MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi lên từ vũng bùn nghèo khó, đây là cách quốc gia Đông Nam Á trở thành “cái rốn” thu hút doanh nghiệp toàn cầu

29-10-2022 - 11:40 AM | Tài chính quốc tế

Đi lên từ vũng bùn nghèo khó, đây là cách quốc gia Đông Nam Á trở thành “cái rốn” thu hút doanh nghiệp toàn cầu

Đối xử công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, ưu đãi thuế quan và một nền kinh tế mở với bộ máy quản lý gần như không tồn tại tham nhũng, Singapore là lựa chọn hàng đầu của những doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi biên giới một quốc gia.

Vũng lầy lột xác thành trung tâm tài chính toàn cầu

Singapore có diện tích 718,3 km vuông. Khi người Anh đặt chân tới hòn đảo này năm 1819, nó hoàn toàn là rừng rậm mọc trên đầm lầy và không có bất cứ tài nguyên gì. Lợi thế lớn nhất của Singapore chính là vị trí địa lý. Hòn đảo này nằm trên tuyến đường giao thương hàng hải giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên nó nhanh chóng trở thành một thương cảng tấp nập.

Singapore thu hút đông đảo người nhập cư từ khắp các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, cuộc sống ở Singapore là sự chen chúc, bẩn thỉu với những ngôi nhà tạm chủ yếu được dựng lên từ gỗ. Có thời kỳ, người dân sống trên đảo quốc sư tử trồng chuối để đánh dấu khoảng đất mình sở hữu. Tình trạng nước sạch thiếu, nước thải thừa càng khiến cho cuộc sống trên đảo quốc sư tử trở nên nhơ nhớp.

Đi lên từ vũng bùn nghèo khó, đây là cách quốc gia Đông Nam Á trở thành “cái rốn” thu hút doanh nghiệp toàn cầu - Ảnh 1.

Khi Vương quốc Anh trả tự do cho Singapore năm 1959, cuộc sống trên đảo hòn đảo này bước sang trang mới, thời đại của tự trị. Cũng trong giai đoạn này, ông Lý Quang Diệu và đảng Nhân dân Hành động nổi lên trên chính trường Singapore và giành quyền chèo lái đất nước. Sinh ra trong một gia đình giàu có và được đào tạo tốt ở Anh, ông Lý Quang Diệu quyết đem những thành tựu vượt trội của thế giới về áp dụng tại Singapore, giúp quốc gia này vươn lên.

Chỉ một năm sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi với Liên bang Malaysia năm 1963, Singapore buộc phải tách ra để tự thân vận động vào năm 1965. Đã có thời điểm, Singapore tưởng như không thể tồn tại vì khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu đã có những chính sách sáng suốt để giúp đất nước phát triển và tiến lên.

Giải quyết vấn đề về nhà ở, Singapore để các bậc thầy về hoạch định xây dựng những khu chung cư nhằm xóa bỏ tình trạng nhà ổ chuột. Các điều kiện sống cơ bản, bao gồm nước sạch và nhà vệ sinh tự hoại, là điều kiện bắt buộc trong các khu chung cư của Singapore dù thời điểm đó, chúng vẫn là điều xa xỉ với phần đông thế giới.

Kết hợp với hàng loạt chính sách hiệu quả về kinh tế và an sinh xã hội, Lý Quang Diệu đã xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà ổ chuột vào năm 1985 và xây dựng một đất nước Singapore hiện đại và hùng mạnh. Tuy nhiên, để Singapore được như ngày nay, các nhà lãnh đạo không chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế mà yếu tố đời sống con người cũng rất được chú trọng.

Đi lên từ vũng bùn nghèo khó, đây là cách quốc gia Đông Nam Á trở thành “cái rốn” thu hút doanh nghiệp toàn cầu - Ảnh 2.

Giai đoạn 1965-1995, tăng trưởng kinh tế Singapore vào khoảng 6% mỗi năm, điều góp phần làm thay đổi đáng kể mức sống. Do hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên, khan hiếm nước ngọt và diện tích đất phục vụ nông nghiệp không đáng kể, Singapore phải chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu của nước ngoài. Chính vì thế quốc gia này chọn phát triển các mảng khác để bù lại.

Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ. Đây cũng là nền kinh tế mở nhất thế giới, với nhiều ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và đãi ngộ cho nguồn nhân lực. Chính vì vậy, Singapore là điểm đến không thể bỏ qua của các doanh nghiệp toàn cầu muốn đặt chân vào châu Á, các doanh nghiệp châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, muốn bước ra thế giới.

Những chính sách hiệu quả để Singapore hút FDI

Đầu tiên, nhắc tới Singapore, người ta sẽ không thể không nhắc tới một quốc đảo nhỏ nhưng nằm ở vị trí chiến lược nhất thế giới. Nằm ở trung tâm tuyến thương mại và vận tải biển chủ chốt của thế giới, Singapore hưởng lợi nhiều từ sự bùng nổ thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, những lợi thế đó có lẽ sẽ không phát huy hiệu quả nếu thiếu đi những chính sách phù hợp.

Nổi bật nhất trong các chính sách của Singapore là không phân biệt đối xử với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Dù Singapore không có luật riêng về mảng này nhưng các luật chung đã bao hàm tất cả nội dung. Chỉ một số trường hợp đặc biệt, được quy định trong luật, mới bị đối xử khác - chủ yếu có liên quan đến các vấn đề nhạy cảm ở Singapore.

Đi lên từ vũng bùn nghèo khó, đây là cách quốc gia Đông Nam Á trở thành “cái rốn” thu hút doanh nghiệp toàn cầu - Ảnh 3.

Ngay từ những năm 1960, Singapore đã đưa ra một loạt ưu đãi để thu hút dòng vốn nước ngoài vào đầu tư sản xuất, kinh doanh ở quốc gia này. Tuy nhiên, nghèo tài nguyên và nguồn nhân lực hạn chế, Singapore lựa chọn phát triển các ngành sản xuất giá trị cao. Cùng với đó, quốc gia này cũng rất đầu tư để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài tới làm việc, song song với đào tạo trong nước.

Bên cạnh đó, bộ máy hành chính vận hành trơn tru, nhanh chóng và hiếm khi xảy ra tiêu cực, tham nhũng đã giúp điểm tín nhiệm của Singapore liên tiếp tăng cao. Thủ tục xin giấy phép hoạt động và đăng ký thành lập rất đơn giản, tiện lợi ngay cả với các nhà đầu tư nước ngoài. Thị thực nhập cảnh và cư trú cho người nước ngoài muốn kinh doanh, làm việc ở Singapore cũng rất đơn giản.

Ngoài ra, ưu đãi thuế tiếp tục góp phần làm cho Singapore càng hấp dẫn hơn. Thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất ở Singapore chỉ là 17%, mức thấp nhất thế giới. Ngoài ra, hàng chục hiệu định thương mại tự do song phương và đa phương mà Singapore là thành viên đã giúp việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ từ quốc đảo này hưởng nhiều ưu đãi.

Cuối cùng, không thể không kể đến hệ thống pháp luật hiệu quả, minh bạch và công bằng và vô tư. Chính điều đó khiến các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Singapore cảm giác có được một sân chơi công bằng và nhiều tiềm năng, lợi thế.

Nguồn: Tổng hợp

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên