Điểm hot du lịch Việt, khách 'đỏ mắt' tìm chỗ chơi đêm
Ngành du lịch Đà Nẵng đang ở mức báo động khi liên tục sụt giảm số ngày lưu trú cũng như mức chi tiêu của du khách. Một trong những nguyên nhân “cốt tử” dẫn đến tình trạng này chính là khoảng trống lớn của kinh tế ban đêm.
Mang tiếng “thủ phủ” du lịch
Tour đi thuyền trên sông Hàn ngắm cảnh, ăn tối và nghe nhạc là một trong những nét đặc sắc được các công ty du lịch giới thiệu với khách khi tới Đà Nẵng. Dù là một trong những điểm khác biệt so với các địa phương khác song tour du lịch này mới chỉ dừng lại ở hình thức đi xem nghe, chưa có nhiều trải nghiệm và hấp dẫn du khách.
Lên bờ sau tour du lịch trên sông Hàn, du khách tỏ ra hụt hẫng bởi chương trình buổi tối kết thúc quá sớm. Những người lần đầu đến Đà Nẵng đều quá bất ngờ, tự hỏi “sao thủ phủ du lịch miền Trung lại quá buồn tẻ về đêm?”. Còn khách đến Đà Nẵng nhiều lần sẽ rút kinh nghiệm, chỉ chơi ban ngày, đêm lại chạy về Hội An.
Ngoài chiếc cầu quay độc đáo chỉ được vận hành về đêm, ngoài những đêm pháo hoa quốc tế hoành tráng thì Đà Nẵng có gì mỗi khi màn đêm buông xuống?
Đà Nẵng ít các hoạt động về đêm cho du khách
Thực tế, Đà Nẵng đã có quan tâm đến phát triển du lịch về đêm. Năm 2018, Đà Nẵng đã đưa chợ đêm Sơn Trà đi vào hoạt động. Với tổng kinh phí đầu tư 4,2 tỷ đồng, chợ đêm Sơn Trà Đà Nẵng được UBND quận Sơn Trà xây dựng theo mô hình phố đi bộ kết hợp mua sắm đồ lưu niệm, thưởng thức ẩm thực Đà Nẵng.Đây là một câu hỏi lớn, một khoảng trống khó lấp đầy nếu không có quyết tâm cao, nhận thức rõ ràng để đêm thành phố như là một phần tất yếu của cuộc sống đô thị. Và vấn đề lớn hơn là phải biết cách tổ chức để thực hiện.
Chợ có quy mô gần 200 gian hàng, với cách bài trí gồm: khu ẩm thực, khu hàng lưu niệm, mỹ nghệ, thời trang, trang sức, đồ lưu niệm. Thời gian hoạt động từ 18 giờ đến 24 giờ hằng đêm.
Tuy nhiên, theo nhiều du khách, những món đồ được bày bán ở chợ đêm còn khá nghèo nàn. “Tôi đến đây với hy vọng sẽ mua được món đồ gì đó đặc trưng của Đà Nẵng để làm kỷ niệm, nhưng đồ bày bán ở đây khá đại trà, cũng giống như ở chợ Hàn mà tôi đã ghé hay giống ở Hội An, thành phố Huế mà tôi đã đi qua... ”, một du khách nhận xét.
Khảo sát các địa điểm vui chơi giải trí về đêm tại Đà Nẵng thì thấy, phần lớn vẫn do người dân tự xây dựng và quản lý, hình thành những khu phố đan xen các dịch vụ như ăn uống, cà phê, karaoke,...
Do tự phát dẫn tới nhiều khu vực kinh doanh gây ảnh hưởng tới cộng đồng cư dân. Đơn cử như hoạt động karaoke, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ra văn bản gửi các ban ngành, quận huyện yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng mở nhạc âm lượng lớn, hát karaoke gây ồn trong đô thị và khu dân cư.
Theo cơ quan chức năng, trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 16 cơ sở kinh doanh bar, pub, vũ trường có quy mô lớn, thường xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật như: gây rối, đánh nhau, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, hoạt động khuya quá thời gian quy định, tụ tập gây ồn ào...
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra tại các bar, pub, vũ trường phải khởi tố hình sự, xử lý vi phạm hành chính. Một số trường hợp khác vi phạm về kinh doanh quá giờ, gây ồn ào, mất trật tự đã bị công an các đơn vị, địa phương xử lý hành chính.
Khó giữ chân du khách
John, du khách đến từ Manchester, Anh đang du lịch ở Đà Nẵng, cho biết, ở Anh hay các nước châu Âu, mọi người có thể đi chơi thêm sau 12h đêm, nhưng tại Đà Nẵng hầu như các hàng quán đều đóng cửa trước 11h đêm. "Thực sự cuộc sống của chúng tôi ngày nào cũng như ngày nào: sáng đi tắm biển, rồi tối đi ăn hải sản, dạo lòng vòng phố phường vài chục phút rồi lại về khách sạn. Có sông Hàn, nhiều cây cầu đẹp, nhưng không thể tối nào cũng chỉ ngắm cầu, ngắm sông", John nói.
Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch biển Vinacapital, cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch của Đà Nẵng còn rất lớn, tuy nhiên, TP đang thiếu các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như các chương trình biểu diễn nghệ thuật có quy mô lớn, đặc sắc nhằm thu hút và giữ chân du khách.
Đà Nẵng vẫn thiếu các loại hình du lịch về đêm |
Vấn đề này đã được đề cập rất nhiều lần, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. “Tôi cho rằng, khách du lịch khi đến bất cứ điểm tham quan nào cũng quan tâm đến việc sẽ ăn món gì, tham quan chỗ nào, vui chơi ở đâu. Rõ ràng, Đà Nẵng chưa đáp ứng được những nhu cầu này và thành phố chưa thành công trong việc “móc hầu bao” của du khách”, ông cho hay.
Theo ông Phúc, thành phố cần bổ sung vào quy hoạch phát triển du lịch và đẩy mạnh hơn nữa kêu gọi đầu tư bài bản các phố đi bộ, chợ đêm, hình thành không gian hoạt động du lịch cộng đồng, khu vui chơi giải trí về đêm quy mô, tách biệt với khu dân cư.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel, nói thẳng: Các thành phố du lịch tại VN đang đầu tư hoàn toàn vào những sản phẩm ban ngày, trong khung từ 7-20 giờ mà quên mất rằng sản phẩm về đêm mới chính là điều khách cần, là các dịch vụ có thể “hốt bạc”. Ước tính, khoảng 70% nguồn thu từ du lịch đến từ các sản phẩm về đêm và đang bị bỏ phí do chưa biết cách khai thác.
Để cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách nhiều hơn, TP. Đà Nẵng cần nỗ lực hơn nữa trong việc đầu tư, phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng, giao thông, tạo thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm, đồng thời kết nối các điểm du lịch miền Trung và quốc tế, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX (diễn ra từ 9-11/7/2019), ông Trần Chí Cường, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cảnh báo: du lịch được cho là mũi nhọn của Đà Nẵng nhưng doanh thu đang có xu hướng tăng chậm.
Ông Trần Chí Cường nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tiếp tục tăng, nhưng mức chi tiêu bình quân giảm (từ 5,22 triệu đồng xuống còn 4,652 triệu đồng); ngày lưu trú bình quân cũng giảm (từ 3 ngày xuống còn 2,7 ngày); doanh thu của các dịch vụ lưu trú và lữ hành thấp.
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, 8 tháng đầu năm, số ngày lưu trú bình quân của 1 lượt khách quốc tế trên địa bàn TP chỉ 1,84 ngày và khách trong nước là 1,68 ngày, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, chỉ sau 2-3 tháng, số ngày lưu trú bình quân của 1 lượt khách quốc tế tại Đà Nẵng giảm từ 2,7 ngày xuống còn 1,84 ngày; số ngày lưu trú bình quân của khách nội địa cũng giảm. Đây thực sự là những con số đáng báo động!
Vietnamnet