MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 01/04 – 05/04] Chứng khoán Việt thiếu tích cực trong khi thế giới tiếp tục giữ sắc xanh

Triển vọng trong tuần tới tiếp tục là thử thách vùng 1.000 điểm của VN-Index…

1. TTCK Việt Nam thiếu tích cực

Chốt tuần vừa qua, VN-Index đóng cửa ở mức 989,26 điểm, tăng hơn 8 điểm so với mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. HNX-Index chốt tuần ở 107,87 điểm, tăng gần 0,5 điểm.

Diễn biến trong tuần qua không có nhiều điểm đặc biệt. Thanh khoản giảm dần trong những phiên giao dịch gần đây, trạng thái giằng co, chỉ số biến động trong biên độ hẹp chỉ vài điểm mỗi phiên giao dịch. Tuy nhiên diễn biến thực tế từng phiên thì lại cho thấy nhiều điều, đặc biệt là trạng thái "đánh úp" của bên cầm cổ luôn trực chờ ở mức giá cao.

[Điểm nóng TTCK tuần 01/04 – 05/04] Chứng khoán Việt thiếu tích cực trong khi thế giới tiếp tục giữ sắc xanh - Ảnh 1.

Sau phiên giao dịch tăng gần 8 điểm vào đầu tuần, những phiên sau đó biên độ giảm xuống dưới 3 điểm mỗi phiên. Hầu hết các phiên giao dịch đều diễn ra trong kịch bản xu hướng tích cực vào đầu phiên nhưng trạng thái chốt lời gia tăng cuối phiên ép VN-Index về gần sát tham chiếu.

Tính trạng của thị trường rơi vào cảnh, bên bán không muốn hạ giá xuống thấp và chỉ trực chờ ở mức giá cao trong khi lực cầu không chủ tâm đẩy lên bằng mọi giá. Sự bất cân xứng giữa hai bên khiến thị trường giao dịch trở nên thận trọng hơn.

Nhóm VN30 thể hiện sự phân hóa rõ rệt khi trụ cột thị trường được luân phiên giữa những nhóm cổ phiếu khác nhau, trạng thái cân bằng trong nhóm trụ phần nào định hình mặt bằng giao dịch chung của toàn thị trường trong tuần qua.

Cổ phiếu VCG của Vinaconex là một trong những cái tên có diễn biến đặc biệt trong tuần. Sau khi tòa bác đơn khiếu nại của công ty này, hiện tại Vinaconex đang hoạt động trong trạng thái không có HĐQT và BKS có tới khi tòa có phán quyết cuối cùng về tính hợp pháp của Nghị quyết phiên họp ĐHĐCĐ ngày 11/1. Trên thị trường, VCG sau ba phiên giảm mạnh giữa tuần, kéo về ngưỡng 25.000 đồng, đã bật gần 10% trong phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, xu hướng của cổ phiếu này vẫn là dấu hỏi lớn với nhà đầu tư khi trạng thái của công ty đang khó đoán định.

Trong khi đó, sau chuỗi ngày giảm điểm và giằng co liên tiếp, YEG đã có một tuần giao dịch khởi sắc khi ghi nhận cả năm phiên trong sắc xanh. Cổ phiếu này hiện ở ngưỡng 122.000 đồng, tăng khoảng 20% so với mức đáy gần nhất sau thông tin gia hạn từ đối tác YouTube.

2. Chứng khoán thế giới tiếp tục khởi sắc

Thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức tăng vững chắc trong tuần, khi các chỉ số chỉ còn cách khoảng 2% so với mức cao nhất mọi thời đại đã được thiết lập vào tháng 9 năm 2018. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.424 điểm (tăng 1,91%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.938 điểm (tăng 2,7%) và chỉ số S&P500 đóng cửa ở 2.892 điểm (tăng 2,05%).

Khối lượng giao dịch giảm nhẹ khi các nhà đầu tư mang tâm lý chờ đợi báo cáo thu nhập quý 1. Cổ phiếu ngành vật liệu và ngành tài chính tăng vượt trội. Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp hàng tháng cũng có dấu hiệu cải thiện, hỗ trợ thêm cho tâm lý thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lạc quan về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc sắp được ký kết. Vào hôm thứ Năm, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng một thỏa thuận mang tính lịch sử có thể đạt được sớm trong vòng bốn tuần tới.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm trong tuần khi dữ liệu kinh tế Trung Quốc tích cực hơn cung cấp tín hiệu tốt cho các ngành công nghiệp và sản xuất máy móc của châu Âu. Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.446 điểm (tăng 2,29%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.009 điểm (tăng 4,19%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.476 điểm (tăng 2,36%).

Tiến trình Brexit vẫn đang rất phức tạp nhưng các dữ liệu kinh tế khả quan đã làm lu mờ ảnh hưởng của sự kiện này lên thị trường. Mặc dù vậy, vẫn có một số dấu hiệu đáng lo ngại như số lượng đơn đặt hàng sản xuất của Đức giảm tới 4.2%. Đây là tốc độ suy giảm nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng điểm tích cực trong tuần khi chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.807 điểm (tăng 2,8%). Đồng yên yếu hơn một chút so với tuần trước và đóng cửa ở mức 111.67 yên/đô la Mỹ.

Trong khi đó, niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất hai năm qua. Chỉ số Tankan, được Ngân hàng Nhật Bản thực hiện hàng quý để khảo sát niềm tin vào nền kinh tế của các công ty lớn, đã giảm xuống mức 12 điểm so với 19 điểm của quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống 2,3% và thu nhập thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát) của người lao động đã giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng mạnh trong tuần trong bối cảnh có thêm nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn cuối cùng thực hiện một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.

Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.246 điểm (tăng 5,05%) và Hang Seng Index đóng cửa ở 29.936 điểm (tăng 3,05%). Chứng khoán Trung Quốc đã tích cực hơn nhiều so với đầu năm, khi các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm diễn ra và Bắc Kinh cũng đang tiến hành đưa ra một loạt các chính sách để chống lại sự suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc. Nhu cầu nước ngoài đối với chứng khoán Trung Quốc cũng tăng lên sau khi MSCI công bố vào tháng 2 rằng họ sẽ tăng tỷ trọng của cổ phiếu Trung Quốc trong rổ chỉ số chứng khoán toàn cầu trong năm nay.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên