MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch thuật truyện tranh: Ngành công nghiệp đầy tranh cãi khiến Nhật Bản thiệt hại 20 tỷ USD mỗi năm

16-08-2019 - 20:27 PM | Tài chính quốc tế

Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết 50% số độc giả truyện tranh tại Mỹ và 12% tại Nhật hiện nay sử dụng các ấn phẩm lậu trên mạng, qua đó khiến nước này thiệt hại 20 tỷ USD mỗi năm.

Đối với những người mê đọc truyện tranh, việc thưởng thức các ấn phẩm qua mạng ngày nay đã không còn xa lạ. Việc không phải tốn tiền mua truyện ngoài hàng và có thể đọc miễn phí bất cứ lúc nào tại bất cứ đâu là điều không gì tuyệt vời hơn với họ. Đổi lại, những trang đăng truyện sẽ thu tiền từ hợp đồng quảng cáo, tương tự như những trang trình chiếu phim online.

Dẫu vậy, sự bùng nổ của loại hình thưởng thức nghệ thuật này đang tạo nên những tranh cãi ác liệt xung quanh vấn đề hợp pháp hóa các trang truyện tranh. Rất nhiều trang truyện đòi quyền hợp pháp cho công sức dịch truyện, phổ biến văn hóa ra các nước khác của họ. Tuy nhiên, do luật bản quyền cũng như lợi nhuận của các nhà xuất bản, hàng loạt trang truyện tranh đang vào tầm ngắm của cảnh sát Nhật Bản, quốc gia có văn hóa truyện tranh nổi tiếng nhất thế giới.

Hợp pháp hay không hợp pháp?

Trên thực tế, ngành dịch truyện tranh đã có hẳn một thuật ngữ mới gọi là "Scanlation" dùng để chỉ những dịch giả tự scan truyện tranh thành dữ liệu số, xóa tiếng gốc và dịch sang ngôn ngữ mới, chỉnh sửa để những người đọc có thể thưởng thức ấn phẩm trên mạng với chính ngôn ngữ của họ.

Dịch thuật truyện tranh: Ngành công nghiệp đầy tranh cãi khiến Nhật Bản thiệt hại 20 tỷ USD mỗi năm - Ảnh 1.

Nói về ngành truyện tranh, việc in ấn lậu các ấn phẩm đã trở nên phổ biến từ rất lâu, nhưng với mảng Scanlation thì chúng chỉ thực sự manh nha từ cuối thập niên 1990 cùng đà tăng trưởng của Internet. Ban đầu, Scanlation chỉ tồn tại trong những nhóm nhỏ, các câu lạc bộ truyện tranh và dần lan rộng. Đến năm 2000, nhiều câu lạc bộ yêu truyện tranh bắt đầu thống nhất các dịch giả và tổ chức các trang truyện có quy mô bài bản.

Dẫu vậy, phải đến năm 2002 thì việc Scanlation có bản quyền mới được thực hiện. Trớ trêu thay, việc phải tốn quá nhiều chi phí cho bản quyền truyện cũng như ấn phẩm ra muộn hơn so với thị trường chính khiến những người mê truyện tranh vẫn đổ dồn về các trang Scanlation trái phép.

MangaHelpers là một trong những trang như vậy. Được thành lập từ năm 2006 bởi NJT (tên người sáng lập được mặc danh) nhằm tụ tập những người mê truyện tranh muốn đọc ấn phẩm ngay khi mới ra lò hoặc không có điều kiện trả tiền tác quyền. Chỉ 4 năm sau khi ra đời, MangaHelpers đã có 6,5 triệu người xem mỗi tháng.

Khoảng thời gian đó là sự bùng nổ của những cuốn truyện tranh nổi tiếng như "7 viên ngọc rồng" hay "Thủy thủ mặt trăng"… và nhiều độc giả Phương Tây không đủ tiền chi trả cho những cuốn truyện bản quyền tiếng Anh. Như một hệ quả tất yếu, các trang truyện lậu như MangaHelpers trở thành cứu tinh cho mọi người.

Dẫu vậy, hầu hết những dịch giả và người điều hành không nhận được mấy lợi nhuận. Kinh phí duy trì các trang truyện này đến từ quảng cáo và mọi người làm việc hầu hết vì niềm đam mê. Bản thân NJT khi được phỏng vấn cũng cho biết: "Tôi đã cố gắng làm việc với các nhà xuất bản trong 3 năm qua để họ hợp tác trả lương cho các dịch giả nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào cả. Nếu họ muốn chống lại các ấn phẩm lậu, họ nên chơi theo cách của chúng tôi."

Theo những người mê truyện tranh, việc các dịch giả tốn công chuyển thể ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa và truyền bá chúng sang các thị trường khác là điều đáng nể phục và chính phủ nên có chính sách riêng cho họ. Tuy nhiên, các nhà xuất bản lại khá lo lắng bởi việc hợp tác phát hành truyện trên mạng có thể mở ra một tiền lệ xấu khiến họ bị động trong cuộc chiến chống ấn phẩm lậu.

Ví dụ thị trường truyện tranh tại Mỹ đạt 200 triệu USD doanh thu mỗi năm và hàng loạt các trang truyện tranh bất hợp pháp đua nhau mở ra nhằm thỏa mãn nhu cầu người đọc. Ngay lập tức nhiều cửa hiệu bán truyện tranh phá sản. Số ấn phẩm mua bản quyền truyện tranh ở Bắc Mỹ giảm từ 1.500 năm 2007 xuống chỉ còn 695 năm 2011.

Cảnh sát vào cuộc

Ngành truyện tranh Nhật Bản vốn nổi tiếng toàn thế giới bởi hệ thống cốt truyện hấp dẫn cùng phong cách vẽ tranh riêng biệt. Tuy nhiên, chính lợi nhuận lớn đã thúc đẩy mọi người dịch truyện tranh sang nhiều thứ tiếng, khiến cho quốc gia này mất hàng tỷ USD mỗi năm.

Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết 50% số độc giả truyện tranh tại Mỹ và 12% tại Nhật hiện nay sử dụng các ấn phẩm lậu trên mạng, qua đó khiến nước này thiệt hại 20 tỷ USD mỗi năm.

Bởi vậy, cảnh sát nước này vừa quyết định triệt phá hàng loạt tụ điểm dịch trái phép truyện tranh, video game hay các tạp chí nổi tiếng của văn hóa Nhật sang những thứ tiếng khác. Mới đây, cảnh sát đã bắt 5 người đàn ông Trung Quốc vì tội dịch trái phép và tải các ấn phẩm Nhật Bản lên mạng xã hội Trung Quốc. Tất cả các nghi phạm đều trong lứa tuổi đôi mươi và đã dịch khoảng 15.000 đầu ấn phẩm trong khoảng 2015-2018.

Dịch thuật truyện tranh: Ngành công nghiệp đầy tranh cãi khiến Nhật Bản thiệt hại 20 tỷ USD mỗi năm - Ảnh 2.

Những ấn phẩm đã bị nhóm này dịch như "From Me To You" là các thể loại truyện tranh khá nổi tiếng và ăn khách ở Trung Quốc, Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đài Loan. Những ấn phẩm này đều có phiên bản chính thức có bản quyền được phát hành ở từng quốc gia. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ ngày nay, người dùng có thể đọc miễn phí trên các trang mạng và khiến Nhật Bản thiệt hại tiền bản quyền.

Phía cảnh sát Nhật cho biết họ cũng đã triệt phá nhiều nhóm dịch thuật trái phép các ấn phẩm khác tại Nhật. Phần lớn những nhóm này nhận công việc thông qua các quản lý trang mạng và tải ấn phẩm lên các trang mạng xã hội như Weibo (tương tự như Facebook).

Trong khi đó, phía công tố viên cho biết các nghi phạm có thể bị phạt tù đến 10 năm cùng khoản phạt 90.000 USD. Đó là chưa kể đến hàng loạt những cáo buộc liên quan về những thiệt hại do các ấn phẩm lậu này gây ra.

Theo AB

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên