Dịch vụ ngân hàng: Nhiều tiện ích chưa thực sự tiện ích
Khách hàng vẫn phàn nàn về thủ tục hành chính của ngân hàng khi nhiều tiện ích chưa thực sự tiện ích. Do đó, cần cải cách dịch vụ ngân hàng để theo kịp thời công nghệ 4.0.
Tại hội thảo “Cải cách hành chính ngành ngân hàng: Doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng”, do trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức, các chuyên gia tài chính, ngân hàng tham dự đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm trả lời nhiều thắc mắc của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng làm sao thay đổi phù hợp trong thời công nghệ 4.0.
Theo ông Nguyễn Ngọc Duy, thành viên Hội Doanh nhân Bình Thuận, khi mua hàng được trả tiền hàng vào tài khoản nhưng ko được tính lãi, các ngân hàng nên xem xét lại chuyện này. Hoặc ngân hàg có thể dùng nguồn tiền này để cân đối các dịch vụ khác và nên ưu đãi hơn cho doanh nghiệp.
Các giao dịch thương mại hàng ngày nhiều đối tác chỉ thích nhận tiền mặt, trong khi hạn mức rút tiền trong thẻ cá nhân chỉ cho rút 3 triệu đồng/lần, nếu cần rút số tiền lớn thì phải rút nhiều lần và rất lâu.
Ông Duy cũng cho rằng vay tín chấp đối với doanh nghiệp vô cùng khó. “Tôi hỏi thì nhiều doanh nghiệp nói chưa ai vay được bằng tín chấp. Nếu không thì NHTM nâng hạn mức thẻ tín dụng cho doanh nghiệp - đây cũng là một hình thức cho vay tín chấp, để doanh nghiệp có thể chi tiêu, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ nhanh chóng hơn…”, ông Duy nói.
Đại diện CTCP Tin học Lạc Việt cho rằng thời gian gần đây, ngành ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ tốt, như: QR code, AI (trí tuệ nhân tạo), big Data (dữ liệu khối, lớn) nhưng các thay đổi này rất chậm, nhất là so với các công ty tài chính công nghệ (Fintech). Khi Chính phủ cho phép các Fintech tham gia vào lĩnh vực thanh toán thì dường như NHTM chỉ chạy theo sau.
Trả lời ý trên, ông Bùi Hữu Toàn, quyền Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (BUH), khẳng định ngành ngân hàng đang đi đầu trong công nghệ, bắt kịp các công nghệ ngân hàng hàng đầu của thế giới...
Ở một khía cạnh khác, luật sư Vũ Quyết Tiến, Công ty Luật Globalink, đặt câu hỏi cải cách hành chính thì các quy định pháp luật sẽ như thế nào?
Ông Tiến cho biết: “Tôi đang tư vấn cho một nhà đầu tư tại Việt Nam cần chuyển tiền để mua một cửa hàng ở nước ngoài, nhưng thủ tục xin giấy phép tăng vốn cho dự án đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư ấy đang nằm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Chúng tôi đang lo vì theo hợp đồng nhà đầu tư tại Việt Nam phải chuyển tiền cho bên bán vào tháng 6 này, nếu ko thực hiện kịp họ phải bồi thường cho bên bán. Mong Bộ KH&ĐT làm việc với NHNN bỏ qua giai đoạn đăng ký chuyển vốn hoặc cho đăng ký online hoặc rút ngắn quy trình lại. Chúng tôi đã phải làm thủ tục xác nhận nhà đầu tư đủ năng lực tài chính theo quy định pháp luật. Nộp hồ sơ lên Bộ KH&ĐT quy định chỉ 15 ngày nhưng xong quy trình này mất 45 ngày, qua NHNN lại mất thêm 10 ngày nữa …”.
Trả lời ý kiến này, ông Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng BUH, cho biết: “Khó bỏ được thủ tục này, vì bỏ thì phòng chống rửa tiền thế nào; chỉ có thể cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục”.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ về thủ tục hành chính tại hội thảo - Ảnh: BUH.
Trước các phàn nàn về thủ tục hành chính tại ngân hàng Việt Nam chưa thuận tiện, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng NHNN nên tiến hành xây dựng một hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và điểm tín nhiệm cho người dân Việt Nam.
Chẳng hạn, tại Mỹ có mô hình hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân - hầu như người dân nào có giao dịch với ngân hàng đều có điểm số này và các NHTM có thể quyết định cho vay nhanh chóng dựa trên điểm số đó. Các ngân hàng Việt cũng cần có đội ngũ thẩm định viên chuyên nghiệp hơn để đẩy nhanh thời gian duyệt hồ sơ vay, vì cải cách hành chính cũng phải song song cải cách con người mới mang lại hiệu quả thật sự.
Về phía cơ quan quản lý, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngân hàng của những năm xa xưa khi còn cơ chế bao cấp khiến người cho vay là kẻ mạnh, người đi vay là kẻ yếu nên khó cải cách hành chính. Nhưng giờ đây, khi quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng trở nên bình đẳng tất yếu các NHTM cũng tự phải cải cách.
Hiện có 183 tổ chức tín dụng (gồm nhiều loại hình: ngân hàng TMCP nhà nước, TMCP tư nhân, liên doanh, 100% vốn ngoại), hơn 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô…, nếu ko cải cách thì không giữ nổi khách hàng.
“Có ngân hàng nói rằng, nay cứ thấy doanh nghiệp nào làm ăn có lãi là ngân hàng đua nhau ‘vồ’ ngay lấy. Tiền gửi thì chỉ cần 10 triệu đồng ngân hàng cũng đến tận nhà để nhận”, ông Tú chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, do đó, quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp chỉ là quan hệ dân sự, thương mại thuần túy nhưng ngành ngân hàng vẫn xem đây là nội dung hành chính cần phải cải cách, điều này cho thấy sự cố gắng lớn của ngành ngân hàng để mang lại sự tiện ích cho khách hàng.
Vì vậy, các NHTM cần khẩn trương đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 (Big data, blockchain), số hóa hoạt động và dịch vụ ngân hàng.
Hiện có nhiều đơn vị đang xin phép làm trung gian thanh toán. Nhiều ý kiến cho rằng các trung gian thanh toán này không cần qua ngân hàng. Nhưng quan điểm ngược lại, nếu thanh toán không qua ngân hàng liệu có kiểm soát được các dòng tiền phi pháp, như rửa tiền, buôn lậu, đánh bạc, đảm bảo an toàn pháp lý và công nghệ cho người thamgia thanh toán…?
BizLive