MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm đặc biệt của tỉnh là trung tâm dầu khí quan trọng của Việt Nam

Điểm đặc biệt của tỉnh là trung tâm dầu khí quan trọng của Việt Nam

Tỉnh là trung tâm dầu khí quan trọng của Việt Nam nằm tại khu vực phía Nam.

Cụ thể, Bà Rịa – Vũng Tàu hiện là trung tâm dầu khí quan trọng của Việt Nam. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, địa phương này có vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển ngành dầu khí tại các địa phương, Tỉnh được xem là cái nôi của ngành dầu khí. Trong suốt quá trình phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã hỗ trợ cho ngành dầu khí có được nhiều vị trí hạ tầng cảng, kho, bãi chế tạo…

Bà Rịa – Vũng Tàu có chiều dài bờ biển hơn 305km, trên 100.000km2 thềm lục địa với trữ lượng khoảng 400 triệu m2 dầu (chiếm 93,29% trữ lượng cả nước) và khoảng trên 100 tỷ m2 khí (chiếm 16,2% trữ lượng cả nước).

Theo đó, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu cả nước về lĩnh vực khai thác dầu khí, bên cạnh các thế mạnh khác như vận tải hàng hải, dịch vụ du lịch và khai thác hải sản.

Nền kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2000 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí).

Năm 2022, quy mô GRDP ước năm 2022 là 390.293 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người là 331,1 triệu đồng/người/năm, tăng 23% so năm 2021. Nếu tính theo USD, quy mô GRDP là 16.488,2 triệu USD; GRDP bình quân đầu người là 13.988,5 USD/người/năm, tăng 20,37% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân quy mô GRDP và GRDP bình quân đầu người ước năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ, chủ yếu là do sự tăng giá của sản phẩm dầu thô khai thác và khí đốt trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm của cả nước trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất phân bón, luyện cán thép.

Bên cạnh, đó, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có cảng biển nước sâu lớn nhất cả nước. Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu và cụm cảng container lớn nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 100.000 DWT; tàu hàng lỏng (dầu; LPG…) trọng tải đến 80.000 DWT và tàu container trọng tải đến 214.000 DWT (sức chở 18.340 TEUs).

Cụ thể, tỉnh có cụm cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải với diện tích 48 ha. Cảng có cầu cảng dài 600 m, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT. Hơn nữa, cảng quốc tế Cái Mép được Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 12 trên tổng số 348 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.

Theo đó, cảng Cái Mép của Việt Nam có thứ hạng cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore (vị trí thứ 18), Yokohama - Nhật Bản (vị trí thứ 15), Busan - Hàn Quốc (thứ 22).

Trong nhiều năm qua, tỉnh luôn hướng tới phát triển công nghiệp bền vững. Từ năm 2000 đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp khai thác dầu khí, tăng dần tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo.

UBND tỉnh cho biết, năm 2015, 80% nguồn thu của tỉnh là từ dầu khí, hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống nhưng vẫn chưa bền vững trong tương lai bởi một nền kinh tế xanh cần không dựa vào tài nguyên khoáng sản. Do đó, tỉnh hướng đến việc cơ cấu theo hướng tích cực, bền vững trong khuôn khổ cũng như khả năng của tỉnh. Như vậy, tỉnh sẽ định hướng giảm lệ thuộc và dầu khí.

Theo quy hoạch, Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030 cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

Cùng với đó, tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,4-8,6%/năm. GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) đến năm 2030 khoảng 18.000-18.500 USD. Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng 58,0-58,5%; dịch vụ 29,0-29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) khoảng 6,5-6,7%;

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu muốn trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên