Địa phương từng xếp thứ 45/63 về thu hút FDI thay đổi thế nào kể từ khi được Samsung đầu tư?
Năm 2010, Thái Nguyên xếp thứ 45/63 tỉnh, thành về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, sự hiện diện của Samsung vào năm 2013 đã kéo theo nhiều nhà đầu tư rót vốn FDI vào tỉnh.
- 01-08-2022GDP Việt Nam năm 2022 xếp thứ mấy thế giới theo dự báo mới nhất của IMF?
- 31-07-2022Top 10 quốc gia được dự báo tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới trong 8 năm tới: Việt Nam xếp thứ mấy?
- 26-07-2022Quy mô GDP Việt Nam năm 2022 xếp thứ mấy trong khối ASEAN theo dự báo của các tổ chức quốc tế?
Từ năm 2010 đến nay, Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu như cuối năm 2010, Thái Nguyên đứng ở vị trí 45/63 tỉnh, thành phố thu hút FDI trong cả nước, thì đến nay tỉnh đã vươn lên lọt top đầu cả nước.
Năm 2010, Thái Nguyên chỉ thu hút tổng vốn FDI lũy kế đạt 113,3 triệu USD. Đến năm 2013, vốn FDI chảy vào tỉnh đã tăng mạnh nhờ khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD của Samsung. Liên tục các năm sau đó, Samsung thực hiện tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất nhà máy tại Thái Nguyên.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, sự hiện diện của Samsung đã kéo theo nhiều nhà đầu tư rót vốn FDI vào tỉnh. Cụ thể, năm 2013, Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,4 tỷ USD. Cùng với đó, lũy kế vốn FDI vào Thái Nguyên năm 2013 đạt là 3,55 tỷ USD xếp thứ 17 cả nước.
Như vậy, chỉ sau 3 năm, Thái Nguyên đã nhảy 28 bậc trong bảng xếp hạng thu hút vốn FDI của 63 tỉnh, thành.
Lũy kế tổng vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên giai đoạn 2010 đến nay. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Năm 2018 và 2019, thu hút đầu tư FDI của tỉnh đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thực hiện các Hội nghị xúc tiến đầu tư. Theo đó, Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cụ thể, năm 2018, Thái Nguyên thu hút dòng vốn FDI đạt 445,48 triệu USD đứng thứ 16/63 tỉnh, thành. Cùng với đó, lũy kế vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên đạt 7,7 tỷ USD, xếp thứ 10 cả nước.
Năm 2019, tỉnh thu hút dóng vốn FDI đạt 606,29 triệu USD đứng thứ 13/63 tỉnh, thành thu hút vốn FDI. Lũy kế vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên đạt 8,3 tỷ USD, xếp thứ 10 cả nước.
Đến năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hoạt động thu hút dòng vốn FDI vào tỉnh đã bị ảnh hưởng đáng kể. Năm 2020, vốn FDI chảy vào Thái Nguyên đạt 400,77 triệu USD, giảm 34% so với năm 2019. Lũy kế vốn đầu tư FDI vào tỉnh vẫn giữ vị trí thứ 10 cả nước với 8,72 tỷ USD.
Năm 2021, tổng vốn đăng ký FDI vào tỉnh đạt 220,3 triệu USD, giảm 45% so với năm 2020. Tính lũy đến đến 20/12/2021, Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn trên 1 tỷ USD nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại Thái Nguyên lên 193 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 8,9 tỷ USD, xếp thứ 11 cả nước.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên đạt 1,02 tỷ USD, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến 20/7/2022, Thái Nguyên có 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước.
Nổi bật trong các dự án có nguồn vốn FDI lớn là Dự án Nhà máy điện tử Samsung - Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung Electronic (Hàn Quốc). Đầu năm 2022, tập đoàn Samsung đã quyết định chi thêm 920 triệu USD nâng tổng vốn đầu tư từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên.
Ngoài ra, một số dự án được cấp phép đầu tư mới có số vốn đăng ký đầu tư lớn vào Thái Nguyên trong 7 tháng đầu năm như: Dự án Dowooinsys tại Khu công nghiệp Sông Công II của Công ty TNHH Dowooinsys Vina (Hàn Quốc), với số vốn 30 triệu USD; Dự án Nhà máy Sunny Infared Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình với 9,5 triệu USD; Dự án Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Điềm Thụy là 520 tỷ đồng…
Một trong những nguyên nhân đem tới thành công trong thu hút dòng vốn FDI tại Thái Nguyên là do tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được các khu công nghiệp lớn, sẵn sàng đón nguồn vốn đầu tư FDI, cũng như có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vào KCN.
Đến nay, toàn tỉnh có 5 KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng, với 264 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 131 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 9,8 tỷ USD; 133 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 18 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy các KCN trung bình đạt 75,8%.
Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy dự án tại Khu A - KCN Điềm Thụy đạt 100%; KCN Sông Công II đạt 96,81%; KCN Yên Bình đạt trên 92%. Trong số này, có nhiều dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Sunny Optech...
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, hầu hết KCN của Thái Nguyên nằm ở các địa phương phía Nam của tỉnh (TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình). Theo đó, các KCN có vị trí giao thương thuận lợi do gần tuyến Quốc lộ 3 cũ, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối đi các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), cảng Hải Phòng,...
Cùng với đó, hạ tầng trong các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do đó, các KCN của tỉnh trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà đầu tư.