MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch tả lợn Châu Phi lây lan qua 17 tỉnh, tiêu hủy hơn 23.000 con lợn

15-03-2019 - 10:00 AM | Thị trường

Chiều 14/3, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp bàn với 17 địa phương để tìm giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan. Cục Thú y nhận định, nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan với tốc độ nhanh. Từ thời điểm dịch phát sinh đến nay là một tháng rưỡi, dù cả hệ thống đã vào cuộc quyết liệt, từ khâu giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn…Chưa có chiến dịch nào được làm đồng bộ, thuận lợi như lần này.

Dịch tả lợn Châu Phi lây lan qua 17 tỉnh, tiêu hủy hơn 23.000 con lợn - Ảnh 1.

Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành, bao gồm: Hưng Yên,  Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Nghệ An. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con

Bộ trưởng Cường cảnh báo thời tiết sắp tới thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh. An toàn sinh học, công tác phòng trừ điều kiện rủi ro sẽ là rất khó, rất phức tạp.

"Chính vì thế, hôm nay chúng tôi mời đại diện 17 tỉnh có dịch, các cơ quan chuyên môn tới đây để kiểm lại các nhóm giải pháp, tìm cách làm tốt hơn, quyết liệt hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

3 nguyên nhân chính lây lan dịch tả lợn

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đàn lớn nhất phải tiêu hủy là 587 con tại Hải Phòng.

Theo ông Đông, nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân dịch xuất hiện ở các địa phương do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.

Vi rút dịch tả lợn Châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Vi rút có thể có thể lây lan từ khu vực có dịch sang nơi khác qua phương tiện vận chuyển và con người. Đơn cử tại Sơn La, tại đèo Pha Đin, nơi có điểm tắm lợn, là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới lây lan dịch.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Vắc xin không có, thuốc không có, hiện chúng tôi chỉ biết dựa vào tiêu độc khử trùng. Một hộ có lợn bệnh là chúng tôi phải phun thuốc cả xã, cả làng. Hiện Thanh Hóa đã tốn 7 tỷ đồng ngân sách chỉ cho việc phun thuốc".

Chia sẻ kinh nghiệm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh, đại diện tỉnh Hải Dương cho biết khi có dịch, tỉnh lập tức trích nguồn ngân sách để hỗ trợ, chính vì thế dân không giấu dịch. Đồng thời xem xét các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi hiện nay dịch phát sinh tại các hộ nhỏ, chưa phát hiện tại các hộ chăn nuôi quy mô lớn.

Để ngăn chặn dịch lây lan từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào các tỉnh phía Nam, Cục Thú y đã đề nghị tỉnh Quảng Bình thành lập ngay 02 chốt kiểm dịch tạm thời, bố trí đầy đủ các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam.

Theo Diệu Thùy

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên