MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh những doanh nghiệp báo lỗ hàng trăm tỷ đồng

02-11-2016 - 19:19 PM | Doanh nghiệp

Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Phả Lại, Nosco, Vosco, Anvifish là những doanh nghiệp được gọi tên.

Đến thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính cho kỳ kế toán từ 1/7 và kết thúc vào 30/9/2016. Rất nhiều doanh ngiệp báo lãi lớn, thậm chí lãi đột biến, bên cạnh đó, danh sách những doanh nghiệp báo lỗ cũng đang ngày một dài ra. Trong số đó có những doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng chỉ trong quý 3 vừa qua.

Doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ - Gỗ Trường Thành (TTF) - vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016. Với nhiều biến động lớn trong thời gian gần đây, nên doanh thu quý 3 cũng giảm mạnh, còn 103 tỷ đồng – giảm 75% so với cùng kỳ, trong khi giá vốn lên đến 130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi đến 242 tỷ đồng hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp nên khoản này tăng vọt lên 281 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng vọt lên 81 tỷ đồng.

Do vậy, riêng quý 3 Gỗ Trường Thành đã lỗ ròng gần 400 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2016 lên đến hơn 1.600 tỷ đồng. Đi cùng với kết quả kinh doanh kém khả quan, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TTF trong 9 tháng đầu năm bị âm 678 tỷ đồng.

CTCP DAP – Vinachem (mã chứng khoán DDV) hoạt động kinh doanh ngành hóa chất cũng vừa công bố quý này doanh thu đạt hơn 262 tỷ đồng, giảm đến 57% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá vốn hàng bán vượt xa doanh thu nên riêng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đã lỗ gộp 62 tỷ đồng. Thêm các loại thuế, phí thì riêng quý 3 DAP Vinachem đã lỗ gần 112 tỷ đồng, cũng là quý thứ 3 liên tiếp công ty báo lỗ, nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm lên 321 tỷ đồng.

Nguyên nhân là quý này công ty gặp khó khăn trong kinh doanh, giá bán hàng giảm sâu, công tác tiêu thụ sản phẩm không tốt, nguồn vốn lưu động vay từ ngân hàng không trả được đúng hạn. Hiện công ty đang có lượng hàng tồn kho 732 tỷ đồng, chiếm 84% tổng tài sản ngắn hạn. Với những khó khăn liên tiếp trong thời gian vừa qua, quý 4 công ty chỉ đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 68.000 tấn. Đối với lượng hàng tồn kho, với các lô đến ngày 31/8/2016 sẽ cho bán theo giá thị trường, các lô hàng sản xuất trong quý 4 giá bán phải cao hơn chi phí biến đối trên cơ sở giá nguyên, nhiên, vật liệu tại thời điểm sản xuất.

Ngành vận tải biển, cả 2 doanh nghiệp Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - VOS) Vận tải Biển Bắc (Nosco - NOS) đều báo lỗ lớn.

Doanh thu quý 3 của Vosco chỉ 266 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ, trong khi đó giá vốn bỏ ra đến 333 tỷ đồng nên riêng lợi nhuận gộp đã ghi âm hơn 56 tỷ đồng. Không chịu lỗ tỷ giá lớn như năm ngoái, các loại chi phí khác cũng giảm khá mạnh, nhưng cũng không đủ bù lại. Quý 3 Vosco lỗ hơn 110 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm lên gần 237 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản cuối kỳ còn gần 4.300 tỷ đồng, giảm 330 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Còn Nosco, dự đoán trước tình hình kinh doanh khó khăn, năm 2016 đặt mục tiêu lỗ khoảng 450 tỷ đồng. Với khoản lỗ 200 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm, thì việc Nosco báo lỗ 37 tỷ đồng quý 3 năm nay được xem là con số lỗ khá nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, xét trên phương diện doanh thu quý 3 của Nosco chỉ chưa đến 32 tỷ đồng, thì việc công ty lỗ 37 tỷ đồng cũng là con số lớn khi một đồng doanh thu gánh chịu đến hơn 1 đồng lỗ. Lũy kế 9 tháng doanh thu chưa đến 108 tỷ đồng nhưng lỗ đã 237 tỷ đồng. Kết quả này đã nâng tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của công ty lên -3.300 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện âm 3.045 tỷ đồng.

Nhóm ngành nhiệt điện - ngành gánh chịu nhiều rủi ro về tỷ giá dù năm nay tỷ giá đã ổn định. Toàn bộ 500 triệu cổ phiếu HND của Nhiệt điện Hải Phòng vừa chính thức giao dịch trên UpCOM từ đầu tháng 10 vừa qua. Và mối lo lớn nhất của các nhà đầu tư đối với doanh nghiệp này là tỷ giá khi mà dư nợ vay của công ty lên đến trên 11.400 tỷ đồng trong đó có hơn 9.500 tỷ đồng vay dài hạn chủ yếu bằng ngoại tệ USD hoặc JPY.

Quý 3/2016, Nhiệt điện Hải Phòng (HND) hạch toán 78 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay 180 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu sụt giảm do sản lượng điện thực phát thấp hơn cùng kỳ 89 triệu KWh, đồng thời giá điện bình quân cũng thấp hơn. Kết quả, quý 3 HND lỗ hơn 192 tỷ đồng. Con số này đã giảm đáng kể so với số lỗ 440 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ kết quả khả quan 2 quý đầu năm, mà lũy kế 9 tháng Nhiệt điện Hải Phòng thoát lỗ, vẫn lãi hơn 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 140 tỷ đồng.

Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh với doanh thu giảm sút 29% do sản lượng điện sản xuất giảm mạnh 23% so với cùng kỳ; giá bán điện cũng giảm mạnh. Nhiệt điện Phả Lại cũng phải chịu khoản lỗ tỷ giá 89 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với 244 tỷ đồng gánh chịu cùng kỳ năm 2015. Dù doanh thu sụt giảm nhưng các chi phí khác cũng giảm nhiều, đặc biệt là chi phí lãi vay, nên quý 1 Nhiệt điện Phả Lại thoát lỗ, lãi ròng vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 2 quý đầu năm lỗ lớn nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, Nhiệt điện Phả Lại vẫn chịu lỗ 348 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản còn 10.053 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Dù kết quả kinh doanh chung ngành thủy sản quý 3 vừa rồi khả quan, nhưng Anvifish (AVF) lại báo lỗ lớn quý 3 lên đên 448 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ lớn quý 3 là công ty gánh khoản lỗ khác lên đến 430 tỷ đồng. Đây là khoản kết chuyển mục tài sản thiếu chờ xử lý vào chi phí phát sinh trong kỳ làm cho AVF lỗ nặng,. Khoản tài sản thiếu này phát sinh từ quý 4/2014.

Lũy kế 9 tháng đầu năm AVF lỗ gần 500 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 9/ư2016 lên gần 1.700 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 1.237 tỷ đồng.

Danh sách các doanh nghiệp báo lỗ quý 3 hiện đã kéo dài với trên 30 doanh nghiệp góp mặt.

Xuân Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên