Điểm danh 10 dự án được Hà Nội chỉ đạo phân luồng 'làn xanh', yêu cầu xử lý thủ tục hành chính trong vòng 24 giờ
Mới đây, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024, chiếm 10,5% tổng số vốn của cả nước được Quốc hội quyết nghị phân bổ. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công của toàn thành phố tính đến ngày 24/3 là hơn 5.052 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch.
"Xác định đầu tư công là động lực quan trọng, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, ngay từ đầu năm, UBND TP. Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy kế hoạch giải ngân đầu tư công", ông Đông cho hay.
Đáng chú ý, UBND Thành phố đã chỉ đạo phân luồng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư công; phân luồng "làn xanh", yêu cầu xử lý trong vòng 24 giờ đối với 10 dự án quan trọng.
10 Dự án gồm: Dự án cải tạo không gian khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm và cải tạo Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục; Cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu; Cầu Trần Hưng Đạo; Cầu Ngọc Hồi; Cải tạo, nâng cấp mở rộng các tuyến đường xung quanh hồ Tây; Cải tạo, chỉnh trang, bổ cập nước sông Tô Lịch; Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu công nghệ cao Sinh học; Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô; Tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao-Hòa Lạc.
Cũng tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài chính trao đổi cụ thể về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến bố trí, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, hoặc thực hiện một số dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA.
Những khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là xác định nguồn gốc đất, giá đất, phương án bồi thường công trình xây dựng trên đất nông nghiệp… được đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường giải đáp.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá Hà Nội đã chủ động chuẩn bị kỹ nhiều dự án trọng điểm của quốc gia và địa phương, để từ đó phấn đấu hoàn thành và vượt mức kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời cần tiếp tục thu hút các nguồn vốn khác.
"Giải quyết khó khăn, vướng mắc của Hà Nội không chỉ tạo thuận lợi cho thành phố mà sẽ góp phần rút ra cách thức giải quyết các vấn đề tương tự ở những địa phương khác", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu, giải đáp đầy đủ kiến nghị của TP. Hà Nội, đề xuất cấp có thẩm quyền trên tinh thần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương chủ động trong điều hành, bố trí ngân sách thực hiện các dự án trọng điểm theo kế hoạch tiến độ, nhu cầu vốn.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể trong đàm phán, bố trí ngân sách nhà nước đối với một số dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA; lập dự án độc lập thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đồng thời với việc chuẩn bị thủ tục đầu tư đối với các dự án trọng điểm, cấp bách; phương án đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 cầu (Ngọc Hồi, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo); phương thức đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với trung tâm Hà Nội…
An ninh tiền tệ