Điểm đến Việt Nam được vinh danh "hàng đầu châu Á", nằm trên 3 tỉnh, du khách nhận xét đẹp như nước ngoài
Vượt qua nhiều ứng cử viên là những cái tên từ nước ngoài, địa điểm này được vinh danh là "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2024".
- 06-09-2024Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp lọt tốp điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á
- 29-08-20241 điểm đến dự kiến thu vào ít nhất 1,4 tỷ VNĐ nhờ 4.500 khách Ấn Độ: Cách Hà Nội chỉ hơn 2h đi ô tô, được quốc tế khen ngợi hết lời
- 27-08-2024Việt Nam có 1 địa danh nổi tiếng được Tạp chí Mỹ vinh danh là điểm đến an toàn nhất thế giới khi du lịch 1 mình: Toàn điểm check in triệu view, hút hơn 2,3 triệu lượt khách từ đầu năm
Những điểm đến Việt Nam ngày càng chứng minh được sức hút của mình không chỉ ở việc đón nhiều đoàn khách nước ngoài, mà còn dành được nhiều giải thưởng từ các tổ chức, chuyên trang uy tín quốc tế. Ví dụ như vào đầu tháng 9 vừa qua, một cái tên Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký khác trong khu vực, trở thành "Vườn quốc gia hàng đầu Châu Á năm 2024" (Asia's Leading National Park 2024) do Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh.
Địa điểm này vốn không quá xa lạ với các du khách Việt Nam, sở hữu diện tích rộng lớn, trải dài trên 3 tỉnh thành. Và năm nay cũng là lần thứ 6 liên tiếp kể từ năm 2019, cái tên này nhận được giải thưởng danh giá từ giải thưởng được ví như Oscar của du lịch thế giới. Đây là Vườn quốc gia Cúc Phương.
Sau khi thông tin này được đăng tải trên mạng xã hội hay các diễn đàn, nhiều du khách đã phải trầm trồ bởi khung cảnh rừng Cúc Phương đẹp không thua kém gì các điểm đến nước ngoài.
Trên trang chủ của mình, Vườn quốc gia Cúc Phương được giới thiệu nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 120km về phía Nam, lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp. Được thành lập ngày 7/7/1962, đây cũng chính là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Như đã nói ở trên, diện tích rộng lớn lên tới 22.408ha của toàn bộ khu vực Vườn Quốc gia được trải dài trên địa bàn 3 tỉnh, đó là Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Cụ thể, ở tỉnh Ninh Bình, vườn thuộc xã Cúc Phương, một phần xã Kỳ Phú, Văn Phương, Yên Quang - huyện Nho Quan.
Ở Thanh Hóa chủ yếu là núi đá vôi, núi đất, thung lũng tại các xã Thạch Lâm, Thạch Yên, Thành Mỹ và Thành Yên - huyện Thạch Thành. Còn ở tỉnh Hòa Bình là toàn bộ rừng núi đá vôi tại các xả Lạc Thịnh, Yên Lạc, Phú Lai, Yên Trị, Ngọc Lương - huyện Yên Thủy; và xã Yên Nghiệp, Ân Nghĩa - huyện Lạc Sơn.
Cổng chính của Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm ở huyện Nho Quan, Ninh Bình. Tuy nhiên du khách muốn tới đây, xuất phát từ nhiều địa phương khác nhau, vẫn có thể vào bằng những cổng phụ, con đường khác. Đường vào vườn nhìn chung dễ đi, thuận lợi cho mọi phương tiện từ xe máy, ô tô hay xe khách...
Hiện nay, giá vé cho du khách tới thăm Cúc Phương là 60.000 đồng/người lớn và 10.000 đồng/trẻ em (từ lớp 1 đến lớp 11). Trẻ dưới 6 tuổi thì sẽ được miễn phí vé. Ngoài ra với những đoàn du khách đông người có thể liên hệ đặt vé sớm với số lượng lớn, đi kèm các dịch vụ ăn uống để nhận được ưu đãi tốt hơn.
Theo bảng thống kê xuất hiện trực tiếp trên trang chủ của vườn, mỗi tháng, nơi này đón từ 100.000 - 200.000 khách. Con số này thể hiện, Vườn Quốc gia Cúc Phương vẫn là điểm đến thu hút với du khách cả trong và ngoài nước, ở mọi lứa tuổi.
Trải dài trên diện tích rộng lớn, Vườn Quốc gia Cúc Phương sở hữu hệ sinh thái động, thực vật đa dạng cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Du khách tới đây sẽ được tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành và hòa mình vào không khí bản địa với các hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng...
1. Trekking rừng nguyên sinh
Đầu tiên không thể bỏ qua trải nghiệm trekking, đi bộ khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, mênh mông ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ban quản lý Vườn Quốc gia đã chủ động xây dựng nhiều tuyến đi bộ với lịch trình, nội dung và thời gian khác nhau. Từ đó du khách có thể lựa chọn dựa trên sở thích, nhu cầu cũng như điều kiện sức khỏe cá nhân.
Ví dụ như nhiều tuyến đi bộ đường ngắn, đường bằng, du khách có thể tự khám phá. Hay có những tuyến đường dài, đường cheo leo, khó đi hơn, đòi hỏi du khách cần có sức khỏe dẻo dai và sự hướng dẫn của các dẫn viên. Có những tuyến thậm chí kéo dài vài ngày, du khách có thể cắm trại và ngủ đêm trong rừng.
2. Xem động vật hoang dã
Vườn Quốc gia Cúc Phương còn sở hữu nhiều loài động vật, trong đó có cả những động vật hoang dã thuộc dạng quý hiếm. Vì vậy sẽ thật thiếu sót nếu như du khách không trải nghiệm tận mắt nhìn thấy chúng bằng xương, bằng thịt ngoài đời. Thực tế, trong hành trình trekking rừng nguyên sinh, những du khách may mắn có thể vô tình bắt gặp nào những loài chim, loài bướm, các loài bò sát, lưỡng cư...
Đặc biệt hơn, du khách có thể đăng ký tham gia trải nghiệm "Xem động vật hoang dã về đêm" được tổ chức gần đây tại Cúc Phương. Ban quản lý Vườn Quốc gia cho biết, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mà hoạt động này sẽ được tổ chức hàng tuần.
Du khách sẽ được đi cùng các hướng dẫn viên, nhân viên của vườn, đi sâu vào trong rừng để có cơ hội nhìn thấy các loài động vật tưởng như chỉ có thể thấy qua màn ảnh. Ví dụ như sóc đen, sóc bay, hoẵng, culi và một số loài thú ăn thịt nhỏ...
Tour ngắm động vật hoang dã về đêm đem tới trải nghiệm mới lạ cho du khách (Ảnh ST)
3. Chèo thuyền, đạp xe
Trong quần thể Vườn Quốc gia Cúc Phương có 2 hồ phù hợp để du khách trải nghiệm chèo thuyền, đó là hồ Mạc và hồ Yên Quang. Vừa chèo thuyền, du khách có thể thư giãn, hít thở bầu không khí trong lành, lắng nghe những âm thanh sống động nhất từ thiên nhiên. Với những du khách muốn thử thách bản thân hơn, có thể lựa chọn thuê xe đạp địa hình để tự mình rong ruổi, khám phá Vườn Quốc gia.
4. Tham gia loại hình du lịch cộng đồng
Cuối cùng, du khách hãy dừng chân tại những ngôi nhà ở bản Mường để tham gia vào các hoạt động mang đậm nét du lịch cộng đồng tại đây. Chỉ với 1-2 đêm nghỉ, du khách có thể được thưởng thức những món đặc sản do chính người bản địa chế biến, tham gia vào hoạt động sản xuất, hay hết mình trong những điệu múa, bài ca giàu tính truyền thống của bà con nơi đây.
Đây cũng là một trong những hoạt động được BQL Vườn Quốc gia Cúc Phương đẩy mạnh với mong muốn quảng bá, phát huy và bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng núi nói chung và văn hóa dân tộc Mường nói riêng.
Đời sống và Pháp luật