MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa phương được Coca-Cola rót hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy lớn nhất Việt Nam có tiềm năng gì đặc biệt?

Địa phương được Coca-Cola rót hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy lớn nhất Việt Nam có tiềm năng gì đặc biệt?

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam), nhà máy sẽ có quy mô khoảng 19ha, với tổng vốn đầu tư 136 triệu USD (tương đương 3.109 tỷ đồng). Đây cũng sẽ là nhà máy thứ 4 kể từ khi thương hiệu này đặt chân đến Việt Nam từ năm 1994.

Trong buổi làm việc với chính quyền tỉnh Long An mới đây, ông Peeyush Sharma, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp này đang chuẩn bị khởi công dự án nhà máy tại khu công nghiệp (KCN) Phú An Thạnh.

Theo đó, nhà máy có quy mô khoảng 19ha với tổng vốn đầu tư 136 triệu USD (tương đương 3.109 tỷ đồng) sẽ là nhà máy thứ 4 kể từ khi thương hiệu này đặt chân đến Việt Nam từ năm 1994.

Được biết, đây là nhà máy lớn nhất của Coca-Cola tại Việt Nam, áp dụng mô hình nhà máy thông minh, các kỹ thuật hiện đại. Song song đó, công ty này cam kết đồng hành hỗ trợ địa phương trong các hoạt động cộng đồng như: Chương trình vì một Việt Nam không rác thải; hỗ trợ phân loại rác; xây dựng trung tâm sinh hoạt cộng đồng cung cấp nước sạch cho cộng đồng…

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch đầu tư, Long An được coi là tỉnh có vị trí đắc địa nhất khu vực Tây Nam bộ. Cụ thể, đây là tỉnh duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp gần như trọn vẹn TP.HCM, lại có hệ thống giao thông như Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành,… kết nối thuận lợi vùng kinh tế Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Long An còn có thế mạnh về giao thông thủy, góp phần giảm tải cụm cảng tại TP.HCM và giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Long An vừa có cảng biển, vừa có cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền tiếp giáp Campuchia, với đường biên giới dài gần 133km, gồm Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ).

Về phát triển kinh tế, dữ liệu của Cục Thống kê địa phương chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh ước đạt khoảng hơn 9%/năm. Tính riêng quý 2/2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GRDP tỉnh đạt 5,11% (cùng kỳ tăng 5,22%), các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương, đứng thứ 6/13 tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 5/8 tỉnh, thành trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Long An nằm trong top 10 tỉnh, thành thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, địa phương này thu hút 665 triệu USD cho hơn 40 dự án FDI và đang trở thành miền đất mới thu hút đầu tư. Luỹ kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/9/2022, trên địa bàn tỉnh Long An hiện có khoảng 1.200 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư ước khoảng 12,7 tỷ USD.

Địa phương được Coca-Cola rót hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy lớn nhất Việt Nam có tiềm năng gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo Cục Thống kê địa phương, thu ngân sách nhà nước đến ngày 22/9/2022 đạt 16.152,47 tỷ đồng, bằng 93,07% dự toán giao và tăng 20,07% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 13.050,05 tỷ đồng, bằng 95,99% dự toán giao và tăng 28,15% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.309,77 tỷ đồng, bằng 87,32% dự toán giao và tăng 8,74% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.102,42 tỷ đồng, bằng 82,51% dự toán giao và giảm 5,09% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng chi ngân sách địa phương đạt 11.909,63 tỷ đồng, bằng 76,82% dự toán giao và tăng 27,67% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 6.089,40 tỷ đồng, bằng 117,49% dự toán giao và tăng 49,20% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 5.814,89 tỷ đồng, bằng 69,07% dự toán giao và tăng 10,90% so cùng kỳ.

Tính đến hiện tại, Long An đang có 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 85,26% đối với khu, 89,7% đối với cụm. Các khu, cụm công nghiệp đều thuận lợi về đường bộ và đường sông, quy hoạch cảng biển của tỉnh Long An có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 tấn,…

Trên địa bàn hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp về đầu tư và hoạt động ổn định với tổng vốn đăng ký gần 300.000 tỷ đồng. Tỉnh có hơn 1.900 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 216.000 tỷ đồng; trên 1.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 6,2 triệu USD đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý, ngoài dự án nhà máy của Coca-Cola tại KCN Phú An Thạnh, còn có nhiều dự án quy mô lớn, vốn đầu tư "khủng" như dự án phát triển công nghiệp Xenia 1&2 tại KCN Xuyên Á (huyện Đức Hòa) vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; dự án phát triển công nghiệp Win Lock 2A&2B tại KCN Vĩnh Lộc (Bến Lức) vốn hơn 3.100 tỷ đồng…

Năm 2022 được chọn là năm đột phá trong phát triển kinh tế nhằm hoàn thành tốt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỉnh tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về kinh tế ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh Long An phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5-7%, GRDP bình quân đầu người đạt 85-90 triệu đồng, tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31-33%,… Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ tăng thu ngân sách Nhà nước là 12% so với năm 2021.

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên