MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa phương có đại lộ dài nhất, rộng nhất Việt Nam

Địa phương có đại lộ dài nhất, rộng nhất Việt Nam

Đại lộ dài nhất, rộng nhất Việt Nam nằm tại địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cụ thể, Đại lộ Thăng Long tại Hà Nội hiện là đại lộ dài nhất Việt Nam với hơn 29 km, chiều rộng trung bình 140 m, có tổng kinh phí đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, được thông xe vào tháng 10/2010.

Đại lộ Thăng Long được tính bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đi qua địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh.

Chiều rộng tuyến đường là 140m bao gồm: hai dải đường cao tốc riêng biệt quy mô 6 làn xe (rộng 16,25m); hai dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; hai dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị...

Trên tuyến đường có 51 cầu vượt sông, vượt nút giao, 3 nút giao liên thông hoàn chỉnh và không hoàn chỉnh. Tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị.

Đối với Thủ đô Hà Nội, tuyến đường này nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh, đang trong quá trình phát triển như Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giàu tiềm năng như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai… Đặc biệt tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc - một trong những dự án lớn, có tác động lớn tới kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Đại lộ Thăng Long hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần quan trọng hoàn chỉnh giao thông của cả vùng, kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nam với thủ đô Hà Nội, kết nối giữa các khu đô thị, khu công nghiệp, các huyện, thị xã phía Tây với trung tâm thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh.

Đại lộ Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng, chi phối định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết định quy mô, tính chất của đô thị vệ tinh Hòa Lạc và các đô thị vệ tinh xung quanh, tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển của các huyện, thị xã phía Tây thành phố.

Đại lộ Thăng Long kết nối với quốc lộ QL6, QL32, QL37, QL2… giúp hoàn thiện mạng đường xuyên tâm kết nối khu vực Việt Bắc, Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội. Đại lộ Thăng Long là tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, được xây dựng hoàn toàn bằng nội lực, do các kỹ sư và các nhà thầu trong nước tự thiết kế, thi công bằng nguồn vốn trong nước.

Vào cuối năm 2022, UBND Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 và đại lộ Thăng Long với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng. Dự án được thực hiện nhằm phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, sản xuất và nhu cầu đi lại, đồng thời giảm thiểu ùn tắc giao thông, góp phần đẩy nhanh tốc độ hình thành các khu đô thị trong khu vực.

Theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống.

Cùng với đó, Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; Nghiên cứu xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế; Hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên