MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi chợ Viềng, mua thịt bò 320.000 đồng/kg

04-02-2017 - 20:59 PM | Thị trường

Chợ Viềng là phiên chợ đặc biết nhất Việt Nam chỉ họp 1 ngày vào đêm mùng Bảy, rạng sáng mùng Tám tháng Giêng hàng năm, đặc sản chợ Viềng nổi tiếng nhất là thịt bò, năm nay, 1 kg thịt bò tươi có giá 300.000 đồng.

Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ Viềng, một là chợ Viềng Chùa (gần chùa Bi, huyện Nam Trực, Nam Định), hai là chợ Viềng Phủ (nằm gần Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, Nam Định). Hai phiên chợ này cùng một tên và họp cùng phiên, cùng một ý nghĩa "mua may, bán rủi" và đều buôn bán những mặt hàng giống nhau, như đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông,... đặc biệt là thịt bò.

Thịt bò được bày bán nhiều nhất trong dịp này.

Cô Nguyễn Thị Mỹ hạnh (54 tuổi, Hà Nội) khẳng định chắc nịch với phóng viên báo điện tử VTC News, "Đi chợ Viềng là phải mua thịt bò, dù đắt hay rẻ cũng nên mang lộc về nhà)

Ít ai biết được vì sao chợ Viềng lại bán nhiều thịt bò như thế và vì sao du khách đến chợ Viềng ít nhiều là phải mua dăm ba cân thịt mang về.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, sở dĩ thịt bò nổi danh ở chợ Viềng là do gắn liền với truyền thuyết mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy. Khi xưa, người dân Nam Định nói chung và du khách thập phương nói riêng hay đi lễ Phủ Dầy thường dâng thịt bò để tạ lễ.

Trong một số văn bia ở Phủ Dầy có ghi: Ngày mồng 3 tháng 3 hoặc mồng 4 tháng 3 đều dùng hai mâm xôi (mỗi mâm 10 đấu gạo), một buồng cau to, hai vò rượu và đặc biệt là một con bò thui để cúng thánh. Vì vậy, vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, du khách mua thịt bò mua cũng cảm thấy như xin được lộc Mẫu.

Mỗi kg thịt bò được các tiểu thương hét giá 300.000 đồng

Năm nay, giá mỗi kg thịt bò dao động trong khoảng từ 260.000 - 320.000 đồng, tùy vào từng bộ phận. Tuy giá thịt bò đắt hơn khá nhiều so với thị trường, nhưng chẳng có tiếng trả giá, mặc cả hay cãi cọ nhau giống như các phiên chợ khác. Cô Hạnh nói: "Đây là lộc, biết là đắt nhưng vẫn nên mua để cầu tài, cầu lộc trong năm mới".

Ông Trần Văn Sung, một tiểu thương bán thịt bò tại chợ Viềng hồ hởi chia sẻ: "Cả năm, chúng tôi chỉ chờ đợi ngày chợ Viềng vào phiên. Vào ngày chợ Viềng, tôi có thể bán được 1 hoặc 2 con bò".

Ngoài thịt bò, chợ viềng còn bán cây cảnh

Một số dụng cụ nhà nông

Và đồ cổ. Chúng thường có giá đắt hơn thị trường bên ngoài

Tuy nhiên, vào cuối phiên chợ, giá thịt bò có thể rơi xuống mức chạm đáy. Một người dân sống tại khu vực chợ Viềng nói: "Mua thịt bò đúng phiên chợ đắt là phải thôi, các cô, các cậu nên chờ đến cuối phiên mà mua. Giá thịt bò lúc đó chắc chỉ bằng ngoài chợ bán, có khi còn rẻ hơn".

Ngoài thịt bò, chợ Viềng Nam Định còn bán một số loại nông sản hoặc dụng cụ làm nông như cuốc, xẻng,... giá của chúng dao động từ 100.000 - 150.000 đồng, đắt hơn ở ngoài thị trường vài chục ngàn đồng.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng đồ cổ, cây cảnh, các vật dụng sinh hoạt,... cũng có mức chênh lệch khá cao trên thị trường. Dù đắt đỏ như vậy nhưng chẳng ai than vãn.

Dịch vụ đi kèm chợ Viềng cũng có mức tăng chóng mặt. Dịch vụ gửi xe 10.000 - 30.000 đồng/chiếc. Năm ngoài, cả nước có dịp choáng váng với mức giá 350.000 đồng cho một chiếc ô tô được gửi cạnh chợ Viềng. Năm nay, dịch vụ trông xe ô tô dường như "chảnh" hơn, họ hạn chế nhận trông ô tô, giá cả dao động 200.000 - 300.000 đồng.

Du xuân chợ Viềng, mấy ai từ chối món thịt bò được thui bằng rơm nếp, thịt mềm, ngọt, bì vàng suộm được treo tại các quầy bán phở, bán bún, được bày bán la liệt trên các sạp, các bàn, thậm chí cả nong nia trên đường vào chợ ngày xuân. Các dịch vụ ăn uống quanh khu vực chợ Viềng có giá từ 50.000 trở lên.

Tại khu vực chợ Viềng đúng ngày chợ phiên có mưa to rất lớn nhưng không ngăn đường dòng người đổ xô đến cầu may

Vào chiều tối mùng 3/2 (mùng 7 tháng Giêng, Âm) rạng sáng 4/2 (mùng 8 tháng Giêng), ở khu vực chợ Viềng có mưa khá to cộng với cái rét buốt của không khí lạnh cuối đông nhưng chợ Viềng vẫn đông.

Hàng nghìn người cứ ùn ùn kéo tới khiến giao thông xung quanh khu vực này tắc vài km. Mỗi năm du khách thập phương tới đây ngày một đông hơn, mặc dù phiên chợ đã thay đổi ít nhiều, nó mang tính chất thương mại nhiều hơn nhưng ý nghĩa "mua may, bán rủi" thì vẫn vẹn nguyên như trăm năm trước.

Theo Tiểu Long

VTC News

Trở lên trên