MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi du học sớm nên hay không? - Chuyên gia cho rằng đừng "thần thánh hóa" kẻo vỡ lở!

28-02-2023 - 10:52 AM | Sống

Du học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của trẻ và cũng là mong ước của cha mẹ muốn con được học tập trong môi trường tốt nhất. Nhưng đi du học sớm có phải điều tốt hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ gây nhiều tranh cãi.

Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa rộng mở, trở thành công dân toàn cầu không chỉ là hoài bão của các bạn trẻ mà còn là định hướng của nhiều gia đình. Thậm chí, để rút ngắn thời gian, không ít phụ huynh sẵn sàng cho con đi du học khi mới chập chững bước sang tuổi 13, 14.

Bên cạnh những em vượt qua được khó khăn, đạt thành tích xuất sắc cũng có không ít em rơi vào trạng thái trầm cảm, kết quả học tập sụt giảm, thậm chí dừng việc học, về nước để điều trị bệnh. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện thực tế của một số bạn có trải nghiệm ra nước ngoài học tập trước tuổi 18.

Du học không phải là bức tranh màu hồng!

Tuấn Minh (25 tuổi, Hà Nội) mới tốt nghiệp đại học tại một trường danh tiếng ở Singapore. Minh chia sẻ bản thân đã đi du học từ năm 14 tuổi, ngay khi kết thúc chương trình THCS tại Việt Nam.

Thời điểm đó, cú sốc đầu tiên mà nam sinh phải đối mặt là việc bản thân hạn chế tiếng Anh và chương trình học tập phức tạp. Để được nhận vào trường cấp 2 công lập, Tuấn Minh phải trải qua kỳ thi đầu vào AEIS và em đã trượt đến 4 lần. Minh bày tỏ, thời điểm đó bản thân rất chán nản, thất vọng và từng có ý định quay về Việt Nam.

Tuấn Minh nhớ lại: "May mắn khi chuẩn bị lần thi thứ 5, em được sự động viên tinh thần từ một thầy giáo người Singapore. Thầy bảo em cần tiếp tục cố gắng dù kết quả có ra sao đi nữa. Những lời nói, việc làm của thầy đã tác động mạnh đến tâm lý và giúp em nỗ lực từng bước chinh phục mục tiêu".

Đi du học sớm nên hay không? - Chuyên gia cho rằng đừng thần thánh hóa kẻo vỡ lở! - Ảnh 1.

Từ năm 14 tuổi, Minh đã sang Singapore học tập.

Cũng giống như Tuấn Minh, thời gian đầu, Kiều Trang (15 tuổi, Hải Phòng) đang học Secondary 3 (tương đương với lớp 9 ở Việt Nam) tại trường Clementi Town Secondary School (Singapore) gặp không ít khó khăn trong học tập. Trang choáng ngợp trước việc phải sử dụng tiếng Anh hàng ngày thay vì tiếng mẹ đẻ. Để theo kịp các bạn, em phải nỗ lực rất nhiều trong việc mở rộng vốn từ vựng, trau dồi ngữ pháp, viết luận, đọc sách báo bằng tiếng Anh.

Trang cho biết: "Thời khóa biểu của trường em dày đặc. Bọn em đến trường từ 7h30 sáng và về lúc 18h. Ngoài học tập, em còn phải tham gia các sự kiện, hoạt động ngoại khóa và vô vàn kỳ thi khác. Điều này khiến em luôn phải đối mặt với áp lực, mệt mỏi".

Hay như Mai Phương, 17 tuổi, trường Givat Haviva International School (GHIS) ở Israel theo chương trình học bổng dành cho học sinh độ tuổi từ 15-17 từng khóc nức nở vì mọi chuyện không như mơ. Nữ sinh chia sẻ dù đã chuẩn bị tâm lý vững vàng nhưng bản thân không tránh khỏi những phút giây yếu lòng. Em đã rất nhớ nhà, luôn cảm thấy tủi thân, cô quạnh.

Khó khăn thứ hai mà Mai Phương gặp phải là em chọn lựa đi du học quá sớm nên chưa có vốn sống sâu, trải nghiệm nhiều. Vì thế, khi bước ra môi trường quốc tế, em khá sốc khi phải học cách tự chăm sóc bản thân. Việc sống trong 1 cộng đồng 100% học sinh đến từ các quốc gia khác nhau dẫn đến việc Phương phải làm quen với nhiều thói quen sinh hoạt khác nhau, nhiều phong tục tập quán khác biệt.

"Em từng rơi vào khủng hoảng tinh thần. Em luôn cảm thấy bản thân cố gắng bao nhiêu cũng chưa đủ. Phần nữa, em stress (áp lực) bởi nhớ nhà. Em đã khóc rất nhiều trên lớp. Thấy em như vậy, thầy giáo dạy Toán đã đến bên an ủi. Cuối cùng mọi chuyện đã ổn. Nhưng em biết, có nhiều bạn không vững tinh thần dẫn tới bỏ học, quay trở về nước", Phương tâm sự.

Đi du học sớm nên hay không? - Chuyên gia cho rằng đừng thần thánh hóa kẻo vỡ lở! - Ảnh 2.

Minh Phương từng khóc rất nhiều vì nhớ nhà và không quen với môi trường mới.

Chuyên gia đưa ra loạt lời khuyên cực thấm!

"Du học sớm" trở thành "hot search" (được tìm kiếm nhiều) trong những năm gần đây. Du học sớm là hình thức du học dành cho các em Tiểu học, Trung học hoặc Trung học phổ thông. Việc du học sớm trở nên phổ biến là do mong muốn của học sinh, phụ huynh cùng với sự mở rộng và tạo điều kiện của các nước tiên tiến.

Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà việc đi du học sớm mang lại như: Rèn luyện ngoại ngữ, mở ra cơ hội phát triển tri thức tiến tới trở thành công dân toàn cầu, nâng cao khả năng phát triển tư duy, nâng cao các kỹ năng mềm, thích nghi với nền văn hóa bản địa, làm quen với các phương pháp học tập hoàn toàn khác so với ở Việt Nam.

Thế nhưng, theo GS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), các bậc phụ huynh không nên thần thánh hóa việc đi du học sớm để tiến tới trở thành công dân toàn cầu.

Ông Thành Nam phân tích, công dân toàn cầu thể hiện qua một số phẩm chất nhất định. Đầu tiên đó là việc người học có nhận thức toàn cầu. Nghĩa là sự am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các quốc gia trên thế giới. Qua đó hình thành sự tôn trọng và chấp nhận khác biệt để hòa nhập nhưng không hòa tan.

Công dân toàn cầu cũng thể hiện qua năng lực ngôn ngữ phát triển để có thể học tập, làm việc và giao lưu với mọi người. Ngoài ra, người học còn cần chú trọng các kỹ năng khác như: Năng lực sử dụng công nghệ, kỹ năng giao tiếp, cách kiểm soát bản thân, cách quản trị mối quan hệ, khả năng chấp nhận sự khác biệt, kỹ năng làm việc đa lĩnh vực,…

Đi du học sớm nên hay không? - Chuyên gia cho rằng đừng thần thánh hóa kẻo vỡ lở! - Ảnh 3.

GS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội).

GS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: "Tuy nhiên, để trở thành công dân toàn cầu, để bản thân trở nên ưu tú thì du học sớm không phải là con đường duy nhất. Chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan, cần có bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Vì thế, nếu học sinh chưa chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về vốn văn hóa, kỹ năng, ngoại ngữ thì rất dễ phản ứng ngược.

Thực tế có nhiều bạn trẻ đi du học sớm rồi trở về thất bại, gây tốn tiền bạc và thời gian để học lại nhằm đạt một tấm bằng cụ thể. Có bạn về nước tôi thấy không có kỹ năng ứng xử, cũng không có yếu tố hội nhập, không tạo ra giá trị hữu ích cho bản thân và xã hội. Thậm chí, các bạn ấy còn bị 'đổi màu', có kiểu ứng xử chẳng phù hợp với văn hóa Việt Nam, cũng chẳng phù hợp với văn hóa phổ quát tiến bộ của thế giới. Đó chỉ là kiểu 'lai căng' thôi".

Ông Nam cho rằng, hiện tại có rất nhiều trường đại học ở Việt Nam đang tiến tới đào tạo công dân toàn cầu, trang bị cho sinh viên năng lực ngoại ngữ, kiến thức văn hóa đa quốc gia qua các chương trình quốc tế. Và thực tế có nhiều sinh viên ở quốc gia khác đến Việt Nam để học tập và sinh sống. Điều này khẳng định việc học trong nước vẫn có thể phát triển bản thân, không nhất thiết phải đi du học sớm.

Còn nếu phụ huynh vẫn muốn con ra nước ngoài học tập sớm thì cần cân nhắc những điều sau:

- Thứ nhất, cha mẹ cần kiểm tra năng lực của con đủ để theo học chương trình quốc tế bằng tiếng nước ngoài, không phải là tiếng mẹ đẻ hay không.

- Thứ hai, cha mẹ cần xem con có năng lực tự lập trong môi trường hoàn toàn khác biệt Việt Nam hay không.

- Thứ ba, cha mẹ cần xem con có kỹ năng hội nhập nền văn hóa, tiếp thu những điều tốt đẹp và tránh xa những cám dỗ hay không.

- Cuối cùng, cha mẹ cần phân tích ưu - nhược điểm của các phương án khác nhau. Hãy chọn phương án đem lợi ích nhiều nhất, giảm thiểu rủi ro đáng kể. Ngoài ra, cha mẹ hãy cân nhắc vấn đề tài chính, tránh trường hợp xấu xảy ra khiến việc học của con bị gián đoạn.

"Chúng ta đang sống ở thế giới phẳng, ngồi ở đâu cũng có thể tiếp nhận được tri thức toàn thế giới. Vì thế, các bậc cha mẹ không nên 'thần thánh hóa' việc đi du học sớm. Không phải Tây là to, ở Tây có nhiều trường 'gà rừng' còn thua các trường chất lượng cao ở Việt Nam. Môi trường không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công. Điều quan trọng nhất là sự cố gắng, nỗ lực của đứa trẻ. Bên cạnh đó còn là sự phù hợp ở triết lý giáo dục, mô hình giảng dạy và sự quan tâm của giáo viên", ông Thành Nam nhấn mạnh.

Ảnh: NVCC

Theo Ứng Hà Chi

Tổ quốc

Trở lên trên