MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi làm vài năm mới thấy nể bố mẹ: Tuổi 20 đẻ con nuôi lớn thành người, xây nhà, tích cóp còn mình chẳng để nổi 1 xu tiết kiệm

23-05-2024 - 10:09 AM | Lifestyle

Bạn học được gì từ cách dùng tiền và kiếm tiền của bố mẹ mình?

“Học thầy không bằng… học bố mẹ” - đó là cách nói vui của nhiều người trẻ sau vài năm đi làm, mới vào thị trường lao động nhưng đã nhanh chóng thấy việc kiếm tiền, đạt tài chính “tự do tự lo" là một nhiệm vụ khó khăn. Lúc này họ lại quay sang ngưỡng mộ bố mẹ mình vì tầm tuổi nào cũng nỗ lực tiết kiệm, chi tiêu vun vén để lo toan cho cuộc sống của gia đình. Hai người trẻ dưới đây là ví dụ.

Bố mẹ tuổi 25 đi làm nuôi cả gia đình, còn mình kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó

Quế Anh (Hà Nội) nói về sự khác biệt giữa cô và mẹ ở độ tuổi 25. Ở tuổi 25 hiện giờ, nếu như Quế Anh vẫn đang chật vật tìm cách kiểm soát từng đồng tiền lương, kiếm được đồng nào tiêu hết đồng nấy thì mẹ cô đã làm “tay hòm chìa khoá" trong gia đình 4 người, gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ.

Theo Quế Anh, nếu như tầm này cô vẫn được gọi coi “thế hệ trẻ", “mới đi làm vài năm" thì thế hệ bố mẹ đã đồng loạt lập gia đình, cần lên kế hoạch mua nhà, nuôi con. Cũng vì thế, trách nhiệm của bố mẹ với kiếm tiền và sử dụng đồng tiền cũng gia tăng.

Quế Anh chia sẻ: “Hiện mức lương của mình chỉ 12-15 triệu đồng, nhưng tháng nào cũng tiêu hết sạch. Giờ mình ‘tự do tự lo’ nhưng vẫn chưa biết làm sao để kiểm soát chi tiêu. Dù đầu tháng nào mình cũng tự nhủ phải sống tiết kiệm lại, lên kế hoạch mua sắm nhưng cuối tháng vẫn chi tiêu quá tay. Đặc biệt hơn, mình khó kiềm chế bản thân trước các cơn mua sắm bốc đồng, thích thứ gì sẽ mua luôn, bất chấp số dư tài khoản còn nhiều hay ít".

Đi làm vài năm mới thấy nể bố mẹ: Tuổi 20 đẻ con nuôi lớn thành người, xây nhà, tích cóp còn mình chẳng để nổi 1 xu tiết kiệm- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trái ngược với Quế Anh là cách tiêu tiền của mẹ từ ngày còn trẻ, đó là tiết kiệm từng đồng một, “kiếm được 10 đồng thì phải giữ lại được 7-8 đồng”.

“Ngày trước bố mẹ mình tiết kiệm nhiều lắm, và mình rất nể phục cách chi tiêu này của bố mẹ. Mẹ mình có riêng một cuốn sổ để ghi lại chi tiêu trong ngày, được chép vô cùng tỉ mỉ và đều đặn. Tháng nào mẹ cũng chia nhỏ tiền lương, được phân chia rõ ràng đâu là khoản mua thực phẩm, khoản nào đóng học phí,...

Khi đi mua sắm, mẹ mình có nhiều kinh nghiệm mua đồ và nhìn giá, biết đâu là món cần mua, món nào đồ rẻ tiền. Cũng nhờ thế, tháng nào mẹ cũng dư tiền tiết kiệm, đôi khi cất riêng được để mua mấy chỉ vàng, hoặc dành đóng học cho con cái.

Nhiều người cho rằng, so với thế hệ chúng mình, bố mẹ ít lựa chọn mua sắm hơn nên có thể tiết kiệm nhiều tiền. Nhưng mình nghĩ, nếu muốn tiêu hoang thì chỉ cần có tiền trong tay, nhiều người vẫn sẵn sàng vung tay quá trán được”, Quế Anh chia sẻ.

Cô nàng cũng nhận định, so với thế hệ bố mẹ thì việc sở hữu tài sản lớn của người trẻ giờ có thể khó khăn hơn vì dân số đông và lạm phát. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không có sự chuẩn bị tài chính bằng cách tiết kiệm từ trước thì khi cơ hội đến cũng khó mua được nhà, được đất.

Khó chăm chỉ làm việc được như bố mẹ

Phương Thảo (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng, cô đang sống với một nguồn thu nhập là công việc văn phòng. Đến giờ, dù muốn có thêm nghề tay trái hoặc phát triển sự nghiệp để gia tăng thu nhập thì Phương Thảo vẫn chưa tìm được con đường cho riêng mình.

Cô cho hay: “Đi làm rồi mình mới thấy tiền bạc khó kiếm. Nếu muốn sống tốt thì cần biết cách kiếm ra tiền, nhưng không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy lộ trình tăng lương cho bản thân".

Đi làm vài năm mới thấy nể bố mẹ: Tuổi 20 đẻ con nuôi lớn thành người, xây nhà, tích cóp còn mình chẳng để nổi 1 xu tiết kiệm- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Nhìn về phía bố mẹ mình, những người xuất phát điểm làm công ăn lương bình thường nhưng tận dụng được thị trường đã mở thêm cửa hàng kinh doanh thời trang khiến Phương Thảo ngưỡng mộ. Cô nàng nhớ lại, phụ huynh từng tâm sự, nhiều người tầm tuổi bố mẹ cho rằng chỉ có một công việc ổn định là đủ. Thế nhưng, họ sớm nhận ra nếu chỉ làm công ăn lương thì khó nuôi được 5 đứa con, chứ chưa nói đến làm giàu.

Phương Thảo chia sẻ : “Mình làm một công việc văn phòng đã thấy mệt rồi. Tối nào đi về nhà là mình chỉ muốn ăn cơm xong rồi nằm trên giường. Nhưng ngày xưa bố mẹ mình vẫn đi làm cả ngày, tối về còn làm thêm rồi dạy con học bài. Bố mẹ mình từng nói đó là trách nhiệm của người có gia đình, dù mệt mỏi thế nào thì cũng phải vác cái thân đi kiếm tiền.

Con đường gia tăng thu nhập của bố mẹ cũng gian nan. Hồi đầu, bố mẹ làm công ăn lương bình thường, tháng kiếm vài chục ngàn đồng. Nhà mình thấy không ổn nên bắt đầu kinh doanh riêng. Để gia tăng thu nhập, bố mình cuối tuần đi xe hàng chục cây số lấy hàng quần áo về bán, rồi mẹ mang bầu vẫn thức đến 3h sáng để đan len bán ngoài cửa hàng.

Rất may nhà mình mở cửa hàng khi xung quanh không có nhiều đối thủ. Bố mẹ mình cũng nhận ra tiềm năng của buôn bán nên sau đó việc kinh doanh của gia đình cũng dần thuận lợi, nhà có thêm đồng ra đồng vào".

Đi làm vài năm mới thấy nể bố mẹ: Tuổi 20 đẻ con nuôi lớn thành người, xây nhà, tích cóp còn mình chẳng để nổi 1 xu tiết kiệm- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Sau cùng, tổng kết về câu chuyện của gia đình, Phương Thảo chia sẻ tư duy về kiếm tiền, nỗ lực làm việc chăm chỉ của bố mẹ đã ảnh hưởng đến bản thân rất nhiều. Cũng nhờ đó, từ trước khi phong trào kêu gọi làm 2-3 công việc cùng lúc lan rộng trên MXH, cô nàng đã xác định mình khó thể sống chỉ với một nghề văn phòng.

“Hiện, mình vẫn đang ở những năm đầu của sự nghiệp, song song tìm công việc tay trái, buôn bán thêm cho bản thân. Nhìn bố mẹ, mình biết bản thân khó thể dư dả nếu chỉ trông cậy vào một nguồn thu nhập, cũng như có tư duy kiếm tiền đúng đắn thì sẽ có lợi như thế nào”, Phương Thảo bày tỏ.

Theo Nguyệt

Phụ Nũ Mới

Trở lên trên