Dịch sởi lan rộng 43 tỉnh, thành phố
Ngày 18/2, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gene của virus sởi ở Việt Nam và trên thế giới.
Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.
Hiện đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai quyết liệt hơn.
Ðà Nẵng: Ðổ xô tiêm văc-xin từ mờ sáng
Nhiều ngày qua, từ mờ sáng, rất nhiều phụ huynh đổ về Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng (TTKSBT) chờ lấy số thứ tự để được tiêm văc-xin 6 trong 1 cho con.
“Tui tới đây từ khi 4h sáng, lúc ấy đã đông rồi. Đợi tới 7h mới được phát số thứ tự. Nhưng vì số người hôm qua vẫn chưa tiêm hết nên phải đợi tiếp đến gần 11h trưa mới được bồng con vào tiêm”, chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, quận Liên Chiểu) thở dài. Cũng như chị, anh Nguyễn Hữu Huy (quận Thanh Khê) cho hay anh tới rất sớm, song vẫn phải chen chúc vì hàng người đã xếp dài. Nhiều ông bố bà mẹ mệt mỏi vì dậy sớm ngồi vạ vật bên đường.
Ghi nhận của phóng viên trong sáng 18/2, khu vực ghế chờ trước trung tâm không còn chỗ trống. Nhiều phụ huynh ôm con chờ 3, 4 tiếng đồng hồ mới được gọi vào tiêm. Một số người không lấy được số thứ tự phải bồng con ra về. Không ít gia đình ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định…cũng đón xe đưa con ra Đà Nẵng tiêm văc-xin 6 trong 1 và chịu cảnh chờ đợi.
BS.CKI. Trần Bảo Ngọc, Phó Trưởng Phòng khám đa khoa (TTKSBT) thông tin mỗi ngày trung tâm tiếp nhận tối đa khoảng 600 lượt tiêm văc -xin, trong đó 75% là tiêm tiêm văc-xin 6 trong 1. Tình trạng đông đúc này diễn ra từ trước Tết. Lượng đặt lịch tiêm trên web rất đông, nên phải căn cứ vào đó để phát số ở ngoài. “Tâm lý của người dân là lo hết văc-xin. Và vì loại 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào, còn 6 trong 1 là vô bào, tinh khiết hơn. Ngoài ra, một số thông tin trên mạng xã hội về biến chứng của văc-xin 5 trong 1 khiến phụ huynh càng thêm lo sợ, đổ xô đi tiêm 6 trong 1 cho con”.
BS. Ngọc cho hay trước tình hình này, trung tâm sẽ thực hiện việc giảm tải bằng cách thông báo tiêm các loại văc-xin khác ở cơ sở số 6 Phan Châu Trinh. Trong trường hợp ít người thì khách hàng sẽ tự lấy số thứ tự, còn đông sẽ phát số để tránh tình trạng đổ xô, chen chúc. Hiện tại, nguồn văc-xin 6 trong 1 vẫn đáp ứng đủ, qua thăm dò thì các nguồn cung ứng vẫn đảm bảo liên tục. Nếu có ngắt quãng cũng không kéo dài.
Kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo
PGS.TS. Trần Minh Ðiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, hiện tại bệnh viện đã thành lập hệ thống điều trị riêng cho bệnh nhi mắc sởi. Khi trẻ nghi phát ban vào viện thì được đi theo lối riêng vào phòng khám riêng, nếu trẻ cần phải nằm viện vì bệnh sởi thì sẽ được bố trí vào khu điều trị riêng. Tại đây, nhân viên y tế chăm sóc riêng, buồng bệnh mở hai chiều, cửa sổ mở về phía mặt trời. Hệ thống trang thiết bị y tế của khu vực này cũng dùng riêng, lấy máu xét nghiệm và chụp Xquang tại khu vực này để tránh có sự chung đụng về trang thiết bị làm phát sinh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo PGS.TS. Trần Minh Ðiển, các vấn đề liên quan đến phòng chống bệnh sởi là điều trị cách ly, phòng chống bệnh bằng tiêm vắc-xin và kiểm soát người bệnh phơi nhiễm, tức là khi trẻ vào bệnh viện mà chưa biết bị mắc sởi, trong 24-28 giờ sau mới phát hiện sởi. Ðiều này đồng nghĩa là các bệnh nhi cùng phòng là đối tượng phơi nhiễm. Ngay lập tức phòng bệnh này sẽ được cách ly, và những bệnh nhi đó được theo dõi từ 14-18 ngày tiếp theo, ngay cả khi bệnh nhi về nhà, nhân viên y tế vẫn gọi điện để hỏi thăm xem có dấu hiệu bệnh sởi hay không.
Tiền Phong