Dịch Covid-19 sẽ tác động thế nào đến thị trường lúa gạo Việt Nam và thế giới?
Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát ở Trung Quốc đã nhiều tuần nay và đang lây lan nhanh chóng tới nhiều nơi khác trên thế giới, gây xáo trộn thị trường hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, mặt hàng lúa gạo không chịu tác động nhiều từ dịch bệnh này.
- 17-02-2020Thái Lan muốn giành lại vị trí xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới
- 18-01-2020Hàn Quốc dành cho Việt Nam hạn ngạch hơn 55.000 tấn gạo
- 08-01-2020Gạo ngon nhất thế giới ST25 khan hàng trước Tết
Giá gạo tại Trung Quốc đại lục – tâm dịch Covid-19 nhìn chung vẫn ổn định và đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các thị trường xuất khẩu/nhập khẩu chủ chốt khác trên thế giới, giá có sự biến động nhưng nguyên nhân không phải do dịch bệnh. Các nguyên nhân có thể kể tới là: (1) trên thị trường quốc tế, cung – cầu lúa gạo không có sự bất thường; (2) nguồn cung gạo tại Trung Quốc hiện vẫn dồi dào sau nhiều năm được mùa; và (3) gạo là mặt hàng không dễ hỏng nên trong thời gian ngắn (một vài tháng) việc nhập khẩu vào Trung Quốc nếu có giảm sút thì cũng sẽ được bù đắp lại ở những tháng sau đó.
Những năm gần đây, Trung Quốc không chỉ giảm nhanh lượng nhập khẩu gạo, siết chặt các quy định về nhập khẩu, cả về phương thức nhập khẩu (giảm mạnh lượng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch từ các nước láng giềng) cũng như chất lượng gạo nhập khẩu, mà còn tăng cường xuất khẩu gạo (chủ trương giải phóng phần lớn số gạo dự trữ từ nhiều năm qua).'
Khối lượng gạo nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đã tiến tới bằng nhau và sắp tới giai đoạn xuất khẩu vượt nhập khẩu.
Từ một nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới suốt từ năm 2013 và kéo dài suốt mấy năm sau đó, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng tăng mạnh xuất khẩu gạo kể từ 2017. Lý do bởi, cũng như Thái Lan, khối lượng gạo dự trữ của Chính phủ Trung Quốc tăng liên tục trong nhiều năm do chính sách tăng giá thu mua tối thiểu. Trong 3 năm qua, mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, trở thành đối thủ lớn trong phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp xuất khẩu. Năm 2019/2020, xuất khẩu gạo Trung Quốc dự báo đạt 3,2 triệu tấn, trong khi nhập khẩu sẽ chỉ ở mức 2,4 triệu tấn (theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố tháng 2/2020).
Nguồn: USDA
Thị trường Việt Nam
Do Việt Nam đã chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu từ năm 2019 để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên Covid-19 cũng không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Về giá cả, mặc dù đang vụ thu hoạch lúa Đông Xuân song giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2/2020 tăng gần 10% so với tháng 1/2020 và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá gạo Việt đã tăng trên 10% (khoảng 40 USD/tấn). Lý do bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh, chủ yếu sang Philippines và Malaysia.
Về xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/2/2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 653.388 tấn gạo, với 303,176 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 32,98% về khối lượng và tăng 39,77% về trị giá. Ước khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 890.700 tấn, trị giá 409,712 triệu USD.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong tháng 1/2020 tăng khá mạnh, tăng 121,3% về lượng và 176,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 18.359 tấn, tương đương 10,78 triệu USD, giá xuất khẩu tăng 25,1%, đạt 587 USD/tấn. Mặc dù vậy, thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 1/2020 chỉ đạt 5,49%.
Nửa đầu tháng 2/2020, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này tiếp tục tăng mạnh so với nửa đầu tháng 1/2020 do đã kết thúc kỳ nghỉ Tết.
Thị trường Ấn Độ
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tháng 2/2020 tăng do nhu cầu xuất khẩu sang một số khách hàng Châu Phi tăng khá, trong bối cảnh đồng rupee mạnh so với USD khiến cho giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cao, và chương trình thu mua lúa gạo của Chính phủ với mức giá ấn định năm nay cao hơn năm ngoái khiến cho giá lúa gạo trong nước duy trì ở mức cao.
Dịch Covid-19 được xem là cơ hội để Ấn Độ tăng xuất khẩu gạo. Lý do bởi, vì chính sách bán gạo tồn trữ từ nhiều năm nay của Chính phủ Trung Quốc, xuất khẩu gạo Ấn Độ trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thể hiện ở sự giảm sút mạnh trong năm 2019. Lý do vì nhiều khách hàng truyền thống của Ấn Độ ở Châu Phi chuyển sang mua gạo Trung Quốc do giá rẻ. Dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó có mặt hàng gạo, có thể là cơ hội để Ấn Độ giành lại thị phần ở thị trường Châu Phi, nhất là trong phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp.
Thị trường Thái Lan
Dịch Covid-19 khiến đồng baht yếu đi so với USD vì lượng khách du lịch đến Thái Lan sụt giảm nghiêm trọng (du lịch đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Thái Lan). Baht Thái đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 7 tháng so với USD.
Giá gạo Thái Lan suốt thời gian qua duy trì ở mức cao hơn nhiều so với gạo Ấn Độ và Việt Nam chủ yếu do đồng baht tăng cao so với USD, mặc dù nhu cầu xuất khẩu yếu vì giá cao khó cạnh tranh. Nay đồng baht giảm kéo giá gạo Thái Lan giảm theo. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của gạo Thái (vì giá gạo Thái Lan thời gian qua cao hơn nhiều so với các đối thủ nên khó khăn trong việc cạnh tranh).
Xuất khẩu gạo Hương nhài của Thái Lan sang Hongkong (Trung Quốc) gần đây tăng mạnh do các siêu thị và các cửa hàng ở Hongkong khan hiếm mặt hàng gạo vì người tiêu dùng lo sợ dịch bệnh nên mua nhiều gạo tích trữ.
Thị trường Mỹ
Gạo xuất khẩu của Trung Quốc những năm gần đây cạnh tranh với gạo hạt vừa của Mỹ (japonica). Theo USDA, gạo hạt vừa chiếm tỷ lệ nhỏ trong thương mại gạo toàn cầu, chủ yếu do Australia và Mỹ cung cấp, bên cạnh đó Ai Cập cũng cung cấp một khối lượng nhỏ gạo này. Gạo hạt vừa chiếm tới 30% tổng diện tích trồng của Mỹ, do đó là loại đem lại kim ngạch lớn nhất trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, xuất khẩu loại này đã giảm từ mức đỉnh cao 860.000 tấn năm 2011 xuống 550.000 tấn năm 2018, mức thấp nhất kể từ 2007. Các thị trường chủ yếu tiêu thụ gạo hạt vừa của Mỹ năm 2018 là Nhật Bản, Jordan, Canada, Hàn Quốc và Đài Loan, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc nhập để thực hiện cam kết với WTO.
Gạo hạt vừa của Trung Quốc đang chiếm dần thị phần của gạo Mỹ ở một số thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Jordan và Libya bởi giá gạo của Mỹ tới 925 USD/tấn trong khi của Trung Quốc chỉ bằng một nửa. Những nước cung cấp gạo hạt vừa khác như Australia đã mất gần hết thị phần hay Ai Cập đã mất hết thị phần. Nếu Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu gạo loại này, dự kiến xu hướng giảm thị phần của các nước khác sẽ còn tiếp diễn.
Triển vọng thị trường lúa gạo thế giới năm 2019/20
Trong báo cáo công bố tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo về sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2019/20 do dự báo sản lượng sẽ giảm ở Sri Lanka và Paraguay. Dự báo về thương mại gạo toàn cầu cũng được điều chỉnh giảm, do Guinea, Ai Cập và Philippines có thể sẽ giảm nhập khẩu gạo. Dự báo về xuất khẩu được điều chỉnh giảm do Ấn Độ và Paraguay.
Các nước lớn xuất khẩu gạo hạt vừa và ngắn chủ chốt bao gồm Mỹ, Liên minh Châu Âu, Australia và Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự ‘thống trị’ của Trung Quốc đối với những loại gạo này và khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong 2 năm qua khiến Trung Quốc vượt qua Mỹ về vị trí xuất khẩu gạo hạt vừa và ngắn. Các thị trường chính tiêu thụ hạt vừa của Trung Quốc năm 2019 là AI Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên và Hàn Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc năm 2019 đều hưởng lợi từ việc Australia vắng bóng trên thị trường do hạn hán kéo dài.
Về triển vọng năm 2020, xuất khẩu gạo của Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục mạnh, chủ yếu bởi việc bán số gạo tồn trữ - còn khá nhiều. Gạo từ các vụ cũ của Trung Quốc được bán với giá chỉ khoảng 300 USD/tấn, và giá gạo hạt vừa và ngắn xuất khẩu cũng chỉ cao hơn thế chút ít, tức là vẫn thấp hơn nhiều so với giá gạo cùng loại của các nước xuất khẩu khác.
Về thị trường tiêu thụ gạo hạt vừa và ngắn, các thị trường khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) có các cam kết về khối lượng nhập khẩu tối thiểu theo các thỏa thuận Vòng Uruguay của Tổ chức Thương mại thế giới, theo đó họ duy trì mức thuế cao và bảo vệ các thị trường trong nước. Trong nhiều năm liền, các nước này duy trì vị trí là nước nhập khẩu với khối lượng ổn định, chủ yếu là loại gạo hạt vừa. Nhật Bản gần đây mở rộng thị trường xuất khẩu sang Australia, nhưng những năm đầu chỉ với khối lượng khoảng 6.000 tấn, sau đó tăng lên 8.400 tấn. Năm 2019, Hàn Quốc đồng ý hạn ngạch nhập khẩu riêng biệt với khối lượng 388.700 tấn, trong đó có 132.304 tấn dành cho Mỹ. Đài Loan là một thị trường nhập khẩu nhỏ nhưng ổn định.
Các thị trường Đông Á khác gần đây cũng tham gia mua gạo. Triều Tiên đã mua với khối lượng nhỏ trong năm 2018/19 và duy trì tốc độ mua kể từ giữa năm 2019, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn sang năm 2020. Nước này nhập khẩu hoàn toàn từ Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc có hạn ngạch nhập khẩu chịu thuế (TRQ) 2,66 triệu tấn gạo hạt ngắn và vừa, nhưng thường không thực hiện mua đủ kể từ khi nước này gia nhập WTO. Từ 2013 đến 2017, Trung Quóc đẩy mạnh nhập khẩu theo hình thức TRQ này, chủ yếu là gạo nếp mua của Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc thay đổi mã áp thuế vào năm 2018 và đưa gạo nếp vào danh mục TRQ gạo hạt dài, nhập khẩu gạo nếp giảm dần. trong cả 2 năm 2018 và 2019, nhập khẩu gạo hạt vừa và ngắn đều thấp hơn khối lượng TRQ cam kết. Năm 2019, WTO yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp để cải thiện tình trạng không thực hiện đầy đủ cam kết và Trung Quốc đã ký với Mỹ thỏa thuận giai đoạn 1, trong đó có nội dung về việc phải thực hiện các cam kết với WTO.
Ngoài Đông Á, một khu vực khác cũng có vai trò quan trọng đối với thương mại gạo hạt vừa là các nước Trung Đông và Bắc Mỹ nằm quanh Biển Đại Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ là nhà sản xuất gạo lớn nhưng cũng nhập khẩu thóc để đáp ứng nhu cầu trong nước như một phần của chính sách tập trung vào ngành chế biến gạo trong nước, một phần trong đó được tái xuất khẩu dưới dạng gạo xay. Trong mấy năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu gạo hạt vừa lớn nhất khu vực.
Ai Cập nổi lên là nhà nhập khẩu gạo lớn trong năm 2019 với 700.000 tấn. Ai Cập vốn là nước sản xuất gạo (loại hạt vừa) lớn, và là nhà xuất khẩu gạo quan trọng trong suốt khoảng 15 năm qua, cho đến năm 2018 sản lượng gạo nước này sụt giảm hơn 1/3 so với năm trước do Chính phủ giới hạn diện tích lúa vì thiếu nước. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Ai Cập chuyển hướng sang nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, một phần nữa từ Ấn Độ. Với sản lượng năm 2019 hồi phục trở lại bình thường, nhu cầu nhập khẩu gạo của Ai Cập đã giảm xuống, dự báo chỉ khoảng 200.000 tấn trong năm 2020.