ĐHĐCĐ Viettel Construction (CTR): Mục tiêu lần đầu vượt mốc 10.000 tỷ doanh thu, đẩy mạnh mảng xây dựng nhưng khẳng định "không làm bất chấp"
Theo TGĐ Viettel Construction, thị trường xây dựng cũng hiện tại đủ lớn để các doanh nghiệp cùng hoạt động, ai có năng lực thì ắt sẽ làm tốt hơn. Quan điểm của Viettel Construction là không “thả gà ra đuổi”.
Ngày 18/4, Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction – mã CTR) đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023, thông qua nhiều tờ trình quan trọng.
Mục tiêu lần đầu chạm mốc 10.000 tỷ doanh thu, trả cổ tức tổng tỷ lệ 31,51%
Tại Đại hội, cổ đông Viettel Construction đã nhất trí thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.338 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 487 tỷ đồng, đều tăng 10% so với cùng kỳ. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tổng công ty sẽ là lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng đồng thời phá kỷ lục lợi nhuận đạt được năm ngoái.
Cổ đông đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức cho năm 2022 là 31,51% bao gồm 10% bằng tiền và 21,51% bằng cổ phiếu.
Sang tới năm 2023, Viettel Construction đề ra các nhiệm vụ trọng tâm là (1) Nâng cao chất lượng dịch vụ VHKT, đảm bao KPI theo hợp đồng SLA của chủ đầu tư; (2) Giữ vững thị phần TowerCo số 1 Việt Nam; (3) Duy trì vị trí số 1 về độ phủ công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ; (4) Tiến tới trở thành công ty xây dựng đa dịch vụ, nguồn việc đạt 2.000 tỷ; (5) Phát triển sản phẩm độc quyền/OEM đưa vào kinh doanh; (6) Cung cấp dịch vụ cho 500.000 thuê bao, top 1 vận hành cho các chuỗi, top 1 vận hành năng lượng mặt trời áp mái; (7) Củng cố, phát triển bền vững kênh bán XHH, đẩy mạnh các kênh marketing Social với mục tiêu doanh thu XHH đạt 2.000 tỷ và doanh thu Digital đạt 200 tỷ đồng; (8) Chuyển đổi mô hình kinh doanh CNCT tỉnh/TP và trung tâm kinh doanh như một đơn vị hạch toán độc lập.
Về chỉ tiêu từng lĩnh vực cụ thể trong năm 2023, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu VHKT đạt 5.354 tỷ đồng (+9%); doanh thu hạ tầng cho thuê đạt 472 tỷ đồng (+50%); doanh thu xây dựng đạt 3.092 tỷ đồng (+29%); doanh thu giải pháp tích hợp đạt tối thiểu 1.045 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ kỹ thuật 354 tỷ đồng (+15%) so với thực hiện năm 2022.
Đại hội cũng đã thông qua miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 đối với bà Nghiêm Phương Nhi và bầu bổ sung thay thế 01 thành viên HĐQT là bà Vũ Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Nhân lực Tập đoàn Viettel.
Dự kiến biên lợi nhuận của mảng xây dựng năm 2023 đạt 6%,triển khai cân bằng giữa hai mảng B2B và B2C
Trả lời câu hỏi của các cổ đông xoay quanh mảng xây dựng dân dụng, ông Phạm Đình Trường, Thành viên HĐQT - Tổng Giám đốc Viettel Constructioncho biết Viettel Construction hiện cung cấp dịch vụ xây lắp cho hai đối tượng gồm hộ gia đình (B2C) và doanh nghiệp (B2B). Trong các năm trước, Viettel Construction đẩy mạnh quảng bá đến đối tượng B2C để quảng bá thương hiệu nên số lượng công trình cao còn doanh thu không lớn. Song, từ năm 2022, Viettel Construction chuyển hướng sang đẩy mạnh đối tượng B2B, giúp doanh thu tăng cao mặc dù số công trình giảm.
Hiện mức doanh thu từ B2B và B2C ngang nhau và Tổng Công ty sẽ tiếp tục duy trì mức tỷ lệ cân bằng 50-50.
Biên lợi nhuận của mảng xây dựng dân dụng trong năm 2022 là 5% - là mức rất cao trong ngành. Dự kiến trong năm 2023, con số này có thể nâng lên 6,5% tại các công trình B2B. Như vậy, tổng kết lại biên lợi nhuận mảng xây dựng có thể tới 6%.
CTR tự tin sở hữu nhiều lợi thế để cạnh tranh với các doanh nghiệp địa phương trong mảng xây dựng, gồm hệ thống 63 chi nhánh toàn quốc, hệ sinh thái đầy đủ từ nhà đầu tư tới nhà thầu phụ, mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương để xin cấp phép và có thể làm việc với ngân hàng để tài trợ cho vay.
CTR sở hữu hệ sinh thái khép kín, từ khâu nguyên vật liệu đầu vào tới khi hoàn tất bàn giao, do đó sẽ giúp tối đa hóa phần lợi nhuận thu về sau khi chia cho nhà cung cấp và khách hàng.
Hạn chế rủi ro mảng xây dựng nhờ quy trình chặt chẽ
Về vấn đề rủi ro, Viettel Construction sẽ không chịu rủi ro lớn như các doanh nghiệp xây dựng khác bởi đối với các công trình xây dựng nhà dân (B2C), Tổng Công ty nhận tiền xong mới xây dựng, do đó hoàn toàn không có rủi ro. Với các công trình B2B, phải làm theo hợp đồng, thanh toán đúng tiến độ, hiện là khoảng 6 tháng và mất thêm một tháng nghiệm thu. Nếu chủ đầu tư không tạm ứng thì bắt buộc phải có bảo lãnh ngân hàng đứng sau để khi làm xong ngân hàng sẽ thanh toán.
Viettel Construction hạn chế rủi ro tối đa bằng cách chia nhỏ các đợt nghiệm thu từ 3-6 tháng. CTR cũng thẩm định kỹ càng các chủ đầu tư, tìm kiếm báo cáo tài chính của chủ đầu tư trước khi nhận công trình để tránh rủi ro.
Ở khía cạnh đầu vào, với việc đảm bảo giá không đổi từ khi ký hợp đồng tới lúc giao nhận cho khách hàng, cổ đông còn quan tâm tới rủi ro khi giá nguyên vật liệu tăng. Tổng Giám đốc CTR nhấn mạnh Tổng Công ty ký kết hợp đồng nguyên vật liệu chủ yếu với các Tập đoàn lớn, có tiếng tăm, nếu phát sinh chênh lệch sẽ không quá 5% nên không gây ảnh hưởng lớn với thoả thuận.
Chia sẻ thêm, ông Trường cho biết hiện vốn của ngân sách nhà nước cho việc xây dựng ở khoảng 400.000 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp và người dân cũng khoảng 400.000 tỷ đồng nên dư địa cho mảng xây dựng của CTR còn rất lớn.
“Thị trường xây dựng cũng hiện tại đủ lớn để các doanh nghiệp cùng hoạt động, ai có năng lực thì ắt sẽ làm tốt hơn. Quan điểm của Viettel Construction là không “thả gà ra đuổi”, mình làm có chất lượng với giá cả cạnh tranh nhưng không bất chấp”, ông Trường khẳng định.
Tại mảng vận hành khai thác, chia sẻ về hai hợp đồng với Viettel Network và Viễn thông Viettel, ông Phạm Đình Trường cho biết hợp đồng ký kết với Viettel Network tập trung vào mảng vận hành khai thác hạ tầng, do đó doanh thu không tăng nhiều bởi hệ thống không tăng trưởng mà chỉ cho thuê hàng năm.
Trong khi đó, với hợp đồng với Viễn thông Viettel, số đường dây thuê bao cố định vẫn tăng trưởng từ 3-5%/năm giúp doanh thu của Viettel Construction cũng tăng theo.
Mặt khác, với phần cho thuê ra nước ngoài, Viettel Construction ký hợp đồng với các công ty độc lập, doanh thu này được tính riêng và không liên quan đến phần doanh thu trong nước. Hiện, doanh thu mảng vận hành khai thác trong nước đạt khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, tại nước ngoài đạt hơn 800 tỷ đồng.
Liên quan tới tỷ lệ vay nợ tăng mạnh trong năm 2022 , đại diện CTR cho biết Tổng Công ty đã triển khai đầu tư tài chính, sử dụng nguồn vốn lưu động để gửi tiết kiệm trong khi vay vốn ngân hàng để thực hiện trang trải các chi phí trong hoạt động kinh doanh. Từ đó có thể hưởng mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng. Đây là hoạt động không có rủi ro và cổ đông có thể yên tâm về vấn đề này.
Nhịp Sống Thị Trường