế thứ hai là đất đai, hiện đất đai Hùng Vương sở hữu là đất sạch và nằm trong quy hoạch. Tựu trung lại, định hướng của Công ty đến cuối năm 2020 trở về doanh số 20.000 tỷ, và sau Đại hội ông Minh cho biết sẽ họp mặt với các cổ đông lớn khôi phục lại cổ phiếu HVG trên thị trường, đồng thời phân chia cổ tức 20%/cp.
Đến thời điểm này, ông Minh khẳng định Hùng Vương không có từ phá sản, không cân đối được. Đất mà làm được 1ha cá tra phải trên 3 tỷ, còn Hùng Vương thì sở hữu đến 500ha, nếu tính thêm đất nuôi tôm thì trên 1.000ha. Tất cả tài sản này chưa được đưa được BCTC của Hùng Vương, hiện giá trị tài sản Công ty hầu hết cao hơn giá thị trường. Và như vậy, vị lãnh đạo này cho biết sẽ rút khỏi Hùng Vương vào năm 2021 để giao lại cho lớp trẻ, vì mọi chuyện cần giải quyết bị này đã làm xong.
Tất cả các tờ trình được thông qua. Phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Dương Ngọc Minh phân trần: "Đầu tiên tôi xin cảm ơn cổ đông đã tin tưởng vào Công ty, Đại hội hôm nay thành công trên số liệu biểu quyết, và tôi nghĩ sẽ thành công trong thời gian tới. Tôi xin cam kết, ngày 19/4 khi nhận được thông tin từ POR14, thì ngay sáng thứ 7 sẽ công bố trên website để cổ đông sớm có những quyết định. Chúng tôi cam kết sẽ chiến đấu và chiến đấu quyết liệt".
Trí Thức Trẻ