MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa chấn chính trị Nga: Thông điệp gây sốc của TT Putin mở màn chuyển giao quyền lực kịch tính

16-01-2020 - 16:28 PM | Tài chính quốc tế

Toàn bộ chính phủ Nga đã từ chức ít giờ sau khi tổng thống Vladimir Putin đọc diễn văn Thông điệp liên bang hôm 15/1, trong đó vạch ra những hướng đi mới cho đất nước.

Chuyển giao quyền lực ở Nga mở màn bất ngờ

Nhà báo Reid Standish nhận định trên Foreign Policy, cho rằng ông Putin đã mở màn cuộc chuyển giao chính trị ở Nga một cách hoàn toàn bất ngờ bằng việc tuyên bố kế hoạch thúc đẩy sửa đổi hiến pháp - được cho là nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống kế nhiệm thông qua tái phân bổ quyền lực để trao nhiều tiếng nói hơn cho Quốc hội Liên bang và văn phòng thủ tướng.

Những đề xuất sửa đổi đối với hiến pháp Nga nằm trong chuỗi hành động nhằm mở đường để nhà lãnh đạo 67 tuổi có thể nắm giữ một vị trí quyền lực mới sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024, và vẫn có thể tiếp tục chèo lái đường hướng chính trị của nước Nga.

Sau khi thủ tướng Dmitry Medvedev thông báo trên truyền hình trực tiếp về việc nội các từ chức, tổng thống Putin đã đề cử người đứng đầu Cơ quan thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin vào vai trò thủ tướng.

"Cuộc chuyển giao chính trị ở Nga đã diễn ra sớm so với lịch trình," bà Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập hãng cố vấn chính trị R.Politik và là học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow, Nga, nhận định.

Nội dung gây sốc được ông Putin thông báo sau khi đã dành hầu hết thời lượng trong 80 phút đọc Thông điệp Liên bang để nêu phương hướng nhằm nâng cao tiêu chuẩn sống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nền kinh tế Nga đã tăng trưởng chậm trong những năm gần đây, làm thủ tướng Medvedev cùng nội các của ông hứng nhiều phê bình vì hiệu quả công việc thấp, cũng như tỉ lệ ủng hộ suy giảm. Điện Kremlin cho biết ông Medvedev sẽ đảm nhận cương vị mới là phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga - cơ quan hiện do tổng thống làm chủ tịch.

"Chúng ta cần cung cấp cho tổng thống khả năng để tiến hành tất cả những giải pháp cần thiết" nhằm thực thi các thay đổi - ông Medvedev nói trong thông báo từ chức ngày 15. "Tất cả quyết định tiếp theo sẽ do tổng thống đưa ra."

Reid Standish nhận xét, một loạt thay đổi bất ngờ diễn ra trong ngày 15 đã mở màn cho một kỷ nguyên mới trong nền chính trị Nga, trong đó ông Putin được trao phương án để nắm giữ ảnh hưởng ở mức độ lớn sau khi rời chức vụ tổng thống. Trong Thông điệp Liên bang, ông đề cập những sửa đổi trong hiến pháp có thể cho phép Quốc hội bổ nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng, cũng như giới hạn hai nhiệm kỳ đối với tổng thống. Theo hiến pháp hiện nay, tổng thống là người có quyền đề cử thủ tướng và đưa ra Quốc hội phê duyệt, thủ tướng sau đó sẽ tổ chức nội các của mình. Ông Putin cho biết gói cải cách hiến pháp sẽ được lấy ý kiến trong cả nước, nhưng không nêu thời gian cụ thể.

Các nhà quan sát và giới tinh hoa Nga từ lâu đã có nhiều suy đoán xoay quanh kế hoạch tương lai của Putin và cách thức mà ông có thể tiến hành để duy trì quyền lực sau khi nhiệm kỳ khép lại. Dù tổng thống có tiếng nói lớn trong hệ thống chính trị Nga, điện Kremlin vẫn lo ngại về những tác dụng ngược mà việc cố gắng kéo dài nhiệm kỳ có thể gây ra.

Địa chấn chính trị Nga: Thông điệp gây sốc của TT Putin mở màn chuyển giao quyền lực kịch tính - Ảnh 1.

Người đứng đầu Cơ quan thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin (phải) ngày 15/1 được tổng thống Putin đề cử vào vị trí thủ tướng Nga, thay thế ông Medvedev vừa từ chức (Ảnh: Sputnik / Mikhail Klimentyev)

Điện Kremlin tính toán cẩn thận để tránh gây bất ổn trong nước

Khi ông Putin trở lại làm tổng thống sau 4 năm giữ cương vị thủ tướng (2008-2012), các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Moscow và gây một số rạn nứt trong giới tinh hoa. Lần này, Kremlin đang hành động một cách thận trọng và tìm cách bảo toàn vị thế của ông Putin trong tương lai, song song với việc gìn giữ được tính hợp pháp dân chủ.

"Thời gian [diễn ra chuyển giao] là nhân tố gây bất ngờ ở đây, chứ không phải là bản chất," nhà phân tích chính trị người Nga Ekaterina Schulmann nói. "Sự bất ổn có thể là lợi thế để một số lãnh đạo xử lý vấn đề kế nhiệm, nhưng cũng là một rủi ro. Điều này có thể hiểu là những đấu tranh nội bộ đã nóng lên đến mức họ cần phải loại bỏ những nhân tố bất ổn."

Trước đó, từng xuất hiện tin đồn rằng Moscow muốn thúc đẩy kế hoạch sáp nhập nước láng giềng Belarus vào Liên bang và tạo ra một vai trò mới cho ông Putin trong vai trò lãnh đạo của nhà nước thống nhất mới - được xem là một cách thức để vượt qua quy định chính thức về giới hạn nhiệm kỳ. Dù vậy, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bác bỏ thông tin này. Phương án khác được nhắc tới là gia tăng quyền hạn của Quốc hội và nội các, đồng thời làm giảm vai trò của tổng thống, và ông Putin trở lại ghế thủ tướng như đã làm vào năm 2008 - khi ông Medvedev làm tổng thống.

Nhưng Thông điệp Liên bang ngày 15/1 đã hé mở một hướng đi hoàn toàn khác. Theo đó, ông Putin đề xuất tăng cường vai trò của Hội đồng nhà nước - một cơ quan chính phủ với thẩm quyền chưa được xác định rõ, mà thông qua đó có thể giúp ông nắm giữ quyền lực "không chính thức" sau năm 2024.

"Putin sẽ duy trì hiện diện trong hệ thống và có kế hoạch để tiếp tục tham gia vào việc hoạch định chính sách chiến lược, song ông dường như cũng gây dựng một kịch bản cho phép người kế nhiệm thực thi chương trình nghị sự riêng của họ," bà Stanovaya nói.

"[Putin] nhớ những trải nghiệm không hay với ông Medvedev và hiểu rằng nhiều khả năng ông sẽ có bất đồng với bất kỳ người nào trở thành tổng thống kế tiếp. Vì vậy, ông ấy muốn có cơ chế để quản lý những bất đồng đó khi thiết lập quá trình chuyển giao chậm."

Putin giữ cương vị tổng thống trong hai nhiệm kỳ từ năm 2000 đến 2008, trước khi trở thành thủ tướng để tuân thủ quy định giới hạn nhiệm kỳ tổng thống.

Mục đích chính xác của những quyết định đưa ra ngày 15/1 vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, song theo Standish, sức ép trong nước đã lý giải nhiều điều.

Trong diễn văn, Putin tập trung vào các vấn đề tăng trưởng kinh tế, ứng phó tình trạng tỉ lệ người nghèo gia tăng, và tham nhũng trong các cơ quan công quyền. Điện Kremlin đã vất vả để níu giữ tỉ lệ ủng hộ thấp kỷ lục của tổng thống - vốn đã tăng vọt từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Thu nhập thực tế của người Nga đã giảm đáng kể trong vòng một thập kỷ qua bởi nền kinh tế trì trệ, giá dầu thế giới giảm chung, cũng như sức ép từ các lệnh cấm vận của Mỹ. Mùa hè năm 2019 cũng chứng kiến các cuộc biểu tình lớn ở Moscow, cùng với bất ổn gia tăng với đảng Nước Nga Thống nhất trước kỳ bầu cử Quốc hội năm 2021.

"Câu hỏi về vấn đề kế nhiệm đã chiếm lĩnh dư luận và giới tinh hoa trong thời gian khá dài, và ông Putin muốn ngăn sức ép đó tăng cao hơn nữa," Andrea Kendall-Taylor, cựu chuyên viên phân tích tình báo cấp cao Mỹ, nhà nghiên cứu tại Trung tâm an ninh Hoa Kỳ mới (CNAS), đánh giá.

"[Cuộc chuyển giao] rõ ràng là điều đã được tính toán cẩn thận và thu xếp trong một thời gian."

Địa chấn chính trị Nga: Thông điệp gây sốc của TT Putin mở màn chuyển giao quyền lực kịch tính - Ảnh 2.

Tổng thống Putin phát biểu Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện Quốc hội Nga ngày 15/1 (Ảnh: Kremlin)

Theo Hải Võ

Trí thức trẻ

Trở lên trên