MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa ngục sau cánh cửa đóng kín

26-08-2018 - 20:09 PM | Tài chính quốc tế

Mardoche Yembi trông không khác gì các cậu bé 8 tuổi khác, với niềm đam mê bóng đá và chơi ở vị trí thủ môn cho một đội bóng trẻ ở London - Anh bên cạnh thời gian học tại trường.

Nhưng đằng sau Yembi là một bí mật. Cậu bé bị đưa đến sống với cô chú sau khi mẹ qua đời. Cặp đôi đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) này nói Yembi là phù thủy và bạo hành tinh thần cậu bé nghiêm trọng.

Hiện 26 tuổi, Yembi kể với báo The Sun về 2 năm "qua tay" không biết bao nhiêu mục sư để "trục ác quỷ ra khỏi người". Không chỉ bị bỏ đói tới mức phải đi nhặt xu lẻ trên phố để thậm thụt mua thức ăn, Yembi còn không được ngủ yên và bị cô chú chĩa dao đe dọa.

"Họ nói tôi bay vào ban đêm, giết chết mẹ mình, trù ếm gia đình và ăn thịt con nít. Cô chú tôi rất khôn ngoan. Họ chỉ đe dọa chứ không đánh đập tôi nên không bị bắt quả tang" - Yembi kể về cảm giác cô độc cùng cực dù cha anh vẫn còn sống ở DRC.

Đáng buồn, Yembi không phải là trường hợp cá biệt bởi ở Anh còn hàng ngàn đứa trẻ là nạn nhân của tư tưởng bùa chú đằng sau những cánh cửa khép kín - dù là cửa nhà, căn hộ hay nhà thờ. Đầu năm nay, Bộ Giáo dục Anh công bố có hơn 1.400 trường hợp trẻ em trên cả nước bị bạo hành vì "sở hữu ma thuật hay phù phép" trong khoảng thời gian 2016-2017. Dù con số này tăng tới 900% kể từ năm 2011 nhưng các chuyên gia lo ngại đó vẫn là "bề nổi của tảng băng chìm".

Địa ngục sau cánh cửa đóng kín - Ảnh 1.

Mardoche Yembi, nạn nhân một thời của nạn trừ tà Ảnh: BRANDED FILM

Theo TS Richard Hoskins, cảnh sát và các cơ quan xã hội rất ngại can thiệp những vụ việc thế này vì sợ đụng chạm tôn giáo. Với hơn 15 năm nghiên cứu loại hình tội ác liên quan đến tín ngưỡng, ông Hoskins đã tới nhiều nước Trung và Tây Phi - nơi niềm tin vào phù thủy và ma thuật (còn gọi là kindoki) còn tồn tại mạnh mẽ ở nhiều cộng đồng của Malawi, Nigeria, Nam Phi và quê nhà DRC của Yembi. "Với các ca bạo hành nhẹ nhất, trẻ em bị bắt nhịn ăn, uống" - ông Hoskins kể về những gì mình chứng kiến.

Trường hợp của Yembi kể ra còn may mắn, bởi anh được nhà trường và cơ quan xã hội giải cứu. Sau khi trải qua 3 tháng trong cơ sở tâm lý vì có khuynh hướng tự tử, Yembi được đưa đến một nhà nuôi dưỡng trẻ.

Đã có nhiều trường hợp trẻ em bị giết chết trong các nghi lễ trừ tà, như cậu bé 15 tuổi Kristy Bamu qua đời trong bồn tắm tại một căn hộ ở phía Đông London vào Giáng sinh năm 2010. Kristy bị chị gái Magalie Bamu cùng người bạn trai Eric Bakubi buộc tội đem kindoki vào nhà và phải chịu 3 ngày "trục quỷ". Cuối cùng, Kristy chết đuối vì bị dìm vào bồn tắm, trên thi thể em còn dấu vết của 130 vết thương gây ra bởi thanh sắt và gạch lót sàn đập đầu. Hai năm sau, Magalie Bamu bị kết án 25 năm tù, còn Bakubi 30 năm.

Một vụ việc khác ám ảnh nước Anh suốt 18 năm qua là cái chết đớn đau của Victoria Climbié, cô bé 8 tuổi gốc Bờ Biển Ngà, bị chính người thân sát hại ở London vì tội "bị quỷ ám".

Sở dĩ trẻ em, và trước đó là phụ nữ lớn tuổi, bị tấn công là do họ yếu thế nên dễ trở thành vật tế thần - theo TS Hoskins. Nhiều đứa trẻ dù thoát chết nhưng không thoát nổi chấn thương tâm lý. Như Yembi, hiện tại vẫn chơi bóng đá và trở thành nhà hoạt động xã hội vì trẻ em song nỗi ám ảnh quá khứ khiến anh rất khó gần gũi và tin tưởng người khác.

Theo Hải Ngọc

NLĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên