MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất

08-11-2019 - 10:40 AM | Doanh nghiệp

Mặc dù Shark Việt phải thừa nhận, Thương vụ bạc tỷ mùa 3 bị lạm phát giá, các startup bị "ngáo giá" và hô các con số định giá doanh nghiệp quá cao song tổng kết lại vẫn có 28/43 thương vụ được cam kết đầu tư thành công.

Có 3 thương vụ thẩm định thành công trong thời gian ngắn là Triip (được ký kết sau 30 ngày lên sóng khiến Shark Nguyễn Thanh Việt đang từ nhà đầu tư thận trọng thành cá mập ký kết thần tốc); Mạng xã hội du lịch Astra do Shark Hưng cam kết đầu tư được thẩm định và ký kết đầu tư sau 3 ngày lên sóng; Công ty về đồ gia dụng Perfect, "hậu duệ" của thương hiệu đình đám một thời được Shark Bình ký kết đầu tư 1,2 triệu USD dưới dạng cho vay sau 48 ngày lên sóng.

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 1.

Cùng điểm mặt lại các thương vụ chốt deal thành công của Shark Tank mùa 3.

Luxstay – Màn gọi vốn lịch sử lớn nhất Shark Tank Việt Nam

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 2.

Thương vụ gọi vốn thành công 6 triệu USD của Luxstay là thương vụ lập nhiều kỷ lục nhất lịch sử Shark Tank: thương vụ gọi vốn thành công lớn nhất, xuất hiện trên sóng truyền hình lâu nhất (50 phút), thương vụ duy nhất có cá mập xuống đồng hành gọi vốn gây ra làn sóng tranh cãi trên cộng đồng mạng và là thương vụ nhận nhiều offer phức tạp nhất.

Đến Shark Tank gọi vốn để thực hiện giấc mơ "kỳ lân", Luxstay của Nhà sáng lập Nguyễn Văn Dũng đã nhận được cái bắt tay lần lượt với cả ba nhà đầu tư Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn Ngọc Thủy và Phạm Thanh Hưng. Trở thành startup đầu tiên của Shark Tank nhận được cam kết đầu tư lên đến 6 triệu USD, trong đó gồm 3 triệu USD pre-money và 3 triệu USD quyền mua round sau.

Tuabin gió – Nhà khoa học muốn cải tạo thế giới tìm được người đồng hành tại Shark Tank

Có thể nói, nhà sáng chế Lại Bá Ất chính là startup có màn gọi vốn khiến "cá mập" choáng váng nhất Shark Tank mùa 3 bởi con số 6 triệu USD cho 5% cổ phần công ty. Nhà sáng chế 56 tuổi đến gọi vốn với mong mỏi tìm được người đồng hành giúp sản xuất tuabin gió cải tạo thế giới. Đối mặt với nguy cơ phải dừng nghiên cứu vì bị cạn vốn sau 9 năm, ông Lại Bá Ất đã được Shark Nguyễn Thanh Việt cam kết tài trợ 6 triệu USD. 

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 3.

Founder Lại Bá Ất

Perfect – "Startup cô đơn" được ‘Shark tri kỷ’ hỗ trợ 28 tỷ đồng không lấy cổ phần

Gầy dựng lại thương hiệu của gia đình từ đống tro tàn, nhà sáng lập Nguyễn Đình Minh – "Hậu duệ" của thương hiệu đình đám một thời Pefect đến Shark Tank để kêu gọi 1,2 triệu USD cho 15% cổ phần với mong mỏi một lần nữa đủ tiềm lực quay lại chinh phục thị trường Mỹ. Nhờ ý chí gầy dựng lại sự nghiệp của gia đình, Nguyễn Đình Minh đã thành công chinh phục Shark Nguyễn Hòa Bình rót vốn không lấy cổ phần với thỏa thuận đầu tư 1,2 triệu USD dạng cho vay, chia 25% lợi nhuận/ năm trong 10 năm để chắp cánh mang thương hiệu Perfect phát triển ra toàn cầu.

Nhận xét về khoản đầu tư này, Shark Bình thừa nhận tâm đắc vì có "lợi ích kinh tế".

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 4.

Astra – Nền tảng du lịch đầu tiên trả thưởng cho người dùng gọi vốn 1 triệu USD tại Shark Tank

Thương vụ đình đám 1 triệu USD thuộc về dự án Mạng xã hội du lịch Astra của nhà sáng lập Nguyễn Tiệp. Gửi đến nhà đầu tư lời mời 1 triệu USD cho 10% cổ phần với tham vọng chiếm 5% thị phần du lịch online toàn cầu, và trở thành một trong những công ty công nghệ du lịch hàng đầu thế giới và khu vực trong vòng 5 năm tới. Với các con số mới chỉ dừng lại ở sự giả định nhưng giấc mơ lớn đi kèm tham vọng lớn, Astra của Nguyễn Tiệp đã thành công thuyết phục Shark Hưng gật đầu rót vốn 1 triệu USD cho 15% cổ phần, trong đó 150 nghìn USD cho 5%, 800 nghìn USD cho 10% cổ phần còn lại.

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 5.

Thương vụ được ký kết sau 3 ngày lên sóng

Telepro – Gọi vốn 1 triệu USD, nền tảng uber cho tele marketing khiến hai "cá mập" tranh nhau đầu tư

Kêu gọi 1 triệu USD cho 20% cổ phần công ty, nền tảng kết nối chăm sóc khách hàng qua điện thoại cho các doanh nghiệp Telepro đã thành công lôi kéo được sự chú ý từ hai "cá mập" Đỗ Liên và Dzung Nguyễn. Đối mặt với hai lời đề nghị, một sẽ có tiền ngay và một là dòng tiền đến từ tương lai, nhà sáng lập Telepro đã quyết định bắt tay cùng Shark Dzung Nguyễn khi "cá mập công nghệ" đồng ý thay đổi offer 300 nghìn USD cho 15%, rót thêm 700 nghìn USD theo KPI, giúp startup xây dựng nên một giấc mơ to lớn hơn so với số tiền 1 triệu USD hiện tại.

Revex – Nền tảng mua chung bất động sản được rót 1 triệu USD

Là nền tảng công nghệ đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình mới trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, mặc dù công ty mới thành lập, sản phẩm chưa ra thị trường nhưng hai nhà đồng sáng lập Tuấn Việt – Quốc Hưng vẫn thành công chinh phục Shark Phạm Thanh Hưng đầu tư vào Revex. Với 1 triệu USD đổi lấy 25% cổ phần, nhà đầu tư sẽ đem đến cho startup những đòn bẩy vững chắc trong hệ sinh thái cùng phát triển mối quan hệ với các chủ đầu tư. 

eDoctor – Nền tảng công nghệ y tế 4.0 được rót vốn vượt mong đợi từ ba "cá mập"

Ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp với nền tảng công nghệ y tế eDoctor dựa trên uớc mơ "Việt Nam khỏe mạnh hơn, chăm sóc sức khỏe chủ động hơn", nhà sáng lập Vũ Thanh Long đến Shark Tank để kêu gọi 500 nghìn USD cho 10% cổ phần nhằm giúp dự án scale up nhanh hơn. Sau màn thương thuyết đầy cân não, eDoctor đã nhận được số vốn vượt cả mong đợi 700 nghìn USD cho 21,8% cổ phần từ ba Shark Dũng, Bình và Việt. 

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 6.

R2Y – Mô hình sản xuất máy ép kính được rót vốn 15 tỷ đồng tại Shark Tank

Đến Shark Tank kêu gọi 15 tỷ đổi lấy 8% cổ phần công ty chuyên sản xuất và cung cấp máy ép kính trên toàn quốc R2Y. Dù các con số định giá, doanh số dự kiến mà startup đưa ra bị các "cá mập" nhận xét chưa đủ thuyết phục nhưng phút chót, R2Y vẫn được Shark Đỗ Liên đầu tư 15 tỷ đổi lấy 49% cổ phần vì muốn lan tỏa tinh thần vượt khó của Founder Nguyễn Hữu Đức. Bởi mục đích chính để startup thành lập doanh nghiệp chính là đào tạo, tạo ra công ăn việc làm ổn định cho những người thiếu may mắn.

Miin – Ứng dụng bán bảo hiểm tình yêu được hai "cá mập" 8x rót nửa triệu USD

Đem đến Shark Tank một sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm công nghệ, nhà sáng lập Miin - Nguyễn Bảo Trọng có màn thuyết trình nhiều thách thức. Nhận định mô hình công nghệ trong bảo hiểm và sẽ trở thành xu thế tiềm năng nên Miin được Shark Thủy và Shark Dzung bắt tay kết nạp vào hệ sinh thái với số tiền đầu tư 500 nghìn USD đổi lấy 25% cổ phần.

Triip –  Nửa triệu USD đầu tư vào giấc mơ ứng dụng du lịch blockchain lớn nhất thế giới

Một trong những thương vụ đình đám của Shark Tank mùa 3 thuộc về cú bắt tay của Shark Nguyễn Thanh Việt với Hải Hồ - CEO và đồng sáng lập của Triip. Đến Shark Tank kêu gọi thêm 500 nghìn USD để dìu dắt doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xây dựng ứng dụng blockchain du lịch lớn nhất thế giới, Hải Hồ đã có màn thương lượng đỉnh cao khiến nhà đầu tư từ 20% cổ phần muốn sở hữu phải chấp nhận nhún nhường startup ở ngưỡng 6,6% cổ phần.

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 7.

Shark Việt nhanh chóng ký kết đầu tư với Triip

MathMap Academy - Dàn founder 9x gây ấn tượng vì huy động vốn "siêu lẻ" tại Shark Tank

Màn gọi vốn siêu chính xác đến hàng đơn vị cùng phần gọi vốn được chuẩn bị bài bản của 5 nhà sáng lập của Học viện toán sơ đồ - MathMap Academy đã thuyết phục Shark Nguyễn Ngọc Thủy phải xuống tiền đầu tư con số "siêu lẻ" 9 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng, trong đó 4 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng cho 20%, 5 tỷ còn lại rót dưới dạng trái phiếu chuyển đổi có điều kiện.

Làng chài – Startup gìn giữ làng nghề truyền thống làm lay động "cá mập U60"

Thương vụ để lại nhiều cảm xúc nhất Shark Tank mùa 3 là màn gọi vốn của startup Thuỳ Trang – Giám đốc điều hành của dự án Làng Chài Xưa. Kêu gọi 10 tỷ đồng cho 5% cổ phần, Thuỳ Trang bày tỏ mong muốn có được sự chung tay, đồng hành từ các nhà đầu tư của Shark Tank để cùng bảo vệ các dự án nhân văn, giữ gìn làng nghề truyền thống nước mắm Việt Nam. Cuối cùng, nữ CEO đã nhận được cái bắt tay từ Shark Đỗ Liên với lời cam kết đầu tư 10 tỷ cho 15% cổ phần.

Lamita – Nữ CEO dùng năng lượng tích cực chinh phục "bà ngoại U60"

Thương vụ gọi vốn đáng chú ý tiếp theo đến từ nữ startup Thùy Linh - CEO & Founder của Lamita Dance Fitness. Kêu gọi 10 tỷ cho 20% cổ phần, để truyền tải nguồn cảm hứng, tạo dựng một cộng đồng vui vẻ, hạnh phúc và thành công, Lamita được hai Shark Đỗ Liên và Phạm Thanh Hưng gật đầu rót vốn vào với cam kết đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần.

Vufood - Hệ thống bán hàng tự động áp dụng IOT "Made in Vietnam"

Lê Tuấn Vũ - Founder & CEO của công ty cổ phần giải pháp kinh doanh Lê Vũ cùng các cộng sự đến Shark Tank với lời mời chào 350 nghìn USD cho 10% cổ phần máy pha chế tự động Vufood. Nhận định ứng dụng có thể áp dụng để triển khai cho nhiều dự án khác dù vẫn đang ở giai đoạn chưa bùng nổ được, Shark Hưng cam kết rót vốn 350 nghìn USD cho 36% cổ phần của Vufood cùng cam kết trong 3 năm không tăng thêm phần vốn rót, và nhà đầu tư chấp nhận exit bất cứ thời điểm nào nếu lợi nhuận của startup đạt được 200% sau mỗi năm.

Việc Có – Startup khiến "cá mập" đại chiến liên tục quăng offer tranh giành đầu tư

Dự án Việc Có của hai nhà đồng sáng lập Nguyễn Sơn Tùng – Phan Xuân Cảnh vừa xuất hiện đã thu hút được sự chú ý từ nhà đầu tư bởi ý tưởng kết nối hàng triệu người lao động ngắn hạn với doanh nghiệp sao cho đơn giản và thông minh. Sau những màn đôi co, tranh giành gây cấn giữa các "cá mập" thì Shark Dzung Nguyễn chính là người về đích, bắt tay đầu tư vào Việc Có với 300 nghìn USD dạng trái phiếu chuyển đổi, discount 20% cho vòng gọi vốn sau kèm điều kiện Cap 2,5 triệu USD, qualify round 1 triệu USD.

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 8.

Hai founder của ViecCo

Green Joy Straw – Nữ CEO uớc mơ "biến cỏ thành tiền" khiến Shark "yêu từ cái nhìn đầu tiên"

Khởi nghiệp xuất phát từ mong muốn lan tỏa tinh thần sống xanh và phát triển bền vững đến cộng đồng, Nguyên Võ - Founder & CEO của dự án ống hút cỏ Green Joy Straw trở thành startup đầu tiên tại Shark Tank được cả ba "cá mập" tung hết các thủ thuật "chiêu dụ". Green Joy Straw cũng là dự án đầu tiên nhận deal nhanh kỷ lục của Shark Tank vì có được nhà đầu tư tuyên bố chốt deal trong khi startup vẫn chưa xong phần thuyết trình. Kết thúc cuộc thương lượng, Nguyên Võ đã gật đầu nhận đầu tư 4 tỷ đồng cho 33% cổ phần từ Shark Đỗ Liên.

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 9.

Guốc Việt -  Người đàn bà câm vượt sóng gió bảo tồn Guốc Việt đến Shark Tank gọi 6 tỷ đồng

Câu chuyện của Phạm Như Hoa– CEO Guốc Việt trong tập 4 đã làm lay động trái tim nhiều khán giả của Shark Tank mùa 3. Đến Shark Tank kêu gọi 6 tỷ đồng đầu tư để một lần nữa thực hiện giấc mơ đem Guốc Việt tiến xa ra thế giới, Phạm Như Hoa đã gặp được "phép màu" đến từ Shark Nguyễn Thanh Việt khi ông đưa ra lời đề nghị đầu tư 2 tỷ đồng lấy 50% cổ phần, còn 4 tỷ đồng cam kết đầu tư tiếp.

Behome – Startup thuộc cộng đồng LGBT đầu tiên ghi dấu ấn đặc biệt tại Shark Tank Việt Nam

Lê Tiểu Luân là nhà sáng lập đến từ cộng đồng LGBT đầu tiên xuất hiện gọi vốn tại chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ. Nữ founder đã gây nên cơn chấn động trên các trang mạng xã hội và được nhắc đến với dự án Be Home trong suốt thời gian dài. Mô hình cung cấp chuỗi khách sạn, nhà nghỉ giá rẻ tại Phú Quốc – Behome do Lê Tiểu Luân sáng lập đã được Shark Đỗ Liên đầu tư 5 tỷ cho 30% cổ phần.

Dalat foodie – Gọi vốn khởi nghiệp với thực phẩm hữu cơ, "mẹ bỉm sữa"được cả cộng đồng ủng hộ

Khởi nghiệp xuất phát từ sự đồng cảm với nỗi trăn trở chung của các "mẹ bỉm sữa" về sự an toàn, sức khỏe con cái kể từ khi còn trong bụng mẹ, Đỗ Phan Hoàng Sương – Founder công ty TNHH Dalat Foodie Việt Nam chiếm được rất nhiều cảm tình của người xem. Sự chân thành, nhiệt huyết cùng một mục tiêu khởi nghiệp rõ ràng đã giúp nữ startup đã thành công kêu gọi 5 tỷ cho 20% cổ phần đầu tư từ Shark Nguyễn Thanh Việt.

Printgo – nền tảng thiết kế in ấn trực tuyến 4.0 khiến "cá mập" phải lập liên minh tranh giành

Thương vụ nhận được nhiều sự chú ý tiếp theo là màn gọi vốn của Nguyễn Tuấn Anh – CEO nền tảng thiết kế in ấn trực tuyến Printgo. Được đánh giá cao về ý tưởng lẫn tiềm năng thị trường, Printgo được cả 4 Shark đưa ra đề nghị đầu tư. Cuối cùng, Nguyễn Tuấn Anh đã đồng ý bắt tay với Shark Liên và Shark Bình ở ngưỡng 5 tỷ đổi lấy 30% để giúp startup cất cánh thực hiện tham vọng làm được điều gì đó để thay đổi ngành in ấn Việt Nam.

Damacca - CEO 9x gọi 5 tỷ đồng để tiếp nối truyền thống trồng Mắc ca của gia đình

Mùa 3 Shark Tank còn có sự xuất hiện của nữ CEO 9x Nguyễn Thị Thu Phương – người đầu tiên mang sản phẩm Mắc ca Đắk Lắk đến với người tiêu dùng trong cả nước. Kêu gọi đầu tư để mở rộng sản xuất, chứng minh nông sản Việt Nam không thua kém các nước khác trên thế giới, Damacca đã lọt vào "mắt xanh" của Shark Nguyễn Ngọc Thủy với con số đầu tư 5 tỷ cho 36% công ty.

Edu2review - Nền tảng giáo dục công nghệ khiến được đầu tư bởi hai "cá mập" công nghệ

Gây ấn tượng với các nhà đầu tư bởi tính cách dứt khoát, quyết liệt, Hồ Đức Hoàng – Giám đốc & Co-founder Edu2Review nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của hai Shark Nguyễn Hòa Bình và Nguyễn Mạnh Dũng. Khát vọng muốn dùng công nghệ để nâng tầm giáo dục Việt Nam phấn đấu biến Edu2Review trở thành Edtech Unicorn vào năm 2024, nhà sáng lập đã nhận được sự hỗ trợ từ hệ sinh thái của NextTech của Shark Bình lẫn sự cố vấn của Shark Dzung Nguyễn với tổng 200 nghìn USD kèm điều kiện đi kèm.

Liberzy - Ứng dụng du lịch gọi vốn thành công bởi founder dám bán nhà để khởi nghiệp

Với nhiều năm kinh nghiệm về điều hành và mảng kế toán - kiểm toán, Trương Đức Thắng -  nhà sáng lập mạng xã hội du lịch Liberzy thể hiện sự hiểu biết về đầu tư. Dù không đánh giá quá cao mô hình kinh doanh của Liberzy nhưng cảm nhận được sự thông minh, ý chí khởi nghiệp của chính con người nhà sáng lập nên Shark Dzung Nguyễn đã quyết định đầu tư 110 nghìn USD đổi lấy 40% của Liberzy.

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 10.

Tối nay ăn gì – Startup đầu tiên tại Shark Tank dám bắt tay cá cược với nhà đầu tư

Xuất hiện tại Shark Tank, ý tưởng kinh doanh giúp những người phụ nữ hiện đại vừa đảm đương công việc ngoài xã hội vừa chu toàn việc nhà của Lê Thị Thùy Linh – Founder ứng dụng Tối nay ăn gì khiến nhà đầu tư mới và cũ bất đồng quan điểm về tầm nhìn thị trường. Do đó, dù được Shark Việt gật đầu rót vốn 2,5 tỷ đồng cho 36% cổ phần thì startup vẫn bị Shark Bình hoài nghi về khả năng thành công. Vì vậy, nhà sáng lập Tối nay ăn gì đã bắt tay cá cược với Chủ tịch Tập đoàn NextTech trước sự chứng kiến của 4 nhà đầu tư khác về sự thành công của mình.

Boom Potty – Sáng chế bô rửa cải tiến đa năng của "ông bố bỉm sữa" được đầu tư 2,5 tỷ đồng

Chăm con nảy ra ý tưởng khởi nghiệp, Lê Đức Thắng – Founder & CEO Boom Potty kêu gọi 2,5 tỷ đồng với mong muốn nhân rộng sản phẩm giúp đỡ nhiều bà mẹ khác trong việc chăm sóc con cái. Sản phẩm Boom Potty sớm sớm chiếm được cảm tình của "cá mập" Đỗ Liên, "bà ngoại U60" đồng ý đầu tư 2,5 tỷ đồng cho 33% và 5% doanh số của 30 nghìn sản phẩm.

DATBIKE – Kỹ sư công nghệ hồi hương khởi nghiệp gọi thành công 60 nghìn USD tại Shark Tank

Không chỉ sở hữu ý tưởng khởi nghiệp đáp ứng đúng nhu cầu xã hội mà ngay chính bản thân Nguyễn Bá Cảnh Sơn – Co-founder & CEO DATBIKE cũng thể hiện bản lĩnh đáng nể khi dám rời bỏ thung lũng Silicon để về Việt Nam khởi nghiệp. Kêu gọi 50 nghìn USD để hiện thực cuộc cách mạng xe điện bảo vệ môi trường Việt Nam, startup đã tìm được mảnh ghép phù hợp khi Shark Hưng đồng ý đầu tư 60 nghìn USD cho 2% cổ phần.

Điểm mặt 28 thương vụ chốt deal thành công trên Shark Tank: 3 startup đã chính thức được rót tiền, Luxstay sở hữu nhiều kỷ lục nhất - Ảnh 11.

Lô tô - Startup đi gọi vốn với hy vọng giúp cộng đồng người chuyển giới cải thiện cuộc sống

Đến gọi vốn cho mô hình trò chơi Lô tô đang dần bị mai một với hai hình thức offline và online, nhà sáng lập Lâm Quốc Khải (nghệ danh Lộ Lộ) đến từ cộng đồng LGBT chia sẻ ước mong được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư để phát triển mô hình lâu dài nhằm giúp đỡ các nghệ sĩ Lô tô có công ăn việc làm ổn định. Bị lay động trước những chia sẻ từ nhà sáng lập Lộ Lộ, Shark Đỗ Liên đã quyết định đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần vào Lô tô offline để hỗ trợ các nghệ sĩ chuyển giới có cơ hội cải thiện cuộc sống tốt hơn.

RW - Startup "giải cứu rác chết" tham vọng thay đổi hành vi đối xử với rác của con người

Màn gọi vốn của startup Hải Bình – Nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Revival Waste với 1 tỷ đổi lấy 10% cổ phần cho dự án "Giải cứu rác chết" là doanh nghiệp cộng đồng đầu tiên gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam qua ba mùa. Với mục đích đến Shark Tank để đi tìm người đồng hành, Hải Bình đã nhận được sự hỗ trợ từ Shark Đỗ Liên - Chủ tịch Quỹ môi trường xanh Việt Nam với mức đầu tư 1 tỷ đồng cho 49% cổ phần.

Châu Cao

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên