Di dời trụ sở bộ ngành khỏi nội đô Hà Nội: Đua nhau bám trụ “đất vàng” Xã hội
Có không ít cơ quan đơn vị đã thực hiện di dời tuy nhiên quỹ đất sau di dời, được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại, không bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố để quản lý, khai thác bổ sung hạ tầng xã hội và kỹ thuật…
Tháng 12/2010, Bộ Nội vụ tổ chức lễ khánh thành khá quy mô toà trụ sở mới tại số 8 Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy), Hà Nội. Trụ sở mới của Bộ Nội vụ cao 17 tầng liền khối, 2 tầng hội trường đa năng với các thiết bị hiện đại vượt trội so với trụ sở của nhiều Bộ cùng thời điểm.
Tuy nhiên, thay vì bàn giao lại trụ sở cũ ở 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hai Bà Trưng) cho Hà Nội lập phương án quy hoạch sử dụng vào mục đích công cộng, Bộ Nội vụ tiếp tục “giữ” 2 trụ sở từ năm 2010, trước khi trụ sở này được chuyển giao cho Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội sử dụng theo quyết định của Bộ Tài chính tháng 5/2017.
Cùng thời điểm, Tổng cục Hải quan cũng được đầu tư xây dựng khu trụ sở mới tại Lô E3 - Trung Hòa - Cầu Giấy. Trụ sở tọa lạc ở vị trí “vàng” gồm một khối nhà hỗn hợp cao 18 tầng, được thiết kế và đầu tư trang thiết bị hiện đại, với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
Cũng giống như nhiều bộ, ngành khác, trụ sở cũ của Tổng cục Hải quan tại địa chỉ 160 Nguyễn Văn Cừ không được chuyển giao cho địa phương lên kế hoạch quản lý và sử dụng, mà lập tức biến thành trụ sở của Trường đào tạo cán bộ ngành Hải quan!
Tại vị trí Lô D24 - Khu đô thị mới Cầu Giấy có trụ sở mới của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) rộng 1,38ha, cao 18 tầng với tổng kinh phí đầu tư khoảng 372 tỷ đồng. Dù vậy, bộ này vẫn giữ lại trụ sở cũ tại đường Nguyễn Chí Thanh để sử dụng. Đại diện Bộ TN&MT lý giải, việc bộ này vẫn giữ lại trụ sở cũ ở Nguyễn Chí Thanh là do Bộ TN&MT được giao quản lý thêm 3 lĩnh vực nên công năng trụ sở mới vẫn không đáp ứng đủ.
Mới đây nhất, giữa tháng 6/2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất chuyển trụ sở về khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) do quá tải về trụ sở làm việc. Theo BHXH Việt Nam, dự kiến đến năm 2030, cơ quan sẽ cần tới 72.000 m2, diện tích sàn xây dựng để đáp ứng nhu cầu diện tích làm việc cho các đơn vị chuyên môn và đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Do đó, việc xây dựng trụ sở mới tại khu Mễ Trì là cấp thiết. Tuy nhiên, tại trụ sở cũ “khu đất vàng” số 7 Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm), đơn vị này lại đề nghị đưa một đơn vị vào xây dựng theo hình thức PPP, hợp đồng BT. Theo đó, nhà đầu tư sẽ ứng vốn thực hiện dự án và được hoàn vốn bằng quỹ đất của cơ sở nhà, đất tại số 7 Tràng Thi.v.v.
Nhiều vướng mắc, thiếu chế tài
Gần 15 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng, nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa thu hồi được một khu đất nào để xây dựng các công trình công cộng. Trong tổng số 28 cơ quan bộ, ngành thuộc khu vực nội đô Hà Nội được xem xét di dời, đã có 10 cơ quan thực hiện chủ trương di dời, dù đang rất thiếu quỹ đất để bố trí chức năng sử dụng phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, Hà Nội cũng không cách nào để yêu cầu các bộ, ngành bàn giao lại các khu đất cũ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, để việc bàn giao - tiếp nhận có hiệu quả cần có sự phối hợp giữa bên được tiếp nhận trụ sở mới với cơ quan quản lý địa bàn là TP Hà Nội. Tuy nhiên, do chưa có một chế tài quy định rõ ràng nên việc tổ chức thực hiện không hiệu quả, có nhiều khó khăn và vướng mắc.
Trong đó, vướng mắc nhiều nhất nằm ở ý thức của các đơn vị có trụ sở mới chưa muốn bàn giao lại cơ sở cũ. Theo ông Nghĩa, hiện Bộ Xây dựng là cơ quan được Chính phủ giao rà soát, lập phương án sắp xếp lại trụ sở các bộ, ngành. Sở TN&MT sẽ có văn bản tham mưu Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời làm việc với các bộ, ngành liên quan về vấn đề trên.
Mới đây, Bộ Tài chính có báo cáo chỉ rõ: Tính đến tháng 12/2016, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với gần 155.000 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích khoảng trên 3 tỷ m2 đất và khoảng 140 triệu m2 nhà.
Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trên 123.800 cơ sở với tổng diện tích là 1.967 triệu m2 đất và 116 triệu m2 nhà. Trong số trên, cơ quan chức năng đã quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng phần lớn diện tích với 1.857 triệu m2 đất; còn lại là bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất,…
Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các địa phương trên phạm vi cả nước là 50 nghìn tỷ đồng.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc sắp xếp nhà, đất triển khai còn chậm do nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. Báo cáo của Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nêu lên, một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc chấp hành chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định.
Đặc biệt, đại diện một số bộ, ngành, địa phương còn tỏ ra cố giữ nhà, đất đang quản lý, sử dụng. Việc để sự việc xảy ra là do hiện chưa có chế tài xử lý phù hợp. Ngoài ra, công tác hậu kiểm việc thực hiện phương án chưa được quy định ở chính sách và tổ chức thực hiện còn hạn chế.
Báo cáo Bộ Tài chính cho biết, nhà, đất là những tài sản có giá trị lớn, cần được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Bởi vậy, định hướng việc xử lý, sắp xếp nhà, đất trong thời gian tới theo cơ quan này cần thông qua cơ chế sắp xếp nhà, đất để khắc phục tình trạng sử dụng sai quy định, lãng phí nguồn tài sản công của Nhà nước.
Bộ Tài chính khẳng định: Cần xử lý nghiêm minh và triệt để các trường hợp sử dụng sai quy định như cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, bố trí làm nhà ở, lấn chiếm… Đối với nhà, đất sử dụng không hiệu quả, sai quy định, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Nhà nước thu hồi giao cho tổ chức khác sử dụng.