MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi làm thì than áp lực, bị cho nghỉ việc lại khủng hoảng vì thiếu tiền

24-10-2022 - 21:21 PM | Sống

Mỗi người đều cần chuẩn bị trước cho những thay đổi có thể ảnh hưởng lớn đến tài chính cá nhân, chẳng hạn nghỉ việc.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ cảm thấy khá áp lực với khối lượng công việc hàng ngày, do vậy, họ mong muốn có thời gian nghỉ ngơi. Cũng có một vài người rơi vào trạng thái thất nghiệp bị động, cho nên bắt buộc phải nghỉ ngơi.

Song, dù là ở trường hợp nào, nếu không có sự chuẩn bị trước về tài chính, rất nhanh bạn có thể sẽ phải đối diện với áp lực tiền bạc.

Bỗng dưng thất nghiệp, từ áp lực công việc sang khủng hoảng tài chính

Trúc Hà (25 tuổi), vào khoảng cuối năm ngoái đã có một khoảng thời gian nghỉ ngơi không làm việc. "Trường hợp của mình có lẽ khá đặc biệt, mình không chủ động thất nghiệp mà tình thế buộc mình phải "nghỉ ngơi". Vì nơi mình làm việc bị ảnh hưởng bởi dịch nên phải thay đổi cơ chế nhân sự. Vì lúc đó mình cũng mới vào nên nằm trong danh sách bị cắt giảm, do vậy, mình hiển nhiên trở thành người thất nghiệp".

Bên cạnh đó, bởi vì thời điểm cuối năm các công ty ít khi tuyển dụng, Hà rất khó để xin việc. Tính từ lúc nghỉ đến khi tìm được công việc mới mất gần nửa năm.

Mặt khác, bởi vì thất nghiệp trong trạng thái bị động, cô bạn gần như không có khoản tiền nào chỉ dành riêng cho những trường hợp bất ngờ như nghỉ việc. Song, may mắn trước đó ngoài việc chính, Hà có làm thêm công việc ngoài. Do vậy, trong thời gian nghỉ việc, cô vẫn có đồng ra đồng vào nhưng không nhiều vì đó chỉ là việc bán thời gian, khoảng 3 triệu/ tháng. Hơn thế nữa, dù không có khoản tiền chuẩn bị cho thời gian nghỉ việc, cô bạn trước đó cũng tiết kiệm 1-2 triệu đồng/ tháng nên về mặt tài chính không đến nỗi quá căng thẳng.

"Song, mình rất hụt hẫng và khá áp lực vì không có nguồn thu nhập ổn định, mình cũng chưa chuẩn bị tinh thần cho việc này. Thời gian đầu, mình khá sốc, áp lực, vì đang trong guồng công việc bận rộn. Lúc đó, cũng áp lực công việc nhưng bỗng dưng bị nghỉ, một khủng hoảng khác đến, đó là áp lực tài chính và đồng trang lứa. Thấy bạn bè ai cũng đang đi làm, nhìn lại bản thân, mình khá buồn".

Đi làm thì than áp lực, bị cho nghỉ việc lại khủng hoảng vì thiếu tiền - Ảnh 1.

Trúc Hà

Cảm thấy thoải mái vì đã chuẩn bị trước khi nghỉ việc

Khác với Hà, Thanh Ngân (24 tuổi) hiện tại đang có một khoảng thời gian nghỉ ngơi chủ động đến nay đã được 2 tháng sau khi nghỉ công việc gần đây nhất. Cô bạn chia sẻ rằng do công việc cũ không còn phù hợp với định hướng, cho nên nếu kéo dài tiếp sẽ rất tốn thời gian. Phần còn lại, Thanh Ngân muốn dành khoảng thời gian còn trẻ để khám phá và học thêm bộ môn mới.

Trong thời gian đi làm, mỗi tháng Thanh Ngân để ra khoảng 2-3 triệu bỏ vào 1 tài khoản riêng để đề phòng lúc rủi ro cần thiết có thể dùng. "Mình dự định trong 3 tháng không có việc sẽ phải tiêu tốn chi phí là khoảng 6 triệu/ tháng. Do vậy, sau khi đảm bảo tài khoản dự phòng có ít nhất là 20 triệu, mình mới nghĩ tới nghỉ việc tạm thời".

Vì có những chuẩn bị từ trước, đặc biệt trong câu chuyện tài chinh, do vậy Thiên Ngân cảm thấy khá thoải mái với quyết định của mình. "Việc tạm thời không có thu nhập cũng làm mình phải tiết kiệm lại hơn trước, nhưng vì cũng lường trước được chuyện này rồi, nên mình cũng thấy không có vấn đề gì".

Hiện nay, Thanh Ngân đang ở cùng bố mẹ nên các khoản liên quan đến ăn ở không tốn quá nhiều. Trong những tháng này, số tiền chi ra chủ yếu là dành cho việc học để chuẩn bị công việc sắp tới, thi thoảng ra ngoài cùng bạn bè. Bình thường mỗi tháng, cô bạn đều mua sắm một chút nhưng những tháng nghỉ việc thì mình cắt giảm hoàn toàn để có thể cân đối trong tài chính cá nhân.

Đi làm thì than áp lực, bị cho nghỉ việc lại khủng hoảng vì thiếu tiền - Ảnh 2.

Thanh Ngân

Nên có khoản tiết kiệm dành cho những trường hợp bất ngờ

Qua trải nghiệm của mình, Hà cho rằng mọi người nên tập thói quen tiết kiệm dù có xác định nghỉ việc hay không. "Trước đây, mình không phải người đặt mục tiêu bản thân bắt buộc phải tiết kiệm được từng này. Mình thường tiêu bao nhiêu thì tiêu, nếu còn dư thì tốt mà không dư thì mình cố gắng làm việc tăng thu nhập".

Tuy nhiên sau lần bất ngờ thất nghiệp, cô bạn nhận ra tiền tiết kiệm rất quan trọng. Hơn nữa, nếu bạn nghỉ việc mà có đủ kinh tế, chắc chắn sẽ thoải mái, thảnh thơi hơn là không có xu nào. Không nên để bản thân rơi vào thế bị động, như vậy sẽ không biết xoay sở ra sao. Theo quan điểm của Hà, mỗi người nên có 1 khoản dự phòng ít nhất 3-6 tháng chi phí sinh hoạt để không khiến bản thân rơi vào áp lực tài chính sau khi nghỉ việc.

Đồng quan điểm với Hà, Thanh Ngân cũng cho rằng mọi người nên chuẩn bị trước về tài chính cho những tình huống bất ngờ như nghỉ việc. Vì cảm giác đã thất nghiệp còn rỗng túi sẽ gây bất an khá là nhiều.

"Mình nghĩ trong thời gian có thu nhập ổn định, dù không có ý định sẽ nghỉ việc, mọi người cũng nên trích mỗi tháng tiền lương làm 1 khoản gọi là tiền dự trù rủi ro chẳng may cần đến. Lúc nghỉ việc cũng xác định được cụ thể mình cần dùng tiền vào những việc gì sẽ giúp bản thân quản lý tài chính tốt hơn".

Theo Tô Diệp - Thiết kế: Trường Dương - Ảnh: NVCC

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên