Dịch vụ tang lễ: Ngành công nghiệp trị giá 16 tỷ USD, miễn nhiễm với lạm phát, gần như không có rủi ro, các nhà đầu tư, startup, quản lý quỹ đang tranh nhau khai phá
Dịch vụ tang lễ: Ngành công nghiệp trị giá 16 tỷ USD, miễn nhiễm với lạm phát, gần như không có rủi ro, các nhà đầu tư, startup, quản lý quỹ đang tranh nhau khai phá
Đối với nhiều người, tử vong là một điều xúi quẩy đầy kiêng kỵ cũng như bao hàm nỗi buồn và sự thương tiếc. Tuy nhiên, việc thế giới có khoảng 100 người tử vong mỗi phút lại đang khiến 120.000 lao động và 19.000 nhà tang lễ có công ăn việc làm. Khảo sát năm 2017 cho thấy khoảng 2,7 triệu ca tử vong đã giúp ngành tang lễ đạt giá trị 16 tỷ USD.
Tại Pháp, ngành kinh doanh đặc biệt này có tổng giá trị 2,5 tỷ Euro (3,1 tỷ USD). Con số này tại Đức là 1,5 tỷ Euro và gần 27.000 lao động, khoảng 1/6 trong số này là những ông chủ chuyên kinh doanh dịch vụ tang lễ. Tại Anh, ngành này có giá trị 2 tỷ Bảng (2,8 tỷ USD) và hơn 20.000 lao động với 1/5 làm chủ dịch vụ.
Những số liệu mới nhất ước tính trong vài thập niên tới, dân số gia tăng kèm theo lượng người tử vong đi lên sẽ khiến tỷ lệ qua đời bình quân đầu người tăng từ 8,3/1.000 người hiện nay lên 10,2/1.000 người vào năm 2050 tại Mỹ, từ 10,6/1.000 lên 13,7/1.000 tại Italy và 9,1/1.000 lên 12,8/1.000 tại Tây Ban Nha.
Đến cả khởi nghiệp cũng kinh doanh đám ma
Nhận thức được tiềm năng của ngành này, hàng loạt những nhà đầu tư, khởi nghiệp, quản lý quỹ… đã đổ tiền vào đây. Năm 2017, quỹ OTPF đã mua mảng dịch vụ tang lễ lớn nhất Tây Ban Nha từ tập đoàn 3i Group với giá 117 triệu Bảng Anh.
Tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, startup Funeral24 đang cung cấp dịch vụ hỏa táng đơn giản với quan tài, vận chuyển, xử lý và chôn tro cốt sau khi thiêu mà không cần sự có mặt của người thân đang làm ăn khá tốt. Chỉ với 1.250 Euro cho mỗi người, startup này đang nhận hơn 2.600 đơn hàng mỗi năm.
Tỷ lệ chôn cất truyền thống đang giảm ở nhiều nước, thay vào đó người dân chọn hỏa táng
Đây là điều dễ hiểu bởi lợi nhuận của ngành tang lễ khá tốt, không chịu tác động bởi lạm phát, rủi ro thấp và tiềm năng tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế, nhu cầu được mai táng theo các cách khác nhau của người dân hiện nay cũng ngày càng đa dạng hơn. Tại Mỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tang lễ không chỉ bán những sản phẩm truyền thống mà còn phải kiêm luôn các loại hình phục vụ đặc biệt như bắn tro cốt của người đã mất lên trời, tổ chức các đám tang theo phong cách lạ hay thậm chí chôn cất người đã mất theo kiểu "trước nay chưa từng có".
Ngày nay, các nước Phương Tây thường chuộng hỏa táng hơn chôn cất bởi giá thành rẻ hơn một nửa. Thêm vào đó con người ngày nay di chuyển nhiều nơi và họ thường hỏa táng để lấy tro cốt đem về chôn ở quê nhà hơn là vận chuyển cả một chiếc quan tài.
Dẫu vậy, tại nhiều khu vực, ảnh hưởng của tôn giáo và văn hóa vẫn khiến người dân trung thành với các nghi lễ tang gia truyền thống. Ở Ireland, khoảng 82% số trường hợp tử vong vẫn chôn cất bình thường trong khi con số này là 77% ở Italy.
Điều này trái ngược hoàn toàn với Mỹ khi hơn 50% số tang lễ ở đây là hỏa táng, cao hơn rất nhiều so với chưa đến 4% vào thập niên 1960. Các chuyên gia thậm chí dự báo con số có thể lên đến 79% vào năm 2035. Thậm chí ở Trung Quốc, con số hỏa táng cũng đã tăng mạnh từ 33% năm 1995 lên 50% vào năm 2012. Trong khi đó tại quốc gia ít đất như Nhật Bản, hỏa táng gần như là lựa chọn chính cho những người qua đời.
Tang lễ xanh
Ngoài những nghi lễ đám tang dị thường, giờ đây người dân Mỹ cũng quan tâm đến môi trường khi bước sang bên kia thế giới. Báo cáo năm 2015 cho thấy 60% số người trên 40 tuổi ở Mỹ muốn một tang lễ xanh, nghĩa là họ muốn được hỏa táng với những vật liệu không gây hại cho môi trường.
Một cửa hàng bán quan tài ở Phương Tây
Hàng năm, Mỹ thiêu khoảng 70.000m khối gỗ và hầu hết là cho các quan tài. Số gỗ này đủ để xây 2.000 ngôi nhà. Ngoài ra, ngành tang lễ Mỹ hàng năm cũng phải tốn 1,6 triệu tấn bê tông cốt thép cho các ngôi mộ. Việc hỏa táng cũng thải khoảng 320 kg carbon và 2-4 gr thủy ngân vào không khí.
Nhận thức được điều này, ngày càng nhiều người cao tuổi muốn được hỏa táng xanh. Số liệu của Sunlife cho thấy 9% các buổi tang lễ tại Anh hiện nay là an toàn cho môi trường.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây cho thấy cơ cấu lợi nhuận của ngành tang lễ đang có sự dịch chuyển lớn. Việc bán quan tài và hộp đựng tro cốt thường chiếm tới gần 1/3 doanh thu của các công ty trong ngành. Tuy nhiên, số liệu của NFDA cho thấy người Mỹ ngày càng chi ít tiền cho khoản mua quan tài hay hộp đựng tro cốt xa xỉ, thay vào đó họ hướng tới những loại hình mai táng đa dạng và thân thiện với môi trường hơn.
Hiện doanh thu từ dịch vụ tổ chức loại hình tang lễ chỉ chiếm 14% nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chúng sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi các công ty trong ngành chuyển hướng tập trung từ bán quan tài sang chuyên làm dịch vụ bắn tro cốt lên vũ trụ, chôn dưới nước, tổ chức tiệc đám ma hay những thứ tương tự.
Thời Đại