MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh mặt hàng xuất khẩu trên 10 triệu USD

Theo Tổng cục Thống kê, sau 8 tháng, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất nhập khẩu hàng hoá đã vượt mốc 500 tỷ USD.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, điện tử , máy tính và linh kiện dẫn đầu với giá trị hơn 46,3 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Điện thoại và linh kiện ở vị trí thứ 2, xuất khẩu cán mốc 37,2 triệu USD sau 8 tháng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Điểm danh mặt hàng xuất khẩu trên 10 triệu USD- Ảnh 1.

Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Các mặt hàng còn lại lần lượt là máy móc thiết bị , dụng cụ phụ tùng khác (32,7 triệu USD); dệt may (24,3 triệu USD); giày dép (14,9 triệu USD); gỗ và sản phẩm gỗ (10,3 triệu USD). Giá trị xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 8 tháng, 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê , kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD, thấp hơn so với con số 19,9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD.

Xét về thị trường, Tổng cục Thống kê cho biết, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD.

Phục hồi xuất khẩu là một trong những điểm sáng, được dự báo hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.

Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,1% nhờ phục hồi xuất khẩu.

“ Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự báo cho nửa đầu năm 2024, nhờ sức cầu bên ngoài mạnh hơn, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 16,9% và 17% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù đóng góp ròng của xuất khẩu (chênh lệch xuất nhập khẩu) cho GDP vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng tăng trưởng thương mại đã góp phần giúp cho nhu cầu trong nước từng bước phục hồi, trong đó tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đạt lần lượt 6,7% và 5,8% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024”, WB chỉ ra.

Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay lên 6,5%. Điều đáng khích lệ là tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới đã tăng cao trong những tháng gần đây, cho thấy triển vọng tốt hơn của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam.

Theo Việt Linh

Tiền phong

Trở lên trên