MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Didi Chuxing tiến hành IPO: Sự đe dọa cho Grab và Uber

20-06-2021 - 18:04 PM | Doanh nghiệp

Didi Chuxing tiến hành IPO: Sự đe dọa cho Grab và Uber

Tới quý 1 năm nay, dưới hiệu ứng tích cực của các loại vaccine phòng dịch, công ty đạt doanh thu 6.4 tỷ USD với mức lợi nhuận sau thuế là 837 triệu USD. Cùng thời điểm, Uber chỉ đạt 2.9 tỷ USD doanh thu với mức thua lỗ 108 triệu USD.

Những năm gần đây, dịch vụ chia sẻ xe đã chiếm được chỗ đứng vững chắc với khách hàng và từng bước thay thế nhiều loại hình vận tải truyền thống. Nổi bật trong số đó có Grab và Uber, hai ứng dụng đình đám với số lượng khách hàng khổng lồ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên tại thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc, người dẫn đầu trong lĩnh vực này là một cái tên hoàn toàn khác – Didi Chuxing. Đây cũng chính là cái tên sẽ tạo nên một cuộc IPO khổng lồ trong thời gian tới đây, chỉ 2 năm sau khi cổ phiếu Uber chính thức được giao dịch trên sàn chứng khoán New York (NYSE).

9 năm trước, sau nhiều năm làm việc tại Alibaba, ông Cheng Wei đã tạo ra ứng dụng gọi xe mang tên Didi Dache và được Tencent đầu tư 15 triệu USD chỉ vài tháng sau đó. Tháng 12/ 2013, một thống kê cho thấy công ty này nắm giữ tới 55% thị phần mảng gọi xe qua điện thoại di động; 45% còn lại thuộc về Kuaidi Dache – doanh nghiệp được Alibaba đầu tư.

Nhận thấy sự tương đồng trong đường lối phát triển, hai công ty đã chính thức hợp nhất vào năm 2015, tạo nên một đế chế trong ngành gọi xe tại Trung Quốc. Tại thời điểm hợp nhất, công ty này chiếm tới 80% thị phần dịch vụ gọi xe tư nhân và 99% thị phần taxi tại thị trường lớn nhất thế giới; doanh nghiệp hợp nhất lúc này chính thức có tên như hiện nay – Didi Chuxing.

Didi Chuxing IPO: Sự đe dọa cho Grab và Uber - Ảnh 1.

So sánh giữa 2 công ty gọi xe tại thời điểm Didi Chuxing mua lại Uber Trung Quốc (Ảnh: CB Insights)


Một trong những đối thủ lớn của Didi tại thời điểm này chính là Uber Trung Quốc, khi họ cũng dồn rất nhiều tâm huyết vào thị trường này. Theo lời của CEO Uber thời bấy giờ là Travis Kalanick, mỗi năm Uber Trung Quốc thua lỗ tới hơn 1 tỷ USD trong nỗ lực giành lấy thị phần từ tay Didi Chuxing.

Tuy nhiên nỗ lực này không thành công, và chính bản thân Uber Trung Quốc đã phải bán mình cho đối thủ. Năm 2016, Didi mua lại công ty con của Uber, qua đó trở thành gã khổng lồ duy nhất của ngành dịch vụ gọi xe tại đất nước tỷ dân. Đồng thời, họ cũng củng cố sức mạnh của mình thông qua việc gọi vốn, với tổng cộng 20.9 tỷ USD được các nhà đầu tư đổ vào công ty.

Trong số những nhà đầu tư này, có thể kể ra một vài cái tên sừng sỏ như Apple, SoftBank, quỹ Temasek... Tính tới thời điểm hiện tại, 3 cổ đông lớn nhất của Didi là Softbank (nắm giữ 21.5% cổ phần), Uber (12.8% - theo thỏa thuận mua lại Uber Trung Quốc) và Tencent (6.8%).

Cuối năm 2020, Didi Chuxing sở hữu 550 triệu người sử dụng ứng dụng với khoảng 15 triệu lái xe. Họ cũng mở rộng các loại hình dịch vụ của mình, như giao hàng và đồ ăn, bán và cho thuê xe, hợp tác phát triển các dòng xe mới với những nhà sản xuất xe ô tô... Doanh nghiệp cũng đang đầu tư lớn vào mảng xe tự lái và đã được chính quyền Bắc Kinh cấp quyền thử nghiệm đối với loại ô tô này.

Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, doanh thua của công ty giảm khoảng 10% trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020. Doanh thu của công ty năm 2020 đạt 21.6 tỷ USD với mức lỗ là 1.6 tỷ USD; trong khi đó, Uber chỉ đạt doanh thu chưa tới một nửa (11.14 tỷ USD) với mức thua lỗ lớn hơn 4 lần (6.77 tỷ USD).

Tới quý 1 năm nay, dưới hiệu ứng tích cực của các loại vaccine phòng dịch, công ty đạt doanh thu 6.4 tỷ USD với mức lợi nhuận sau thuế là 837 triệu USD. Cùng thời điểm, Uber chỉ đạt 2.9 tỷ USD doanh thu với mức thua lỗ 108 triệu USD, cho thấy sức mạnh vượt trội của Didi với một công ty cùng ngành thuộc loại lớn nhất trên thế giới.

Didi Chuxing IPO: Sự đe dọa cho Grab và Uber - Ảnh 2.

Số lượng khách hàng trong nước khổng lồ của Didi Chuxing đã có sự suy giảm trong năm 2020 vì dịch Covid -19 (Ảnh: Financial Times)

Do đó, công ty không chỉ giới hạn tầm ảnh hưởng của mình tại Trung Quốc mà bắt đầu mở rộng nhiều chi nhánh ra toàn thế giới. Họ hiện đang có mặt tại 15 quốc gia, trong đó có Australia, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Nga... và có tham vọng vượt mặt Uber tại chính sân nhà của hãng này là Hoa Kỳ.

Chính vì sự vượt trội của mình mà Didi hiện đang bị SAMR (Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc) điều tra về việc độc quyền và các hành vi sai trái nhằm ngăn cản các công ty khác cạnh tranh với họ. Người phát ngôn của công ty hoàn toàn phủ nhận điều này, song việc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Với những sự tiến bộ vượt bậc cùng lượng khách hàng đông đảo và trung thành, Didi Chuxing được đánh giá rất cao. Với mức giá cổ phiếu hiện tại, tổng giá trị thị trường của Uber được tính toán vào khoảng 93 tỷ USD; Didi với mức doanh thu và lợi nhuận vượt trội, cùng việc đầu tư vào mảng xe tự lái được cho là có giá trị không hề kém cạnh.

Bloomberg dự báo giá trị của công ty sẽ rơi vào khoảng 90 – 100 tỷ USD, và rất có thể sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian. Do đó, vừa qua, công ty đã chính thức công bố hồ sơ IPO của họ tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Đây sẽ là thương vụ IPO lớn nhất tới từ một công ty Trung Quốc, sau khi Alibaba thiết lập kỷ lục tại sàn chứng khoán New York năm 2014. Việc IPO sẽ là một bước tiến lớn cho Didi trong việc phát triển cũng như thâm nhập vào thị trường Mỹ đầy tiềm năng.

Sau gần 10 năm thành lập, trải qua nhiều vòng gọi vốn khổng lồ, ngày nay Didi Chuxing là một trong những doanh nghiệp ứng dụng gọi xe tư nhân hàng đầu thế giới. Với lượng khách hàng lên tới hơn nửa tỷ người tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, công ty có tiềm năng vô cùng lớn trong việc trở thành người dẫn đầu và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp này. Với việc nộp hồ sơ IPO, Didi cho thấy tham vọng lớn lao của mình đã vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc rất nhiều.

Phạm Tiến Đạt

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên