MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm nghẽn trong cắt giảm chi phí logistics tại Việt Nam

Một trong những điểm nghẽn làm tăng giá thành dịch vụ logistics nằm ở cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.

Chi phí dịch vụ giao nhận vận chuyển - logistics tại Việt Nam hiện tương đương khoảng 20% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.

Bài toán đặt ra là làm sao để cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu? Đây cũng chính là chủ đề chính của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 diễn ra sáng nay (26/11).

Điểm nghẽn trong cắt giảm chi phí logistics tại Việt Nam - Ảnh 1.

Diễn đàn Logistics 2020 với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics nhằm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế ". Ảnh: Báo Đầu tư.

Một trong những điểm nghẽn làm tăng giá thành dịch vụ logistics nằm ở cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Tổng chiều dài đường bộ của Việt Nam là hơn 630.000 km nhưng tổng chiều dài các đường cao tốc đang vận hành lại chưa đến 2.000 km.

Với khoảng gần 80% lưu lượng hàng hóa của doanh nghiệp được vận chuyển bằng đường bộ, nhu cầu về những tuyến đường cao tốc hoàn thiện là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cải thiện hiệu quả của các phương thức vận tải khác cũng là bài toán được đặt ra.

"Bộ GTVT phối hợp với các Bộ để đẩy mạnh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn, đặc biệt là hệ thống cao tốc Việt Nam. Dự kiến đến năm 2030 phải có 5.000 km đường cao tốc đưa vào khai thác sử dụng. Đến năm 2021 có khoảng 2.000 km. Điều này có nghĩa trong 10 năm tới phải làm 3.000 km cao tốc. Như vậy, chúng ta phải hoàn thành cao tốc Bắc - Nam, các hệ thống cao tốc vành đai của trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM", Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho hay.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nói: "Hệ thống đường sắt trong nước khá lạc hậu và thiếu kết nối vào các cảng hàng hóa. Hệ thống đường thủy nội địa chưa được chú trọng khai thác hiệu quả. Các hạ tầng kết nối đường bộ với cảng biển như cảng container nội địa (ICD), hay các trung tâm logistics đa phương tiện vẫn còn thiếu vắng".

Điểm nghẽn trong cắt giảm chi phí logistics tại Việt Nam - Ảnh 2.

Chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ảnh minh họa - VOV.

Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp cũng chỉ ra, tuy gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính đang từng bước được gỡ bỏ nhưng dư địa để cải thiện vẫn còn rất nhiều. Đặc biệt, các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tuân thủ.

Hiện nay, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 25% thị phần dịch vụ logistics trong nước. Dù có lợi thế am hiểu thị trường nhưng 90% doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và rất nhỏ, năng lực không đồng đều và đi sau các doanh nghiệp FDI về trình độ công nghệ.

Chính vì vậy, việc tăng cường kết nối và xây dựng mạng lưới hợp tác với doanh nghiệp FDI là cần thiết để "khơi thông dòng chảy" logistics, thông qua học hỏi các công nghệ mới, cũng như thúc đẩy việc hình thành các dịch vụ môi giới, trung gian trong ngành logistics.

Theo VTV.vn

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên