MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi ngược thị trường, cổ phiếu của Masan, Techcombank cùng nhau đi lên, đôi bạn tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh kiếm gần 400 tỷ trong ngày

06-03-2024 - 16:16 PM | Doanh nghiệp

Hiện nay, khối tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Đăng Quang đạt gần 24.100 tỷ đồng và của ông Hồ Hùng Anh đạt hơn 24.900 tỷ đồng.

Ngày 6/3, thị trường chứng khoán Việt Nam có 1 phiên giao dịch giảm điểm trên cả 3 sàn. Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,25 điểm về 1.262,73 điểm, tương ứng giảm 0,57%. Ngược dòng với thị trường, giá 2 cổ phiếu của Masan (MSN) và Techcombank (TCB) lại tăng trong hôm nay.

Cụ thể, cổ phiếu MSN đã tăng 1,6%, tương ứng tăng 1.200 đồng/cp lên mức 76.900 đồng/cp. Với mức giá này, vốn hóa của Masan hiện đang hơn 110.000 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu tháng 2 tới nay, cổ phiếu MSN đã tăng 19%.

photo-1709713489845

Còn cổ phiếu TCB đã tăng 1,3%, tương ứng tăng 550 đồng/cp lên mức 42.750 đồng/cp. Vốn hóa hiện tại gần 150.600 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu tháng 2 tới nay, cổ phiếu TCB đã tăng 24%.

photo-1709713598167

Gần đây, Techcombank cũng đã kết thúc chính sách 10 năm không chia cổ tức tiền mặt, và dự kiến tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 sẽ trình phương án chia cổ tức bằng 20% lợi nhuận sau thuế, tương đương 15% mệnh giá.

"Điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của ngân hàng tại thị trường tài chính Việt Nam", ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank nói.

Đối với Masan, năm 2023 là năm Masan ghi nhận mức lợi nhuận ròng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 419 tỷ - giảm hơn 88% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng của các mảng kinh doanh tiêu dùng không thể bù đắp sự tăng mạnh của chi phí tài chính trong môi trường lãi suất và tỷ giá biến động, và kết quả kinh doanh kém khả quan của các mảng không cốt lõi, công ty liên kết.

Tuy nhiên, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một điểm sáng của Masan là áp lực tài chính sẽ giảm đáng kể từ 2024. Cuối quý 4/2023, nợ vay đến hạn trong 12 tháng tới của MSN là 8.963 tỷ đồng (giảm 62%) và chiếm 21,6% tổng dư nợ dài hạn.

Cuối năm 2023, MSN cũng cho biết đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn trong năm 2023. Trong năm 2024, tổng mức đáo hạn trái phiếu theo tính toán của giới phân tích chỉ rơi vào mức 6.000 tỷ đồng, với dòng tiền cải thiện cùng với lượng tiền lớn lên đến 250 triệu USD từ thương vụ gần đây với Bain Capital, theo đó vấn đề thanh khoản không còn là nỗi lo trong thời gian tới với DN này.

Theo quan điểm của VietCap trong báo cáo phân tích mới nhất, MSN sở hữu nhiều mảng kinh doanh tiêu dùng từ sản xuất thực phẩm và đồ uống đến mạng lưới bán lẻ toàn quốc, mỗi mảng có sự cộng hưởng ý nghĩa với nhau.

Trong 3 năm qua, ban lãnh đạo đã định vị MSN rõ ràng hơn là một công ty tiêu dùng, với việc tăng quyền sở hữu và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến mảng tiêu dùng cũng như thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi không cốt lõi.

Đặc biệt, Công ty hiện đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu trong một hoạt động kinh doanh không cốt lõi khác là Masan High-Tech Materials (MHT) . Đây là hoạt động mà VietCap coi là yếu tố hỗ trợ tăng đáng kể cho giá trị doanh nghiệp MSN.

Cùng nhau khởi nghiệp ở Đông Âu rồi về nước phát triển sự nghiệp kinh doanh lên tầm cao mới, bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đã gây dựng nên Masan và Techcombank trở thành 2 doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.

Hai doanh nghiệp có nhiều mối liên quan khi cả ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đều sở hữu cổ phần tại TCB và MSN. Masan còn đang là cổ đông lớn nhất của Techcombank khi sở hữu hơn 524 triệu cổ phiếu TCB, tỷ lệ sở hữu 14,88%. Ông Nguyễn Đăng Quang cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Sau đà tăng của cổ phiếu, hiện nay, khối tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Đăng Quang đạt gần 24.100 tỷ đồng và của ông Hồ Hùng Anh đạt hơn 24.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 375 tỷ và 384 tỷ đồng trong ngày hôm nay.

Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên