Đi tìm lời giải cho tiếng "kêu cứu" của nông sản
Sản xuất manh mún, thiếu sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, công nghệ chế biến... khiến nông sản nhiều năm phải "kêu cứu".
- 29-03-2018Giá trái cây, rau củ tăng giảm thất thường
- 28-03-2018Tỏi Khánh Hòa được mùa, mất giá
- 28-03-2018Đắk Lắk bỏ nghệ đầy đồng vì giá xuống thấp
Tình trạng được mùa mất giá của nhiều mặt hàng nông sản liên tục diễn ra trong thời gian qua gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm nghìn người nông dân.
Mặc dù nước ta có thế mạnh để phát triển các nông sản, đặc sản, tuy nhiên với nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thiếu sự liên kết... khiến cho nhiều loại nông sản chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu cũng như trên thị trường sân nhà.
Đặc biệt, nhiều nông sản Việt lao đao vì tình trạng được mùa nhưng rớt giá hay được giá thì mất mùa. Việc "giải cứu" đã diễn ra thời gian gần đây với sự chung tay của xã hội, song vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có "giải cứu" được hết từ nông sản này đến nông sản khác hay không, hay cần phải làm gì để nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững?
Điệp khúc buồn lặp lại
Câu chuyện về việc giải cứu dưa hấu, thanh long, chuối, thịt lợn… vẫn được nhắc đi nhắc lại suốt thời gian qua.
Gần đây lại có thêm việc giá củ cải, su hào xuống thấp, khiến nhiều hộ dân điêu đứng, thậm chí nhổ bỏ vì không ai mua. Thậm chí nhiều nông dân tại cánh đồng tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội còn phải thuê người dọn ruộng, mang củ cải đi vứt bỏ với mức giá 1 - 1,5 triệu đồng/sào.
Theo người dân ở xã Tráng Việt, vùng trồng củ cải là cây chủ đạo, những năm trước không có việc củ cải ế thừa giá rẻ. Nhiều đầu mối thu mua củ cải tươi để đóng gói vận chuyển vào miền Nam, miền Trung… cũng có doanh nghiệp thu mua về để sấy khô. Tuy nhiên, năm nay không được thu mua như trước, dẫn đến củ cải ế thừa lượng lớn, giá bán giảm nhanh chóng, từ giá 4.500 – 5.000 đồng/kg nay chỉ còn 1.000 đồng/kg.
Không chỉ củ cải, các loại rau màu khác của người dân huyện Mê Linh cũng đang trong tình trạng mất giá thảm hại. Giá rau dưa tại vườn chỉ bán được giá 2.000 đồng/kg, su hào giá 7.000 đồng/ túi khoảng 10 – 12kg.Nghịch lý là trong khi người nông dân phải nhổ bỏ hoặc bán rau củ với mức giá thấp thì người tiêu dùng vẫn phải mua nông sản với giá cao.
Đi tìm lời giải
Một thực tế cho thấy, người nông dân đang hoàn toàn thụ động trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Năm trước giá cao thì năm sau ồ ạt trồng. Tới lúc thu hoạch, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc gặp khó khiến người nông dân thiệt hại nặng nề, nông nghiệp lại rơi vào cảnh khốn đốn, lại nhờ đến sự "giải cứu" của cộng đồng.
Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, trước hết đánh giá một cách công bằng, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn mặc dù trong 30 năm đổi mới thì tỷ trọng sản xuất nông nghiệp trong GDP giảm đi. Tuy nhiên nước ta vẫn là nước nông nghiệp lớn với khoảng 2/3 dân số vẫn sống ở nông thôn và lực lượng lao động cao.
Việt Nam là một trong những nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Lấy ví dụ hạt điều Việt Nam xuất khẩu số một thế giới, cà phê đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Brazil, mặt hàng gạo thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Thái Lan (tùy từng thời điểm), thủy sản thứ 4 thế giới và còn rất nhiều nông sản khác...
Theo ông Phương, nền nông nghiệp nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khiếm khuyết dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá.
"Vấn đề đầu tiên có thể thấy được là ngành nông nghiệp nước ta chủ yếu chạy theo số lượng. Nước ta có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới tuy nhiên chất lượng lại rất thấp, không có thương hiệu kể cả đối với những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu như hạt điều, cà phê, gạo… vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Sản xuất nước ta vẫn còn theo quy mô gia đình, nhỏ lẻ, manh mún và mang tính tự phát. Các hộ gia đình làm theo phong trào, thấy cái gì có lợi là người ta lao vào trồng hoặc nuôi dẫn đến cung vượt cầu", ông cho biết.
Vấn đề thứ 2 chính là thiếu sự liên kết giữa chính những người nông dân sản xuất, thiếu liên kết giữa người sản xuất với người thu mua, phân phối và tiêu thụ. Nếu liên kết với nhau sẽ đối phó với thương lái và không cho thương lái ép giá.
Thiếu liên kết với khâu phân phối tiêu thụ cũng là một trong những lý do khiến "điệp khúc" liên tục tái diễn. Sản xuất manh mún, chất lượng thấp dẫn đến những sản phẩm không thể bán được và khó bán.
Bên cạnh đó, tính thời vụ nông sản chỉ trong khoảng thời điểm nhất định, trong khi đó, khâu tiêu thụ kém ngay cả trong nước và xuất khẩu sẽ dẫn đến "được mùa mất giá".
Vấn đề thứ 3 là rất ít nhà máy chế biến và bảo quản, đặc biệt đối rau quả. Để chế biến và xuất khẩu thì nước ta vẫn chưa làm được điều đó.
"Sản xuất thu hoạch không bán nhanh thì hỏng. Rất nhiều hoa quả cũng như thực phẩm phải bán ngay do không thể để lâu được. Hoa quả chế biến thì nước ta cũng chỉ ăn mứt vào dịp tết. Rau quả rộ lên vào vụ thu hoạch và hỏng cũng rất nhanh dẫn đến việc người nông dân phải bán vội và mất giá là điều đương nhiên", ông cho hay.
Ngoài ra, công tác phân tích dự báo thị trường cả trong nước và xuất khẩu của người sản xuất cũng như cơ quan nhà nước hỗ trợ nông dân vẫn chưa được tốt.
"Người nông dân rất thiếu khả năng phân tích dự báo, điều này cần phải được hỗ trợ. Nhưng ngay cả khi cơ quan nhà nước hoặc hiệp hội có đưa ra lời cảnh báo cho người nông dân là không nên trồng trọt chăn nuôi một số sản phẩm nông sản thì người nông dân vẫn cứ làm và không nghe theo.
Ví dụ đối với thịt lợn, trường hợp này đã cảnh báo rất nhiều, người dân thấy xuất khẩu sang Trung Quốc được lời nên lao vào nuôi dẫn đến bị ép giá mạnh. Rất nhiều cơ quan cảnh báo cung vượt cầu nhưng người nông dân không nghe", ông cho biết thêm.
Trước những vấn đề như vậy, ông Phương khuyến nghị, trước hết chúng ta cần phải chuyển sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún… sang sản xuất quy mô lớn và tập trung hơn. Vì khí sản xuất quy mô lớn, tập trung như thế thì mới có được hàng hóa và kiểm soát được chất lượng tốt.
Ông nhấn mạnh, cần liên kết các hộ nông dân lại với nhau thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác… phải có cơ chế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp và thuê đất của nông dân, liên kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu thụ. Chuyển từ sản xuất nông sản chất lượng thấp sang chất lượng cao do mặt hàng chất lượng cao lúc nào cũng có nhu cầu và được giá. Đặc biệt, cần chú tâm xây dựng các nhà máy chế biến do nước ta hiện có rất ít nhà máy chế biến nông sản nói chung và hoa quả nói riêng
"Chỉ có như vậy, chúng ta mới phát triển được nền nông nghiệp một cách bền vững", ông Phương kết luận.