Địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời nhất Việt Nam
Địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời nhất Việt Nam nằm tại khu vực miền Trung.
- 23-05-2023Được IMF nhận định là ngôi sao sáng và sẽ tăng trưởng gấp đôi toàn cầu, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 dự báo đứng thứ mấy thế giới?
- 22-05-2023Hầm đường bộ đầu tiên người Việt Nam làm chủ công nghệ xây dựng
- 22-05-2023Việt Nam nắm giữ lượng bô xít lớn thứ 2 thế giới, một tỉnh miền núi sở hữu 70% loại khoáng sản này của cả nước
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, Bình Thuận có tiềm năng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời cao nhất cả nước. Theo đó, Bình Thuận có tiềm năng phát triển điện gió và điện mặt trời nhất Việt Nam.
Tại Bình Thuận, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở các tỉnh phía Nam, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.
Cụ thể, tốc độ đo gió trung bình tại Bình Thuận là 6,8 m/s, số giờ trung bình để sản xuất điện khoảng 3.800 giờ/năm; số giờ nắng trung bình là 2.728 giờ/năm, thời gian có nắng để sản xuất điện hầu như có quanh năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm là 1.961 kWh/m2, trung bình hàng ngày là 5,37 kWh/m2.
Bên cạnh đó, đặc điểm khí hậu của tỉnh ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện để phát triển các nhà máy điện gió, điện mặt trời.
Với các lợi thế đó, Bình Thuận cũng đã đề ra các nhiệm vụ để khai thác tiềm năng về năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã lập Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên của tỉnh, phát triển ngành công nghiệp địa phương và góp phần cùng cả nước vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo quy hoạch đến đến năm 2030 dự kiến tổng công suất lắp đặt khoảng 2.500 MW, sản lượng khoảng 5.475 triệu kWh. Mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2030 của tỉnh với tổng công suất lắp đặt khoảng 6.199 MWp, sản lượng điện tương ứng khoảng 9.769 triệu kWh. Trong đó, đến năm 2025, công suất lắp đặt khoảng 4.765 MWp, sản lượng điện tương đương khoảng 7.510 triệu kWh.
Tính đến nay, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia, góp phần đưa tỉnh Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành một trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước.
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh đã có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động phát điện với tổng công suất 1.409,7 MW, gồm 9 nhà máy điện gió với tổng công suất là 299,6 MW và 26 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.110,1 MW.
Tổng sản lượng điện sản xuất của 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo năm 2022 là 2.732,2 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện sản xuất của 9 nhà máy điện gió đạt 657,2 triệu kWh, sản lượng điện sản xuất của 26 nhà máy điện mặt trời là 2.075 triệu kWh.
Bên cạnh điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận còn có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 9 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất khoảng 25.200 MW đang được các doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó có dự án Thăng Long Wind đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát.
Tỉnh Bình Thuận đã và đang phát triển ngành năng lượng tái tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhịp sống kinh tế