Dịch bệnh và giá nguyên nhiên liệu tác động xấu đến xuất khẩu
Các FTA Việt Nam đã thực thi giúp mở ra cơ hội thuế quan cho DN trong hoạt động xuất khẩu.
Tác động của dịch Covid-19 tại nhiều thị trường, xung đột Nga-Ukraine khiến giá nguyên liệu, nhiên liệu giá tăng là những yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian tới.
- 14-04-2022Xuất khẩu tăng kỷ lục, doanh nghiệp đối mặt nhiều nỗi lo
- 12-04-2022Xuất nhập khẩu năm 2022 có thể lập kỷ lục mới
- 08-04-2022Bắc Ninh đạt hơn 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong quý I
Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế khi đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I/2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) trong nước dần khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Đánh giá về kết quả này, Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, một trong những yếu tố tích cực quan trọng chính là Việt Nam đã tận dụng được lợi ích đem lại từ các FTA. Đặc biệt, trong năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực là cơ hội để các DN tận dụng những ưu thế, ưu đãi từ các FTA thế hệ mới để tạo đà tốt cho hoạt động xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian tới hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ còn tiếp tục khởi sắc. Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới cùng với việc Việt Nam triển khai thực thi các FTA đầy đủ với thuế quan ưu đãi sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
“Gói tài chính phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng DN, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá.
Khẳng định việc Việt Nam đã nỗ lực ký kết các FTA giúp mở ra cơ hội thuế quan cho DN trong hoạt động xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, gần đây Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn, mức độ cam kết sâu với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, nên trên thực tế, các FTA đã phát huy tác dụng đáng kể.
“Trong CPTPP, các quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Peru, Mexico..., đều có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, thể hiện rất rõ cơ hội cho các DN Việt Nam. Trong khi đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với cam kết sâu hơn, tạo thuận lợi rõ ràng hơn đã giúp các DN có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thành viên. Ngoài ra, Hiệp định RCEP thực thi từ đầu năm 2022 sẽ tạo sự luân chuyển, giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn”, ông Trần Thanh Hải nhìn nhận.
Nhiều tác động tiêu cực
Bên cạnh những thuận lợi từ FTA giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt và tiềm ẩn cho hoạt động thương mại của Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể về điều này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng, khó khăn lớn nhất và trước mắt vẫn là tác động của dịch Covid-19 tại những thị trường khác có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt hiện nay dịch bệnh bắt đầu gia tăng tại Trung Quốc.
“Với chính sách chống dịch của Trung Quốc như hiện nay, khi có các ca bệnh mới, Trung Quốc sẵn sàng phong tỏa cả 1 thành phố hay 1 trung tâm sản xuất làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản với số lượng lớn cho Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực logistics, 2 năm vừa qua với tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tại Trung Quốc, khi tình trạng dịch bệnh lan truyền sẽ khiến các cảng của Trung Quốc cũng bị ùn tắc, điều này sẽ tiếp tục kéo dài thời gian vận chuyển và khiến giá cước vận tải duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine cũng là điều đáng lưu tâm. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chưa phải là lớn, song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại... nên khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu, nhất là giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.
“Xung đột tác động lớn đến chuỗi cung ứng nói chung, trong đó có các quốc gia có nhập khẩu nhiên liệu, nhập khẩu dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên làm gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Việt Nam, nhất là những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như sắt thép, kim loại, hóa chất, phân bón...”, ông Hải phân tích.
Do đó, trong những quý tiếp theo, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới./.
VOV