Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Do đó khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
- 02-11-2020Giá lợn tăng, dịch tả lợn tái phát, người chăn nuôi thấp thỏm lo âu
- 14-09-2020Nhật Bản đình chỉ nhập khẩu thịt lợn từ Đức do lo ngại dịch tả lợn châu Phi
- 12-09-2020Đức kêu gọi Trung Quốc không cấm nhập khẩu thịt lợn của Đức do dịch tả lợn châu Phi
Theo ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2019, dịch bệnh xảy ra với tổng số lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy là 45.678 con, tổng số khối lượng tiêu hủy 2.543.233 kg.
Tính đến 3/11/2020 dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 42/184 xã/phường ở tất cả 15 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Đắk Lắk; trong đó có 4 xã phát sinh mới, 38 xã tái phát lại. Riêng trong tháng 10/2020, dịch bệnh đã phát sinh thêm 40 hộ tại 8 xã/phường. Tổng số lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy là 1.441 con (lợn giống: 142 con, lợn thịt và con: 1.299 con). Tổng số khối lượng tiêu hủy 66.320,5 kg.
Nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh tái phát tại địa phương là do vi rút tồn tại trong môi trường tại các ổ dịch cũ, trong khi bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu; Dịch bệnh xảy ra rải rác ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, không bảo đảm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Nhiều hộ dân mua giống lợn về nuôi tái đàn không đảm bảo an toàn dịch bệnh, lợn mua không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, mang trùng, từ đó phát tán thành dịch bệnh.
Để kiểm soát dịch bệnh, trách lây lan trên diện rộng gây thiệt hại kinh tế cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các giải pháp về chăn nuôi lợn an toàn sinh học; thận trọng trong việc tổ chức nuôi tái đàn lợn và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm kịp thời phát hiện và khoanh vùng xử lý ổ dịch.
Các địa phương kiên quyết tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; quản lý chặt chẽ việc giết mổ lợn và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn; thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Ngoài ra, các địa phương đang có dịch chưa qua 21 ngày chủ động kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; thành lập ngay các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương đang có dịch để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; thường xuyên áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, nhất là vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy lợn bệnh, lợn chết, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Theo ông Thủy Lệ Vũ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không đảm bảo để thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, con giống có nguồn gốc không rõ ràng là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng. Do đó, khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần thận trọng khi tái đàn, nên chuyển đổi vật nuôi trong giai đoạn này để hạn chế nguy cơ bùng phát và lây lan của dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến tháng 10/2020, đàn lợn tỉnh Đắk Lắk có 840.000 con (tăng 108.400 con so với cùng kỳ năm 2019; đạt 103,70% so với kế hoạch năm 2020).
Báo tin tức