Địa phương dẫn đầu tăng trưởng GRDP cũng đứng nhất về tăng trưởng sản xuất công nghiệp IIP
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
- 30-08-2022Lộ diện 5 lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất 8 tháng đầu năm
- 30-08-2022Cần triển khai làn đường riêng cho xe bus
- 30-08-20226 cây cầu bắc qua sông Hồng sắp được xây dựng
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Tám ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11%; ngành khai khoáng tăng 10,2%.
Tính chung 8 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,2%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 26,8%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,5%; sản xuất thiết bị điện và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 17,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 14,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,4%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 6,3%; sản xuất kim loại giảm 0,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 0,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm là:
Lào Cai tăng 9,3%; Quảng Ngãi tăng 6,7%; Bắc Kạn tăng 5,4%; Ninh Bình tăng 3,3%; Hà Tĩnh giảm 9,9%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm: Ninh Thuận tăng 5,2%; Hà Tĩnh giảm 37,9%; Trà Vinh giảm 36%; Cà Mau giảm 11,7%; Bình Thuận giảm 2,8%.
Địa phương có ngành khai khoáng 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm: Bắc Kạn tăng 3,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1,2%; Cà Mau giảm 24,6%; Ninh Thuận giảm 15,5%; Lào Cai giảm 8,8%.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao:
Bắc Giang tăng 53,9%; Cần Thơ tăng 28,4%; Khánh Hòa tăng 25,8%; Quảng Nam tăng 25,5%; Vĩnh Long tăng 25,1%; Bến Tre tăng 22,7%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Đắk Lắk tăng 42,7%; Lai Châu tăng 40,7%; Sơn La tăng 31,3%; Hà Giang tăng 27,4% do thủy điện tăng cao.
Trước đó, theo số liệu tính chung 7 tháng đầu năm, Lai Châu đứng đầu về tốc độ tăng IIP trong 7 tháng đầu năm 2022, đạt 54,4%, chủ yếu do chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhờ thuỷ điện.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại,Bắc Giang đã lấy lại vị trí dẫn đầu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Không chỉ có bước đột phá về sản xuất công nghiệp, Bắc Giang cũng là địa phương dẫn đầu cuộc đua tăng trưởng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đứng đầu cả nước trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh 6 tháng đạt 24%, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 35,5%; dịch vụ tăng 7,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,7%; thuế sản phẩm tăng 6,6%. Đời sống nhân dân ổn định; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Nhịp sống kinh tế