MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đi đêm” đảo nợ: Lành ít dữ nhiều

31-03-2023 - 07:57 AM | Tài chính - ngân hàng

“Đi đêm” đảo nợ: Lành ít dữ nhiều

Một số người đi vay đã tìm đến thủ thuật “đáo hạn nợ/đảo nợ”, khi các khoản vay sắp đến hạn nhưng không đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, hoạt động này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

ThS. Ngô Thành Huấn
ThS. Ngô Thành Huấn
Giám đốc Điều hành FIDT
22 bài viết

Đảo nợ là việc thực hiện huy động vốn vay mới để trả trước một phần hoặc toàn bộ khoản nợ cũ, hay nói đơn giản hơn là việc vay nợ mới để trả nợ cũ.

Trong thời gian lãi suất cao như vừa qua, không ít người đã tìm đến giải pháp này như là một “cứu cánh” để đảm bảo các khoản vay cũng như điểm tín dụng không bị ảnh hưởng.

Theo quy định pháp luật các tổ chức tín dụng không được phép cho vay đảo nợ, trừ một số trường hợp đặc biệt. Do đó, để đảo nợ, phần lớn các cá nhân, tổ chức phải vay vốn bên ngoài để thực hiện hoạt động này.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thanh Tú, chủ một doanh nghiệp nhỏ tại Quận 5 có chia sẻ, chị thế chấp nhà để vay vốn sản xuất kinh doanh tại ngân hàng. Trong những tháng cuối năm, lãi suất bất ngờ tăng nên chị đã phải đảo nợ.

“Dịp cuối năm, kinh doanh khó khăn, cộng thêm lãi suất cũng tăng gần gấp đôi từ 8% lên 14-15%/năm, nên tình hình tài chính công ty rất căng thẳng. Kinh doanh lãi hay lỗ là chuyện thường tình, nhưng lãi ngân hàng không thể không trả. Vì nếu không hoàn thành đủ thì có thể bị thu hồi tài sản bán giải chấp. Qua một vài người quen giới thiệu, mình có vay đảo nợ. Mất khoảng 30-40 triệu để làm được thủ tục này. Áp lực tài chính của công ty nhờ đó cũng được giải tỏa”, chị Tú chia sẻ.

Không may mắn như chị Tú, anh Võ Thắng Lợi, một chủ doanh nghiệp tại quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, bản thân lại mất tiền tỷ vì đảo nợ.

“Có thời điểm kinh doanh khó khăn, tôi tìm đến một người khá có tiếng trong việc cho vay đảo nợ ở khu vực Tân Bình. Người này yêu cầu tôi phải trả trước khoản phí vài phần trăm cho mỗi lần đáo hạn. Thời gian đầu mọi việc rất thuận lợi, mọi khoản vay từ 3-5 tỷ đồng của tôi đều được người này thực hiện thành công. Tuy nhiên, khi tôi nhờ đáo hạn khoản nợ lớn hơn và chuyển tiền phí tổng cộng gần 1,2 tỷ thì người này bỗng mất liên lạc. Tôi có tìm hiểu và biết được không phải chỉ mỗi mình là nạn nhân. Nhiều người khác cũng bị rơi vào tình trạng này”, anh Lợi chia sẻ.

Tình trạng như anh Lợi không phải mới, không ít đối tượng đã dùng những cụm từ như hỗ trợ đảo nợ/đáo hạn nợ, hay thậm chí là xóa nợ xấu để lừa đảo. Một số đối tượng thậm chí còn xây dựng cho mình những hồ sơ uy tín cao, với các chức vụ trưởng phòng, giám đốc ngân hàng để tạo niềm tin và sau đó lừa đảo trục lợi.

Theo ông Ngô Thành Huấn, giám đốc Khối Tài chính cá nhân Công ty tư vấn tài chính FIDT, đảo nợ là một biện pháp tái cơ cấu nợ vay không chính thống. Do đó, người muốn thực hiện nghiệp vụ này có thể sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro.

Trên thực tế, trong trường hợp áp lực nợ vay quá lớn, các cá nhân và doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm đến các giải pháp tài chính chính thống và ít rủi ro để giảm bớt áp lực tài chính. Điển hình như 4 thao tác gồm 1) kiểm tra và cân nhắc sử dụng quỹ dự phòng, 2) nhờ sự hỗ trợ của người thân, 3) liên hệ ngân hàng tái cơ cấu khoản nợ, 4) cân nhắc bán tài sản để trả nợ.

Đặc biệt là thao tác thứ ba, bất kỳ khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng đều có thể đàm phán với các nhà băng để tìm một phương án thanh toán nợ vay phù hợp hơn khi tình hình tài chính bị biến động. Tuy nhiên, đây là đây lại là điều rất ít người biết và có xu hướng “ngại” dùng.

“Việc đàm phán không đảm bảo 100% rằng các khoản nợ sẽ được tái cơ cấu, vì các nhà băng cần phải tuân thủ một số quy định về tính thời điểm của khoản vay. Tuy nhiên, suy cho cùng, điều ngân hàng cần là khách hàng có thể hoàn trả gốc và lãi vay. Các nhà băng không thích phải mất thời gian, chi phí và công sức để theo đuổi việc xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng. Do đó, trong tình huống gặp khó khăn vì lãi vay, cá nhân và doanh nghiệp nên liên hệ nơi cấp tín dụng để đề xuất một số phương án tái cơ cấu phù hợp nhất giữa tình hình tài chính của bản thân và các chính sách ở phía ngân hàng. Dù có thể làm ảnh hưởng đến điểm số tín dụng, song động tác này sẽ giúp khách hàng có thêm thời gian để củng cố vị thế tài chính, xử lý tài sản với mức thiệt hại thấp nhất. Đây cũng là phương án chính thống và ít rủi ro hơn so với việc phải vay đảo nợ bên ngoài thị trường”, ông Huấn nhận định về giải pháp thứ 3.

TS. Nguyễn Xuân Thành: Lãi suất tiền gửi khó có thể giảm về 7,5%, kể cả trong những năm tới

Văn Tuệ

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên