MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch vụ phòng chờ thương gia tiếp tục giúp lợi nhuận 9 tháng của Sasco (SAS) tăng gấp rưỡi cùng kỳ

16-10-2017 - 21:41 PM | Doanh nghiệp

Dịch vụ phòng chờ thương gia của Sasco tạo ra 85,4 tỷ đồng doanh thu và chỉ tốn 15 tỷ đồng giá vốn.

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) - Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với các nguồn thu chính gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách sân bay, bán lẻ tại trung tâm thương mại…vừa có báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2017 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý III/2017 của Sasco tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 560 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hàng hóa cửa hàng miễn thuế đạt 268.5 tỷ đồng; doanh thu hàng hóa tại trung tâm thương mại và các chi nhánh khác đạt 79.5 tỷ đồng;, doanh thu khác 126 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động cung cấp dịch vụ phòng chờ thương gia tiếp tục là hoạt động mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho Sasco với doanh thu đạt 85,4 tỷ đồng, trong khi chi phí chỉ 15 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lãi gộp lên đến 82,4%. Theo đó, kéo biên lãi gộp chung của Công ty cải thiện lên mức 43,5%.

Bên cạnh đó, khoản lãi tiền gởi hơn 10 tỷ đồng, cổ tức được chia từ các công ty đầu tư 31,4 tỷ đồng cùng với khoản gần 10 tỷ đồng lợi nhuận từ chênh lệch tài sản bằng ngoại tệ giúp Sasco ghi nhận mức lãi sau thuế 77 tỷ đồng, tăng đến 62% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, Sasco đạt tổng doanh số 1.701 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 209 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

Tài sản của Sasco hiện rất tốt khi hầu như không có công nợ đáng kể, Sasco cũng chủ yếu được tài trợ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tính đến 30/9, tổng nguồn vốn của Sasco đạt 2.022 tỷ đồng, riêng vốn chủ sở hữu chiếm 1.575 tỷ đồng.

Được biết, Chủ tịch HĐQT Sasco là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific- IPP Group). Người được mệnh danh ‘vua hàng hiệu’ được bầu lên chức Chủ tịch hồi tháng 4 năm nay.

Hiện tại, nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Hạnh Nguyễn gồm IPP Group, ACFC và DAFC sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu 49,8% cổ phần.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên