MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch Covid-19: “Chất xúc tác” cho chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng

Dịch Covid-19 đã tác động khá tiêu cực lên sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Tài chính-Ngân hàng nói riêng. Song, dịch Covid-19 cũng tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ.

Theo nghiên cứu của tổ chức Mastercard, tại Việt Nam, Campuchia và Lào, đại dịch Covid-19 là chất xúc tác giúp phát triển tư duy “kỹ thuật số là mặc định”. Theo đó, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi. Cụ thể, từ 60-70% người dân Đông Nam Á đã giảm mức sử dụng tiền mặt; 75% người dân châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục sử dụng thanh toán không tiếp xúc sau đại dịch, 91% người dân khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã sử dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc vì lý do an toàn và vệ sinh.

Từ khi hoạt động ngân hàng tại quầy bị đình trệ do dịch, hệ thống ngân hàng, các công ty fintech tại Việt Nam đã chủ động nghiên cứu các sản phẩm mới, ứng dụng thông minh nhằm hạn chế tiếp xúc, thúc đẩy số lượng mới khách hàng tham gia trải nghiệm các dịch vụ tài chính thông minh. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho biết, những trải nghiệm ngân hàng số mang lại cho khách hàng đang được nâng cấp từng ngày.

“Chúng tôi đang đầu tư rất nhiều nguồn lực để ứng dụng ngân hàng số trở nên thông minh hơn, hiểu được khách hàng dựa vào những thông tin khách hàng cung cấp cho ngân hàng. Ứng dụng ngân hàng số bây giờ không chỉ tương tác một chiều từ khách hàng đến ứng dụng, không chỉ nhận lệch của khách hàng khi thanh toán mà ứng dụng ngân hàng số bây giờ còn thông minh để gợi ý cho khách hàng nên làm những gì”, ông Trần Công Quỳnh Lân nói.

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng gắn với sự phát triển của thiết bị di động, mạng internet và mạng xã hội. Sự phát triển của các yếu tố này đã thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng phát triển. Theo đó, những sản phẩm mới trong hệ thống tài chính - ngân hàng bao gồm: ví điện tử, tiền di động đang được sử dụng. Đặc biệt, với nền tảng di động, tiền di động mobile money nếu được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được việc thanh toán ở vùng sâu vùng xa, nơi 40% người dân chưa được tiếp cận với tài khoản ngân hàng thì từ nay được thực hiện thanh toán điện tử qua di động. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc việc cho phép các nhà mạng có chức năng như ngân hàng trong việc đưa tiền di động vào lưu thông.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, ngành Ngân hàng năm 2021 đã đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng song cũng có một số điểm nghẽn đáng lưu ý: “Một số vướng mắc chúng tôi nhận thấy, yếu tố pháp lý, hành lang pháp lý cho việc thực hiện các nền tảng mới như YKWC, ebanking, cho vay online còn chưa ổn định, cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, fintech chưa mở, tỷ lệ giao dịch offline còn cao, tỷ lệ này ở nông thôn còn rất cao, cơ chế thử nghiệm sandbox sau nhiều lần lấy ý kiến vẫn chưa được ban hành”.

Để phát triển hệ sinh thái số trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cần năng động, đổi mới mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số, sáng tạo đổi mới mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng./.

Theo Bảo Ngọc

VOV

Trở lên trên