Đi du lịch Nhật Bản, nữ du khách kinh ngạc với những quy tắc "ngầm" vô cùng độc đáo
Sau khi đi du lịch tại Nhật Bản, cô gái người Ý đã phát hiện nhiều điều thú vị tại đây.
- 18-05-2022Cửa hàng tiện lợi ''bất tiện nhất thế giới'' có diện tích chỉ bằng một người, muốn mua hàng phải leo lên độ cao 120m
- 11-05-2022Công ty cho nhân viên nghỉ phép không giới hạn ngày, khuyến khích nghỉ ít nhất 4 tuần/năm
- 09-05-2022Nghề xếp hàng thuê cho giới nhà giàu: Công việc kỳ lạ kiếm trăm triệu đồng sau 5 ngày, được xuất hiện tại các sự kiện trọng đại
Đối với nhiều du khách, dù đi du lịch ở bất kỳ quốc gia nào, sự khác biệt văn hóa luôn là một phần thú vị của chuyến đi. Nhiều điều tưởng chừng rất bình thường nhưng lại trái ngược hoàn toàn ở nơi khác. Đất nước Nhật Bản cũng vậy!
Ngoài những địa điểm vui chơi, phong tục văn hóa ở Nhật Bản khiến du khách nước ngoài phải trầm trồ, nơi đây cũng có một số quy luật "ngầm" bất ngờ không kém. Một cô gái người Ý đã được trải nghiệm những điều trên và sau đây là suy nghĩ cá nhân của cô về sự khác biệt giữa văn hóa của người Nhật và văn hóa nước Ý.
Nữ du khách người Ý chia sẻ trải nghiệm thú vị sau khi du lịch Nhật Bản.
Người Nhật rất coi trọng việc đi tàu
"Ở Ý, việc nghe điện thoại trên tàu hoặc xe bus là điều rất bình thường. Thế nhưng, ở Nhật Bản, có một quy luật về việc cấm sử dụng điện thoại trên phương tiện công cộng. Biển báo cấm này xuất hiện ở khắp mọi nơi và người Nhật luôn nghiêm túc chấp hành quy luật này. Không những vậy, khi đợi tàu ở ga, người Nhật sẽ lần lượt xếp hàng dọc 2 bên cửa ra vào để nhường chỗ cho người xuống", theo nữ du khách người Ý.
Khi sử dụng phương tiện công cộng để tới trường hay đi làm, người dân luôn để ý tới hành vi của mình. Do đó, việc gọi nhau hay ngắt lời người khác ở nơi công cộng cũng là điều hết sức tối kỵ. Chính ý thức tự chủ và nghiêm túc này luôn khiến người nước ngoài ấn tượng và bất ngờ mỗi khi có dịp tới thăm đất nước mặt trời mọc.
Nhân viên ga tàu rất thân thiện
Nhật Bản có mạng lưới tàu điện ngầm rất phát triển, do đó, nhiều khách du lịch chọn phương tiện giao thông này để di chuyển tới các thành phố khác vì tính thuận tiện của chúng.
"Thông thường, ở gần cổng tại mỗi nhà ga sẽ luôn có các nhân viên hỗ trợ. Vì vậy, nếu bạn không biết phải đi đâu hoặc làm gì, họ luôn sẵn sàng giải đáp câu hỏi của bạn. Họ cũng rất thân thiện nữa. Tôi nghĩ điều này rất hữu ích đối với khách du lịch", cô gái nói.
Mặt khác, việc sử dụng máy bán vé tự động cũng là một trở ngại. Ở nhà ga lớn với quá nhiều lựa chọn như ga Shinjuku hay ga Tokyo, mọi thứ trở nên khó khăn đối với hầu hết khách du lịch nước ngoài. Khi việc này xảy ra, nhân viên nhà ga luôn tận tình giúp đỡ với sự thân thiện và nhiệt tình.
Vé xe buýt phức tạp
"Ở Ý, bạn có thể đi xe buýt miễn phí khoảng 75 phút sau khi xé vé hoặc sau khi quẹt thẻ. Mặc dù có giới hạn thời gian nhưng điều này khá tiện lợi vì bạn có thể đến những địa điểm khác nhau trong thời gian đó mà không cần lo lắng về việc giữ vé. Ngược lại, việc đi lại bằng xe buýt khá bất tiện ở Nhật Bản, nơi mỗi vùng có những loại xe buýt riêng với giá cả chênh lệch", nữ du khách chia sẻ thêm.
Việc đi xe buýt khó hơn hẳn so với đi bằng tàu điện ngầm hay máy bay đối với khách du lịch. Giờ đây, các thông báo bằng nhiều ngôn ngữ đang trở nên phổ biến trên các phương tiện giao thông công cộng, nên dù việc hiểu giá vé và thông tin về điểm đến đã dễ dàng hơn, các loại giá vé khác nhau vẫn là một chướng ngại đối với du khách nước ngoài.
Ở 23 phường Tokyo và Kyoto luôn có một mức giá vé thống nhất nhưng tại các khu vực nông thôn, giá vé thay đổi tùy thuộc vào khoảng cách. Ngoài ra, xe buýt và phương thức thanh toán ở nông thôn cũng khác với Tokyo, vì vậy ngay cả người Nhật đôi khi cũng mắc sai lầm. Ví dụ, ở Tokyo, bạn phải trả tiền trước khi lên xe buýt, còn ở Kyoto, bạn phải trả tiền khi xuống xe.
Không chỉ phí xe buýt mà cả trạm xe buýt ở mỗi nơi cũng khác nhau. Điều này có thể dễ gây nhầm lẫn và chậm trễ cho những người nước ngoài lần đầu đến thăm Nhật Bản.
Quy định gửi hành lý nghiêm ngặt
Nhiều loại mặt hàng phải tuân theo quy định kiểm tra ở Nhật Bản, bao gồm miso, dưa chua, hải sản, trái cây bảo quản, đồ hộp, sữa chua, thạch và dầu gội đầu. Nước uống, nước trái cây và dầu ăn cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, các vật phẩm trên sẽ được phép mang lên máy bay nếu được cất giữ trong hành lý ký gửi.
Khách du lịch nước ngoài có thể bị cấm nhập cảnh nếu họ mang theo động vật và một số sản phẩm làm từ động vật, các loại rau củ, hạt giống, đất, thực phẩm hoặc đồ uống. Lý do quy tắc này được đưa ra là để bảo vệ môi trường của quốc gia. Cũng giống như các hạn chế về hành lý xách tay, đây là những quy tắc được đưa ra để giữ gìn an ninh và bảo tồn đất nước.
Người Nhật có thích chia sẻ đồ ăn không?
Nữ du khách cho biết: "Người Ý không chia sẻ đồ ăn của mình. Về cơ bản, bạn sẽ chỉ nên ăn chiếc bánh pizza mà bạn mua và nếu muốn chia sẻ với người khác, hãy chia cho họ trước khi ăn bánh". Thế nhưng, với người Nhật Bản, việc chia sẻ thức ăn là một điều hết sức bình thường.
Nhiều khách du lịch cũng bất ngờ bởi cách ứng xử của nhân viên phục vụ tại Nhật Bản. "Các nhân viên ở Nhật khá hoạt ngôn. Khi tôi thanh toán tại quầy thu ngân, họ nói: 'Tôi đang nhận 1000 yên' hoặc 'Tôi sẽ đưa cho bạn tiền lẻ 100 yên'. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên, nhưng tôi cũng nghĩ điều này rất hay", nữ du khách nói thêm.
Hiển nhiên, nhiều du khách nước ngoài chắc chắn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi trải nghiệm những quy tắc ứng xử khác lạ ở quốc gia mình ghé thăm. Thay vì đánh giá họ dưới góc nhìn tiêu cực, chúng ta nên cảm ơn họ vì đã có thời gian "lặn lội" tới du lịch và thăm quan đất nước của mình. Suy nghĩ đó sẽ là cách tốt nhất để bạn thể hiện lòng mến khách và thân thiện với người nước ngoài.
Nguồn: Livejapan
Trí thức trẻ