Khu công nghiệp mới thành lập 2 năm được Tập đoàn top 500 hàng đầu thế giới đặt nhà máy sản xuất máy tính quy mô lớn có lợi thế thu hút đầu tư ra sao?
Khu công nghiệp nằm tại khu vực phía Bắc mới thành lập 2 năm đã được Tập đoàn top 500 hàng đầu thế giới đặt nhà máy sản xuất máy tính quy mô lớn.
- 20-06-2023Tỉnh hẹp nhất Việt Nam
- 20-06-2023Giá trị xuất khẩu Việt Nam từng đứng thứ 90/126 thế giới, nay nhảy 69 bậc, sắp lọt top 20 toàn cầu
- 19-06-2023Tỉnh có sân bay tư nhân đầu tiên, hoàn thành chỉ sau 2 năm thi công tại Việt Nam
Cụ thể, vào tháng 4/2023, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận phát triển dự án sản xuất máy tính với vốn đầu tư dự kiến khoảng 120 triệu USD (2.830 tỷ đồng) tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận với Tập đoàn Quanta.
Theo Trang thông tin điện tử Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Đinh, Quanta là tập đoàn cuối cùng trong 5 tập đoàn điện tử lớn nhất Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn Quanta nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune bình chọn và cũng là một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới; được công nhận trong Top 100 nhà đổi mới toàn cầu của Derwent vào năm 2019 và 2020.
Nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Nam Định có diện tích 22,5ha cho giai đoạn 1, là nhà máy thứ 9 của Quanta trên toàn thế giới. Dự án nhà máy sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer là dự án đầu tiên tỉnh thu hút được vào đầu tư tại khu công nghiệp Mỹ Thuận.
Dự án sản xuất máy tính là dự án đầu tiên của Tập đoàn Quanta tại Việt Nam và là dự án đầu tư đầu tiên tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, một trong những khu công nghiệp ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Nam Định.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận được UBND tỉnh Nam Định thành lập vào ngày 26/2/2021. Có diện tích 158,48ha và nằm tại huyện Mỹ Lộc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tính đến nay, khu công nghiệp Mỹ Thuận đã được thành lập được khoảng 2 năm.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận đã được UBND tỉnh Nam Định đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. UBND tình Nam Định cho biết, khu công nghiệp Mỹ Thuận có vị trí rất thuận lợi trong kết nối hạ tầng giao thông và logistic.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận có lợi thế về địa kinh tế trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định do có hệ thống giao thông thuận lợi, nằm liền kề các Quốc lộ 21 và 21B, kết nối thuận tiện với Quốc lộ 10 để giao thương với các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng....
Cùng với đó, khu công nghiệp Mỹ Thuận được định hướng đa ngành sử dụng công nghệ cao hiện đại phù hợp quy chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường, dự kiến thu hút các loại hình công nghiệp như cơ khí, điện, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng và một số ngành khác.
UBND tỉnh Nam Định kỳ vọng Khu công nghiệp Mỹ Thuận sẽ thu hút được các dự án sản xuất công nghệ cao, nhanh chóng được lấp đầy diện tích, tạo đột phá về thu ngân sách cho tỉnh.
Ngoài ra, mới đây, tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc) và các doanh nghiệp phụ trợ đã quyết định đầu tư tại khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định) với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD trên diện tích đất gần 15 ha với nhóm 3 dự án.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 2 tập đoàn lớn của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào khu công nghiệp Mỹ Thuận.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, Nam Định đang đầu tư về hạ tầng giao thông, quy hoạch kinh tế - xã hội tới 2030 tầm nhìn 2050 để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Đặc biệt, tỉnh Nam Định có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư theo hướng riêng.
Cụ thể, Nam Định đang có xu hướng thu hút đầu tư chuyển từ thu hút bằng mọi giá sang có chọn lọc nhằm tăng năng lực sản xuất quốc gia, hạn chế các dự án tác động tiêu cực tới môi trường hay sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, năng lượng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định mới đây đã công bố hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Nam Định và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Nam Định dự kiến quy hoạch 14 khu công nghiệp, nâng tổng diện tích các khu công nghiệp lên 2.546 ha. Trong 14 khu công nghiệp có 4 khu công nghiệp đã hình thành, 9 khu công nghiệp mới và 1 khu công nghiệp mở rộng. Đến năm 2050, tổng số khu công nghiệp tăng lên 27 khu với tổng diện tích 6.721 ha, bổ sung 13 khu công nghiệp.
Về cụm công nghiệp, tính đến nay, Nam Định đã quy hoạch 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích 596,3 ha, trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê là khoảng 450 - 470 ha.
Nhịp sống kinh tế