[Điểm nóng TTCK tuần 06/08 – 12/08] Chứng khoán Việt ở thế giằng co, TTCK thế giới tăng giảm trái chiều
Xu thế phục hồi trong ngắn hạn tiếp tục được nối dài, tuy nhiên khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trước diễn biến bất thường của tỷ giá…
Chứng khoán Việt giằng co
Tuần qua tiếp tục ghi nhận một tuần tăng điểm của thị trường chứng khoán. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đóng cửa ở 968,47 điểm (tăng 0,92%), còn HNX-Index chốt tuần ở 108,41 điểm (tăng 2,04%). Sắc thái tích cực vẫn tiếp tục tái diễn và ghi nhận tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, đưa chỉ số đại diện cho HoSE tiến gần hơn đến mốc 1.000 điểm.
Tuy nhiên, dù đà tăng được nối dài nhưng biên độ dao động của chỉ số tiếp tục sụt giảm, phần nào cho thấy sự giăng co giữa bên mua và bên bán.
VN-Index ghi nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm trong tuần vừa qua với biên độ tăng/giảm mỗi phiên chỉ vài điểm. Ngay cả diễn biến trong phiên cũng mang nhiều sắc thái bất ngờ khi tình trạng "đánh úp" vào cuối phiên vẫn thường diễn ra.
Biến động VN-Index 3 tháng
Tương tự như tuần giao dịch trước đó, đi cùng với trạng thái giằng co là sự phân hóa của dòng tiền. Điểm sáng trong tuần vừa qua thuộc về hai nhóm cổ phiếu chính là dầu khí và tài chính.
Nhóm cổ phiếu họ "P" và một số doanh nghiệp cùng ngành khác như BSR, OIL đều bật tăng mạnh vào những phiên cuối tuần với triển vọng tích cực nhờ sự phục hồi của giá dầu. Khi tình trạng địa chính trị phức tạp tại những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tái diễn, kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phục hồi của nhóm dầu khí tiếp tục được củng cố. Ngay cả PVD, doanh nghiệp vừa ghi nhận khoản lỗ trăm tỷ trong quý II cũng trở lại sắc xanh.
PVS và PVD đang bật tăng mạnh
Cùng với diễn biến của nhóm cổ phiếu họ "P", dòng cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đang có xu hướng trở lại đường đua. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thể hiện sự phân hóa. Trong khi VCB, MBB, BID rục rịch tăng giá thì những cổ phiếu nóng dòng "bank" trước đây như VPB, TCB lại dậm chân tại chỗ. Những thông tin tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng đến từ triển vọng của hoạt động kinh doanh và việc bán cổ phần trong nửa cuối năm.
Trong khi đó, dòng cổ phiếu chứng khoán cũng tăng trở lại với sự dẫn dắt của một số cái tên dẫn đầu, đơn cử như VND – một cổ phiếu từng giảm mạnh gần đây trước rủi ro pháp lý liên quan đến đường dây đánh bạc. Cổ phiếu VND tăng gần 14% chỉ trong 4 phiên cuối tuần với lực cầu gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh sự khởi sắc của một số nhóm cổ phiếu thì bức tranh chung của thị trường vẫn còn nhiều điểm cần chú ý. Dù VN-Index đã tiến sát ngưỡng 970 điểm, mở ra cơ hội trở lại mốc 1.000 điểm, song không nhiều nhà đầu tư cảm nhận được sự lan tỏa. Nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại. VIC đã bị khối ngoại bán ròng trong 21 phiên liên tiếp còn VNM là 11 phiên với tổng giá trị lần lượt là 1.979 tỷ đồng và 806 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 56 tỷ đồng trong phiên cuối tuần (tăng 54% so với phiên trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 2,3 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị bán ròng trong 10 phiên liên tiếp đã lên tới hơn 1.600 tỷ đồng. Diễn biến không mấy tích cực trên thị trường tài chính, đặc biệt là tỷ giá khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu chậm lại.
Trong khi thị trường cơ sở giằng co, thị trường phái sinh cũng chịu cảnh tương tự. Thanh khoản trên thị trường phái sinh đã giảm mạnh sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 7. Với biên độ hẹp của chỉ số, phái sinh không còn là mảnh đất màu mỡ cho những giao dịch T0 ngay trong phiên. Nhà đầu tư dường như đã thận trọng hơn với những biến động của thị trường.
TTCK Thế giới diễn biến trái chiều
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều kết thúc tuần bằng một phiên giao dịch hỗn loạn, xóa đi phần lớn nỗ lực tăng điểm của những phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.833 điểm (giảm 0,25%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.313 điểm (giảm 0,49%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.839 điểm (tăng 0,38%). Trong số các nhóm ngành, cổ phiếu công nghệ và Internet có diễn biến tốt nhất, trong khi các cổ phiếu hàng tiêu dùng và bất động sản bị tụt hậu.
Trong khi đó, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Âu đã kết thúc tuần trên đà giảm điểm trong bối cảnh chiến tranh thương mại mới và những lo ngại về sự giảm mạnh của đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng tới các ngân hàng châu Âu.
Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.667 điểm (tăng 0,1%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.424 điểm (giảm 1,64%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.414 điểm (giảm 1,33%). Chứng khoán của các ngân hàng châu Âu chịu tổn thất lớn nhất trong số các nhóm cổ phiếu.
Chứng khoán Nhật Bản cũng giảm điểm trong tuần, chủ yếu bởi sự sụt giảm vào thứ Sáu. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22,298 điểm (giảm 1,06%). Chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.720 điểm (giảm 1,26%).
Đồng Yên kết thúc tuần ở mức 111 Yên/ đô la Mỹ. Về vĩ mô, số liệu thống kê về chi tiêu của các hộ gia đình và của các doanh nghiệp vững chắc đã giúp nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong quý 2. Tiêu thụ nội địa, chiếm khoảng 60% nền kinh tế, tăng 0,7% do nhu cầu về xe ô tô và đồ gia dụng. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn trong giai đoạn mở rộng vững chắc.
Ở chiều ngược lại, các nỗ lực trấn an nhà đầu tư của chính phủ Trung Quốc đã phát huy tác dụng trong tuần này và giúp chứng khoán nước này tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.795 điểm (tăng 2,16%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.366 điểm (tăng 1,72%).
Tuy nhiên vào cuối tuần, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã quay đầu giảm trở lại. Đây là tuần sụt giảm thứ 9 liên tiếp của đồng tiền này. Nguyên nhân được cho là bởi hầu hết tiền tệ trên toàn cầu bị giảm mạnh so với đồng USD khi đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm tới 14%, trong khi chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.