MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 03/12 – 09/12] Chứng khoán Việt hồi phục, TTCK thế giới đồng loạt bi quan

Lợi thế vẫn đang thuộc về người mua và nhà đầu tư có thể xem xét nâng tỷ trọng tại những cổ phiếu đang có dấu hiệu bứt phá ra khỏi nền tích lũy ngắn hạn.

1. TTCK Việt Nam vững vàng phục hồi

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần phục hồi rõ nét. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 958,59 điểm (tăng 3,46%) và HNX-Index chốt phiên ở 107,14 điểm, (tăng 2,21%) so với tuần liền trước đó.

[Điểm nóng TTCK tuần 03/12 – 09/12] Chứng khoán Việt hồi phục, TTCK thế giới đồng loạt bi quan - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

Mở đầu những phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, chỉ số VN-Index tăng tới 2,7%. Tâm lý hưng phấn lan tỏa trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12. Diễn biến phiên đầu tuần có thể coi là khá tốt khi dòng tiền vào thị trường trải rộng và giúp duy trì xu hướng tăng bền bỉ cho đến hết phiên giao dịch.

Tâm lý e ngại đang được thay thể bởi sự hưng phấn, đặc biệt là tại các cổ phiếu đang ở vùng giá thấp của giai đoạn 2 tháng như nhóm ngân hàng, dầu khí và thép… Chỉ riêng có nhóm thủy sản tiếp tục phân hóa và cho dấu hiệu suy yếu.

Những phiên giao dịch tiếp theo, phần lớn cổ phiếu thuộc nhóm Bluechips ghi nhận mức tăng tăng vọt về giá trong phiên liền trước như BID, GAS, CTG, VCB, PLX, MBB… đang chững lại. Tuy nhiên, dung lượng dòng tiền trong thị trường vẫn được bảo lưu và luân chuyển sang các cổ phiếu trụ cột khác thuộc nhóm VinGroups và ngành thực phẩm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy VN-Index đi lên. Điều đặc biệt trong tuần qua có thể nhắc tới khi cổ phiếu EIB với hơn 36 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh ngay trong phiên giao dịch giữa tuần.

Một điểm đặc biệt nữa là mặc dù thị trường thế giới biến động tuy nhiên tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư tại Việt Nam không kéo dài, mà nhanh chóng trở lại khá ổn định.

Phiên giao dịch cuối cùng của tuần, dường như các Bluechips có mức ảnh hưởng lớn nhất thị trường kéo dài trạng thái giằng co sau 3 phiên đều tăng bùng nổ . Dòng tiền trong phiên này đang quan tâm nhiều hơn đến nhóm cận vốn hóa lớn. Cổ phiếu bất động sản xây dựng như DXG, CTD, ROS cùng một số cổ phiếu khác như PNJ, FPT đang thu hút mạnh lực cầu chủ động. Tuy nhiên càng gần về cuối phiên, VN-Index không những mở rộng đà phục hồi về mặt điểm số mà dung lượng dòng tiền xoay vòng trên thị trường cũng được cải thiện đáng kể sau hơn một tháng giao dịch "ảm đạm".

Theo chuyên gia FPTS nhận định, các Bluechips đã có hiện tượng phân hóa về cuối tuần khiến VN-Index giằng co đi ngang trong khoảng hẹp. Mặc dù định hướng chưa rõ ràng, tuy nhiên đây không phải tín hiệu đáng ngại. Cơ sở xu hướng tăng tại các cổ phiếu trụ cột dẫn dắt thị trường vẫn được bảo toàn. Do đó, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng biến động theo chiều tăng trong tuần kế tiếp.

Lợi thế vẫn đang thuộc về người mua và nhà đầu tư có thể xem xét nâng tỷ trọng tại những cổ phiếu đang có dấu hiệu bứt phá ra khỏi nền tích lũy ngắn hạn.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch trong phiên. Tuy nhiên trước ngưỡng cản VN30 khu vực 930 điểm, các hợp đồng tương lai đã nhiều lần rung lắc đồng thuận tại khu vực này. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đạt 136.955 hợp đồng.

2. TTCK thế giới đồng loạt bi quan

Tuần qua thị trường chứng khoán Mỹ không giao dịch vào ngày thứ Tư để tổ chức lễ quốc tang vì sự ra đi của cựu Tổng thống George H.W. Bush. Ngày sau khi giao dịch trở lại, thị trường đã quay đầu giảm. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.633 điểm (giảm 4,6%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.388 điểm (giảm 4,5%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 6.969 điểm (giảm 4,92%).

[Điểm nóng TTCK tuần 03/12 – 09/12] Chứng khoán Việt hồi phục, TTCK thế giới đồng loạt bi quan - Ảnh 2.

Lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn giảm mạnh. Xung đột thương mại của Mỹ với Trung Quốc một lần nữa lại tiếp tục đóng vai trò chi phối tâm lý nhà đầu tư. Các cổ phiếu đã tăng vọt trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Hai, sau thông báo từ Nhà Trắng rằng Trung Quốc đã đồng ý tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ và loại bỏ thuế quan đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Đổi lại, Mỹ đã đồng ý lùi kế hoạch tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc lại 90 ngày. Sự lạc quan biến mất vào ngày thứ Năm,khi các quan chức Canada đã bắt giữ một giám đốc điều hành cao cấp của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei vì nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của Iran, theo yêu cầu của Mỹ.

Tại châu Âu, thị trường phần lớn giảm sâu trong suốt cả tuần. Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 10.788 điểm (giảm 4,17%). Chỉ số này đã mất 20% kể từ đỉnh 23/01, đợt sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.778 điểm (giảm 2,89%).

Còn ở Pháp, các cuộc biểu tình của người dân phản đối kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Macron, được gọi là phong trào "áo vàng", tiếp tục leo thang căng thẳng. Các cuộc bạo loạn đã xảy ra ở Paris, và là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Pháp kể từ khi ông Macron lên nắm quyền. Chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa tuần ở 4.813 điểm (giảm 3,8%). Sau đó ông Macron đã phải hủy bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu cho năm 2019, để làm dịu phong trào biểu tình.

Đối với Nhật Bản, thị trường chứng khoán cũng quay trở lại giảm điểm trong tuần qua. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 21.678 điểm (giảm 3,01%). Đồng Yên tăng nhẹ lên mức 112,89 Yên/đô la Mỹ.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters gồm 16 nhà kinh tế cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản có thể đã giảm nhiều hơn so với ước tính quý 3 của chính phủ. Các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể sẽ gây ảnh hưởng mạnh lên nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Nhật Bản. Chỉ số PMI của Nhật Bản đã giảm xuống 52,2, là mức yếu nhất kể từ tháng 8 năm 2017 do nhu cầu giảm từ châu Âu và Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm trong những ngày đầu tuần qua. Nhưng việc bắt giữ một giám đốc điều hành của hãng viễn thông Huawei Trung Quốc đang khiến giới đầu tư lo ngại thỏa thuận "ngừng bắn" thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị phá hủy. Việc bắt giữ đã gây ra sự phẫn nộ ở Trung Quốc và đe dọa nhấn chìm quan hệ Trung-Mỹ xuống một mức thấp mới. Các chỉ số chứng khoán đã giảm vào các phiên cuối tuần. Kết thúc tuần chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.605 điểm (tăng 0,66%) và Hang Seng Index đóng cửa ở 26.063 điểm (giảm 1,67%).

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên