Đi chi viện trên Bắc Giang, nữ nhân viên y tế may mắn gặp được chú lái xe tốt bụng, hóa ra lại là vị Chủ tịch đình đám đang "trốn" vợ đi tình nguyện
Trong những ngày hỗ trợ tại tâm dịch Bắc Giang, cô nhân viên y tế trẻ tuổi thoải mái trò chuyện với vị "tài xế" đưa đón mình hàng ngày mà không biết rằng ông thực chất là một doanh nhân đang "trốn" vợ để đi tình nguyện.
- 03-06-2021Bác sĩ mặc áo bảo hộ khoe vũ đạo vui nhộn: Sự lạc quan, yêu đời xua tan vất vả, mệt mỏi giữa tâm dịch Bắc Giang
- 30-05-2021Bác sĩ về hưu 78 tuổi làm thơ và viết đơn xin lên Bắc Giang chống dịch Covid-19: "Với tuổi đời của tôi, sức còn đang khỏe lắm, máu tim còn sục sôi"
- 30-05-2021Nước mắt nữ bác sĩ tại tâm dịch Bắc Giang khi nghe giọng con gái 3 tuổi qua điện thoại: "Mẹ bắt hết con Covid rồi về với con..."
Trước sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19, hàng loạt đoàn cán bộ y tế và đoàn thiện nguyện đã được tới tâm dịch Bắc Giang để chi viện. Sự chung tay góp sức của mọi người từ khắp mọi miền Tổ quốc đã giảm bớt sức nóng của tâm dịch, lan tỏa năng lượng tích cực đến hàng nghìn bà con nơi đây.
Cô gái trẻ Lâm Oanh là 1 trong 17 y bác sĩ được Sở Y tế Hà Nội cử về Bắc Giang để tham gia vận hành Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc. Đây là nơi sẽ đón tiếp, điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng. Trước khi cơ sở này tranh thủ hoạt động, nữ nhân viên y tế này đã tranh thủ chia sẻ lên mạng xã hội một câu chuyện nhỏ nhưng ấm áp tình người ngay giữa tâm dịch.
"Là nhân viên y tế ở đây, mình cảm thật may mắn. Thật sự may mắn. Bởi vì chúng mình không cô đơn, phía sau lưng mình là quân đội, là nhân dân, luôn yêu thương và cố gắng giúp đỡ bọn mình hết sức có thể.
Thương lắm! Nhiều chiếc xe khách không hoạt động được do dịch bệnh, họ đã xung phong lên Bắc Giang để đưa đón y bác sĩ. Không những không tạo ra kinh tế, giờ họ mất thêm tiền xăng xe, ăn ở (tự túc) để đưa đón bọn mình. Ai cũng có gia đình, ai cũng có vướng bận, xác định lên Bắc Giang là xác định trường kỳ chiến đấu, là không biết ngày trở về.
Ở đây mình có những ‘chú tài xế’ hết sức đặc biệt, các bạn ạ. Trong hình là chú Mẫn, chú là ‘tài xế riêng’ của mình. Sở dĩ gọi là tài xế riêng do bệnh viện đang lắp đặt máy móc, mình thường về muộn hơn mọi người, và chú thường phải đi lên đón riêng. Khoảng 8-9 giờ tối, mình gọi chú đưa mình về khách sạn nghỉ ngơi.
Lúc trên xe mình mới tâm sự với chú: ‘Chú có số điện thoại đẹp quá. Trước khi xuống đây chú đang công tác ở đâu vậy ạ?’.
‘Chú là Chủ tịch của Tập đoàn Mobicast cháu ạ. Để đi thế này chú đã bàn giao lại 90% công việc cho Tổng giám đốc. Những lần trước lũ lụt miền Trung, chú chỉ ủng hộ tiền từ xa, nhưng chú thấy vậy không ổn. Mình không trực tiếp thấy dân họ khổ thế nào, chống lũ ra sao, mình thấy khó chịu lắm. Lần này có dịch ở Bắc Giang, chú xung phong đi luôn, mua 3 chiếc ô tô để chở y bác sĩ, mà tài xế của chú sợ dịch, nên chú trực tiếp đi luôn.’
Mình kiểu ngỡ ngàng luôn. Dịch bệnh đang quá nguy hiểm, vậy mà chú lại gác công việc sang một bên, trực tiếp xuống tâm dịch đưa đón bọn mình. Mà bọn mình trực tiếp chăm sóc các F0, nguy cơ phơi nhiễm là hoàn toàn có thể. Nếu ở hoàn cảnh của chú, chắc mình sẽ không thể làm được như chú.
Chú nhiệt tình lắm mọi người ạ. Chỉ cần chúng mình gọi, ngay lập tức chú phi đi liền. Ngoài đoàn Hà Nội, chú còn đưa đón nhiều đoàn khác, cứ đi đi lại lại liên tục thôi. Biết chúng mình sốt cao sau tiêm vaccine mà vẫn đi làm, chú nói chẳng biết giúp được gì hơn, thôi thì chú mua mấy chai nước cam, mấy đứa uống đi cho hồi sức.
Có những tấm lòng đẹp như vậy đó. Ngoài chú ra còn rất rất nhiều người, trước đó họ có cuộc sống ấm êm bên gia đình, nhưng khi Tổ quốc gọi tên, khi thấy anh em mình đang thở thoi thóp giữa đống dây dợ, máy móc, họ đã gửi lá đơn cho Bộ Y tế, xin được về, xin được giúp. Nếu không tham gia điều trị thì mình sẽ nấu cơm, sẽ làm công tác vận chuyển, hậu cần,...
Nếu anh/chị/cô/chú nào đang tình nguyện lên Bắc Giang hỗ trợ có đọc được những dòng này thì cho em thay mặt y bác sĩ cảm ơn mọi người, cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã âm thầm giúp đỡ chúng em, để chúng em vững tâm hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước giao phó."
Ông Mẫn trong vai trò tài xế hỗ trợ tại Bắc Giang
Bài chia sẻ của Lâm Oanh ngay lập tức nhận về vô vàn lời khen ngợi và động viên từ cư dân mạng. Ai nấy đều rất cảm kích trước sự hy sinh của những người đang âm thầm chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch.
- "Cảm ơn bạn đã chia sẻ, câu chuyện rất ý nghĩa. Chúc mọi người nhiều sức khỏe và sớm vượt qua những ngày khó khăn của dịch bệnh".
- "Người yêu mình cũng được cử xuống Bắc Giang vận hành trung tâm ICU ở bệnh viện tâm thần này hôm 2/6. Làm vất vả nhưng ở Bắc Giang mọi người tiếp đón chỗ ăn ở rất chu đáo nên mình cũng đỡ lo. Nhớ người yêu và mong bạn ý cùng tất cả mọi người giữ sức khoẻ và trở về bình an."
Ông Phạm Văn Mẫn hiện đang là Chủ tịch HĐQT MobiCast - doanh nghiệp sở hữu nhà mạng thương hiệu Reddi với đầu số 055. Đây là mạng di động ảo thứ 2 sau Đông Dương Telecom tại thị trường Việt Nam. Mạng di động ảo Reddi sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Chia sẻ với truyền thông, ông Mẫn cho biết mình đã có ý định lên Bắc Giang hỗ trợ ngay khi địa phương này bùng dịch. 2 tuần trước khi viết đơn tình nguyện, vị doanh nhân 67 tuổi này đã rèn luyện thể lực nghiêm túc để có sức phục vụ nơi tâm dịch. Sợ vợ con lo lắng và ngăn cản, ông Mẫn quyết giữ im lặng cho đến khi "sự đã rồi".
Ông Phạm Văn Mẫn trong buổi lễ khai trương mạng di động Reddi
Lúc biết đơn của mình được duyệt, ông Mẫn lặng lẽ chuẩn bị hành trang gồm vài bộ quần áo, ít khẩu trang và đồ dùng cá nhân. Để vợ không nghi ngờ, ông nói dối bà là đi làm như bình thường. Chỉ đến khi đã yên vị trên Bắc Giang, Chủ tịch Mobicast mới dám gọi điện về nhà thông báo và công khai lá đơn tình nguyện của mình lên mạng xã hội.
"Hình ảnh các cháu nhỏ mới một tuổi chưa biết tự ăn đã phải xa bố mẹ đi cách ly, cảnh người già, cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại điểm nóng của tâm dịch, cảnh bộ đội, công an tổ chức cứu trợ, bác sĩ không ngại hiểm nguy cứu người khiến người đàn ông đủ sức khỏe, tinh thần chiến đấu như tôi rất băn khoăn. Tôi viết đơn này xin ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế và tỉnh Bắc Giang phê duyệt để tôi vào tham gia chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang…", ông viết.
(Tổng hợp)
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: HẬU PHƯƠNG TIẾP SỨC
Xem tất cả >>- BIDV tiếp tục ủng hộ TP. Hồ Chí Minh 25 tỷ đồng để phòng, chống dịch Covid-19
- Tính đến 17h ngày 4/8: Số dư Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 là 8.456 tỷ đồng
- Tính đến 17h ngày 30/7: Số dư Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 là 8.421 tỷ đồng
- Tính đến 17h ngày 27/7: Số dư Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 là 8.242 tỷ đồng
- Sacombank tiếp tục ủng hộ 30 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19