Dịch vụ spa đồ hiệu dành riêng cho hội nhà giàu, đưa túi - giày đi "nghỉ dưỡng" tút lại nhan sắc như con người và những điều lạ không tưởng về đồ dùng làm bằng da thật
Những cơ sở spa này đang mọc lên như nấm sau mưa bởi ngày càng có nhiều người tạo cho mình thú chơi đồ hiệu sang chảnh.
- 07-09-2020Khách sạn Louis Vuitton, nhà hàng Gucci, tiệm bánh Prada: Khi các thương hiệu thời trang cao cấp quyết tâm đem lại những dịch vụ trải nghiệm xa xỉ nhất cho khách hàng
- 30-08-2020Bỗng nhiên mất ngủ và thay đổi cân nặng đột ngột – những dấu hiệu hàng đầu của “căn bệnh thời đại” mà ai cũng nên biết
- 12-06-20207 thương hiệu nổi tiếng cùng những pha marketing "lật kèo" cực đỉnh, từ chẳng bán được gì đến thu về hàng trăm triệu đô
Người ta vẫn thường có câu "của bền tại người" như là một cách nói để nhắc chúng ta dùng đồ một cách cẩn thận và quan trọng hơn là thường xuyên phải dành thời gian cho chúng nghỉ ngơi, tút lại nhan sắc và sức khỏe. Nghe đến đây thì hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một con ngựa chiến hay chú chim bồ câu đưa thư nhưng mà không phải là chỉ đối với vật sống đâu, mà ngay cả những thứ bất động như giày dép, túi xách cũng rất cần được đối xử "tử tế". Nhất là với những người mê đồ hàng hiệu như thú vui và đồ trang sức thì họ sẽ lại càng để ý nhiều hơn đến vấn đề này.
Đó cũng là lý do ngày nay, những cửa hàng chăm sóc đồ hiệu cao cấp mọc lên như nấm sau mưa. Ở đó, những đôi giày xinh xắn, những chiếc túi xách có giá lên đến vài chục, vài trăm triệu cứ một thời gian là phải đến nằm nghỉ ngơi bảo dưỡng một lần. Nơi này, người ta gọi là "spa đồ hiệu", một ngành dịch vụ xa xỉ đối với những người có lối chơi sang chảnh.
Mỗi chiếc túi này có làn da luôn "sống" nhờ lượng dầu tồn dư ở bên trong.
Chơi đồ hiệu đã thành cái thú, chẳng cần là nghệ sĩ, doanh nhân thì cũng mua được
Chúng ta vẫn thường nghĩ, chỉ có nghệ sĩ, doanh nhân thì mới cần dùng hàng hiệu để tạo hình ảnh và bởi chỉ họ mới có tiền để tậu những thứ đắt đỏ đó. Nhưng mà thời nay thì suy nghĩ đó đã có phần lạc hậu mất rồi vì ngay cả một nhân viên văn phòng hay thậm chí là cô bé học sinh cấp 3 cũng có thể dùng hàng hiệu, chỉ cần họ thích là được.
Theo một khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cách đây khoảng vài năm, người Việt đã nằm trong top 3 thế giới (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ) về mức độ yêu thích hàng hiệu.
Nhưng có một câu hỏi đặt ra là hàng hiệu đắt như vậy thì người ta lấy đâu ra tiền để mua? Câu trả lời đến từ 2 phía, một là người mua đang ngày càng giàu lên và hai là các hãng cũng sản xuất ra những dòng sản phẩm phù hợp hơn với túi tiền của họ mà vẫn mang thương hiệu đó.
Tất nhiên, những món đồ xa xỉ hẳn, lên đến vài trăm triệu hay vài tỷ thì vẫn cứ ở một đẳng cấp khác, còn lại, với những chiếc túi, đôi giày cỡ vài chục triệu thì giới trẻ ngày nay cũng có nhiều phương thức kiếm tiền để mua được.
Người Việt đang dùng đồ hiệu ngày càng nhiều, với phụ nữ thì đủ mọi lứa tuổi đều yêu thích những món hàng xa xỉ phẩm này.
Đối với đồ hiệu, những người sành chơi thường sẽ chuộng đồ da nhất vì luôn mang lại vẻ sang trọng và đẳng cấp. Gặp chị khách hàng tên là Đ.A (30 tuổi) tại một spa đồ hiệu có đến 4 chi nhánh ở Hà Nội thì được nghe chị tâm sự "mỏng" rằng bản thân mới "nghiện" đồ hiệu được khoảng 2 năm nay nhưng cũng tậu được vài chục túi xách, đôi giày. Thu nhập của chị không quá cao nhưng đủ để chị theo đuổi đam mê này.
Thông thường, chị cứ tìm hiểu nếu có mẫu mới thì bắt đầu để dành lương, đủ tiền thì chị mua luôn còn nếu không sẽ chờ đến đợt sale để "rước" về. Chị nói, chơi cái này bị nghiện, một khi đã thích món đồ nào thì kiểu gì cũng phải tìm mọi cách mua về bằng được.
Chị Đ.A kể thêm rằng trên Facebook chị cũng có tham gia một hội nhóm nhỏ khoảng vài chục nghìn thành viên. Mọi người thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chơi đồ hiệu hoặc mua đi bán lại một vài món nếu thích. Bằng cách này, nhiều người cũng có cơ hội được dùng đồ hiệu với mức giá không quá đắt đỏ.
Mua đồ hiệu cũ cũng là cách vừa tiết kiệm mà lại gia nhập được hội sống "chất".
Và với đồ hiệu, người mua chủ yếu lựa chọn những món hàng làm bằng da vì vừa sang trọng lại dễ thể hiện được đẳng cấp. Tuy nhiên, da cũng là chất liệu khó bảo quản và chăm sóc nên một ai chưa có kinh nghiệm sẽ dễ để sản phẩm bị hỏng rất lãng phí. Còn lại, với dân sành chơi, họ sẽ tìm đến các spa chăm đồ hiệu thường xuyên để chi ra vài trăm ngàn để tút lại nhan sắc cho các món đồ mỗi lần. Số tiền này mới nghe tưởng là nhiều nhưng thực chất lại có thể giúp họ tiết kiệm cả đống tiền khi đôi giày hay chiếc túi của họ được trường kỳ theo năm tháng.
Xưởng spa đồ hiệu chăm sóc da túi, giày như da người
Theo chia sẻ của một ông chủ spa đồ hiệu tên Nguyễn Văn Phúc, người có đến 4 chi nhánh lớn nhỏ ở Hà Nội thì: "Mỗi dòng da sẽ có một đặc trưng khác nhau như da dễ thường mỏng và có mật độ liên kết khác với da bò, da cá sấu hay da đà điểu. Và để làm được tốt thì điều đầu tiên là người thợ phải biết đó là hiểu về chất liệu da của món đồ đó và thói quen sử dụng da của từng thương hiệu. Có hãng sẽ mài đi lớp bề mặt da, chỉ còn lớp bên trong nhưng cũng có hãng chỉ để da mộc và nhuộm màu.
Da cá sấu thường là dòng da đắt nhất vì mật độ sợ da chắc chắn, khó bị phá vỡ nhất. Chúng ta sẽ thường thấy những dòng túi như Kelly hay Birkin của Hermes hay sử dụng chất liệu này. Nó rất bền, trường kỳ với thời tiết và các loại khí hậu.
Ngoài ra, quá trình thuộc da cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc spa cho các món đồ. Có khi da được thuộc bằng hóa chất nhưng cũng có khi dùng bằng thảo mộc. Với loại thứ hai thì sẽ phải dùng sản phẩm kem chuyên dụng có xuất xứ tự nhiên thì mới có khả năng thích ứng được".
Việc chăm sóc một chiếc túi không đơn thuần chỉ thao tác mà còn phải có kiến thức khá sâu về da và hãng làm ra sản phẩm đó.
Hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ mua một chiếc túi hay đôi giày về thì cứ thế dùng, thỉnh thoảng lau chùi một chút là được vì thực ra chúng chỉ là vật "đã chết". Tuy nhiên, với những người thợ spa và dân sành đồ hiệu thì không phải vậy, da của những món đồ đó thực ra vẫn "sống", vẫn cần chăm sóc và hô hấp không khác gì da người.
Khi thuộc da, các nhà sản xuất sẽ luôn giữ lại từ 10% đến 18% lượng dầu trên da. Lượng dầu này quyết định độ bền, độ mềm của miếng da đó nhưng nó lại không tồn tại vĩnh viễn mà sẽ mất dần đi theo thời gian. Nhiệt độ lý tưởng nhất để dùng đồ da và bảo quản lượng dầu trong da là từ 13 đến 21 độ và độ ẩm dưới 50% nhưng khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam thì thực sự là rất nhanh bay dầu.
Khi dầu mất đi da sẽ khô hơn, giòn, dễ bị đứt gãy. Để tránh túi, giày rơi vào tình cảnh này thì việc nên làm là phải đưa đồ dùng đi chăm sóc thường xuyên. Đầu tiên là đồ da sẽ được kích thích để nở rộng lỗ chân lông sau đó thì bôi kem đề bù lại lượng dầu đã mất. Sau đó là quá trình làm bóng bề mặt để tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh.
Với cách làm này, da sẽ được cung cấp độ ẩm từ bên trong nên sẽ bền, bóng và đẹp, giống hệt như da người vậy.
Một số đồ nghề chuyên dụng của thợ spa túi, giày hàng hiệu.
"Đồ da ở Việt Nam rất hay bị nấm mốc vì độ ẩm cao. Thông thường da sẽ bị 2 loại nấm là đầu đen và nấm hoa. Trong đó, nấm đầu đen xuất hiện trên các loại da thật, nó hút dầu của da để sống và khi đã ăn sâu rồi thì sẽ để lại những vết sẹo khó lành. Cách làm lúc này sẽ là diệt nấm rồi sau đó mới chăm sóc tiếp được, cái nào bị nặng quá thì phải làm lại màu khá vất vả.
Đối với số đông người Việt thì cách bảo quản đồ da hiện tại chưa được chuẩn lắm vì thường để trong phòng thay đồ, có vị trí rất gần nơi tắm. Khi tắm, hơi ẩm sẽ bay ra khiến đồ dùng dễ bị nấm. Nên spa chỉ là biện pháp tạm thời còn lại phải chuyển tủ hoặc diệt nấm ở chính chiếc tủ đó thì mới lâu dài được".
Việc xử lý một sản phẩm bị nấm thường là khó khăn nhất vì phải khắc phục từ tận sâu bên trong của tấm da.
Ngoài nấm mốc thì người dùng đồ da còn gặp phải vô số vấn đề khác, như là việc đi mưa khiến da bị ướt chẳng hạn. Trong trường hợp này, nhiều người thường sẽ dùng máy sấy để hong khô nhưng kỳ thực đây lại là cách làm không những kém hiệu quả mà lại còn làm đồ da nhanh hỏng. Bởi khi làm khô bằng nhiệt quá nóng, lượng dầu trong da sẽ theo hơi nước thoát ra ngoài khiến da bị cứng. Cách tốt nhất là nên phủ một chiếc khăn trắng lên bề mặt hoặc nhét giấy hút ẩm vào bên trong và để cho da tự khô rồi sau đó mang đến spa để xử lý cấp dầu bằng cream và lotion riêng.
Không chỉ có vậy, với các chị em đi xe máy, họ thường để túi trong cốp xe và đây cũng là thói quen khiến đồ da nhanh hỏng hơn. Nhiệt độ trong cốp sẽ khiến phần keo viền của túi bị chảy ra, xuống mã nhanh. Đặc biệt, túi của hãng Louis Vuitton có chất keo sản xuất ra để chuyên dùng ở châu Âu nên khi về Việt Nam gặp nóng sẽ dễ bị chảy nhất.
Một chiếc túi thương hiệu Salvatore của Ý đang được tút lại vẻ bề ngoài.
Thêm một vấn đề mà đồ da cần phải được phục hồi đó là những vết xước. Điều này không thể tránh được, nhất là với những đôi giày có gót bọc da. Vết xước sẽ khiến giày nhìn rất cũ và không đẹp. Để cải tạo tình trạng này, những phần xước sẽ được làm đầy và phẳng rồi sau đó làm màu giống như màu gốc ban đầu. Và cái khó của người thợ lúc này là phải pha được màu thật chuẩn.
Chi phí khi làm màu sẽ cao hơn chi phí spa, từ gần 1 triệu cho đến vài triệu đồng tùy thuộc vào diện tích cần làm lại và độ cầu kỳ của sản phẩm.
Bảng giá spa đồ hiệu bình thường, còn một số dịch vụ khác sẽ được báo giá tùy thuộc vào tình trạng của sản phẩm.
Những lưu ý trong cách dùng đồ hiệu bằng da
Có thể thấy, thị trường đồ hiệu ở Việt Nam trong vòng 4-5 năm trở lại đây đang vô cùng sôi động. Vì thế nên, ở cơ sở spa này, việc khách hàng chuyển khoản trước một số tiền rồi sau đó chăm sóc định kỳ cho đồ da là chuyện bình thường. Đó là việc làm giúp các món đồ của họ lúc nào cũng mới, bóng và rất đẹp.
Theo ông chủ Phúc thì thời gian tiêu chuẩn để làm lại đồ da là từ 4-6 tháng mỗi lần, tùy thuộc vào tần suất sử dụng và bảo quản. Với những người ngại làm hơn thì cũng tối thiểu 1 năm nên mang đến spa 1 lần để làm lại để giữ độ bền cho túi, giày vì kể cả không dùng đến thì lượng dầu trong da cũng sẽ vẫn cứ mất đi chứ không thể bảo toàn như lúc ban được.
Đồ da nên được đi spa để bảo dưỡng lại sau khoảng thời gian nhất định sẽ giữ được độ bền đẹp.
Dưới đây là những lưu ý về một số cách xử lý và chăm sóc đồ da tại nhà mà thợ spa khuyên nên làm để giữ độ bền cho da.
- Không dùng nguồn nhiệt nóng như máy sấy để làm khô đồ da sau khi đi mưa về.
- Không dùng khăn hay bất cứ thứ gì chà xát trên bề mặt da vì dễ tạo vết xước.
- Với những dòng túi trắng thì không dùng độn form bằng giấy báo hay khăn vì sau một thời gian phần ruột này sẽ bị ẩm và ngấm ra bên ngoài gây loang màu.
- Luôn để túi, giày trong những chiếc túi đựng chuyên dụng và đặt ở nơi khô thoáng, tránh tủ kín khiến da khó hô hấp, mất dầu rất nhanh.
- Trung bình 1 -2 tuần phải cho túi, giày ra nơi có nhiều ánh sáng để giảm nấm mốc trên da, giúp da có sự hô hấp tốt hơn, bền hơn.
Pháp luật và bạn đọc