Dịch COVID-19 bùng phát: Du lịch lại đứng ngồi không yên
Ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng “đóng băng” gần như cả năm 2020 trước tác động nặng nề của COVID-19. Nay dịch tiếp tục bùng phát, những người làm du lịch lại đứng ngồi không yên.
- 20-02-2021Ninh Bình sắp có khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình quy mô 1-1,5 tỷ USD
- 14-02-2021Nông dân Hội An thu đô la nhờ xịt nước hoa, bôi phấn cho… trâu để làm du lịch
- 14-02-2021Nền tảng du lịch trực tuyến và khách sạn: "Ghét nhau" nhưng không thể sống thiếu nhau?
Vật vã chuyển nghề mưu sinh
Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1988, quê Thái Bình) làm du lịch 10 năm. Làm đúng nghề hướng dẫn viên khi ngồi trên ghế nhà trường là niềm may mắn với anh. Nhưng khi COVID-19 ập đến, anh rơi vào trạng thái “sốc” và không tưởng tượng nổi có ngày mình thất nghiệp, ngồi mốc. Làm lâu năm chuyên về khách out-bound đưa người Việt đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là thị trường châu Âu nhưng làn sóng COVID-19 đầu tiên đã khiến anh cùng nhiều đồng nghiệp nghỉ việc. Ban đầu công ty hỗ trợ lương 25% trong 2 tháng đầu thất nghiệp, sau thì không được lĩnh đồng nào suốt nửa năm trời. “Bản thân tôi không ngừng hy vọng dịch sớm qua để trở lại công việc nhưng càng hy vọng thì lại lo lắng khi xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ 2, rồi thứ 3. Là đàn ông trụ cột trong gia đình nên tình hình dịch bệnh trên khiến tôi càng thêm lo”, anh Huy nói.
Là một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn tour cho khách nước ngoài vào Việt Nam và dẫn khách Việt Nam đi ra nước ngoài, anh Minh Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng trong tình trạng mất việc làm tương tự.
Thời gian vừa qua, anh Trung đi xin việc thử ở một vài chỗ nhưng do công việc trước đây là hướng dẫn viên du lịch nên nhiều nơi ngại nhận vì không có tính lâu dài. “Cuối cùng tôi quyết định chạy xe công nghệ và hy vọng dịch chóng qua để mình quay lại với công việc cũ”, anh Trung nói.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, năm 2020 có đến 70% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa vì COVID-19 lần thứ nhất, dịch bùng phát lần thứ 2 đến 90% doanh nghiệp đóng cửa. Nếu năm nay, dịch bệnh không được khống chế, số 10% doanh nghiệp còn lại cũng đóng cửa theo. Hiện, nhiều hướng dẫn viên đã bỏ nghề, nghề hướng dẫn viên lương cao, được đi khắp đó đây khiến nhiều người sau khi nghỉ việc rơi vào trạng thái hụt hẫng.
“Bản thân doanh nghiệp tôi chuyên dẫn khách đi nước ngoài cũng rơi vào trạng thái đóng băng vì không thể dẫn khách. Để duy trì số nhân viên ít ỏi còn lại, tôi chuyển hướng sang làm visa chờ du lịch phục hồi”.
Vượt khủng hoảng liên tiếp thế nào?
Năm 2020, du khách đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt (trong đó riêng tháng 1, trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đạt kỷ lục 2 triệu lượt), giảm 80% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% (tương đương 19 tỷ USD).
Làn sóng COVID-19 lần thứ 3 có dấu hiệu xuất hiện tại Việt Nam khiến cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục xoay xở để vượt bão. Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, ngành du lịch là xương sống cho tỉnh Khánh Hòa và năm 2020, Khánh Hòa lần đầu tiên tăng trưởng âm. Dịp Tết Tân Sửu 2021, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến người dân hạn chế du lịch xa, nhiều khách hủy phòng khách sạn và tour lữ hành. Từ ngày 10 đến 15-2 (tức từ 29 Tết đến mùng 4 Tết Tân Sửu), mỗi ngày sân bay Cam Ranh đón khoảng 25 chuyến bay nội địa, bình quân 150 khách/chuyến. Lượng khách đi bằng xe tour du lịch cũng khá ít, đường phố Nha Trang những ngày tết rất thông thoáng, không còn hình ảnh những đoàn xe chở khách du lịch ngược xuôi trên phố như mọi năm.
“Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, hầu hết các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh không tăng giá dịch vụ mà chú trọng đến chất lượng dịch vụ phục vụ khách để kích cầu du lịch. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên lượng khách vẫn giảm sâu". Ông Vinh cho rằng, các doanh nghiệp du lịch lúc này cần hỗ trợ để vượt qua khủng hoảng liên tiếp.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, dịch bệnh diễn biến phức vì vậy thị trường nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo trong ngắn hạn. Năm nay, Bộ tập trung vào một số nội dung: Tiếp tục triển khai hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình trước đó; lấy du lịch nội địa làm nội lực duy trì hoạt động của ngành, chú trọng phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương- doanh nghiệp - truyền thông; đẩy mạnh hợp tác công - tư; Tập trung xúc tiến quảng bá điểm đến mới sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ đó làm động lực lan tỏa ra các khu vực, địa phương khác.
Tiền phong