MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 08/10 – 14/10] Thị trường chứng khoán Việt Nam và Thế giới đi qua biến động khó đoán định

Thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đã cùng đi qua một tuần giao dịch tràn đầy cung bậc cảm xúc chỉ trong vẻn vẹn 2 phiên giao dịch ngắn ngủi…

1. Chứng khoán Việt Nam biến động "khó đoán định"

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần biến động khôn lường. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 970,08 điểm (-3,8%) và HNX-Index chốt phiên ở 109,76 điểm, (-4,3%) so với tuần liền trước.

Trong 3 phiên đầu tuần, VN-Index duy trì trạng thái giằng co mạnh và thiếu vắng động lực đến từ nhóm trụ cột báo hiệu rủi ro điều chỉnh tăng cao. Đáng chú ý nhất là đợt bán tháo cổ phiếu trong phiên 11/10 khiến phần lớn cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí giảm sàn. VN-Index giảm hơn 48 điểm khiến chỉ số thị trường quay lại thời điểm tích lũy ban đầu cách đây hơn 2 tháng trước.

[Điểm nóng TTCK tuần 08/10 – 14/10] Thị trường chứng khoán Việt Nam và Thế giới đi qua biến động khó đoán định - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

Trạng thái tiêu cực nhất tuần qua, thực tế, diễn ra bất ngờ trong phiên giao dịch ngày thứ 5 và đã nằm ngoài trong dự đoán của các thành viên thị trường. Tuy nhiên, điểm khác biệt là mức giảm khá mạnh so với nhiều dự báo trước đó. Hệ quả là trên sàn HOSE có 94 cổ phiếu đóng cửa với mức giá sàn. Nhóm vốn hóa lớn giảm mạnh thanh khoản cao góp mặt với nhiều cổ phiếu đáng chú ý như PVD, GAS, MSN, VNM.

Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí có một ngày giao dịch "đáng quên" bởi ngoài việc thị trường chung kém lạc quan, giá dầu thế giới giảm mạnh dưới mức 72 USD/ thùng. Nhóm ngành ngân hàng cũng không thoát được áp lực của thị trường. Những cổ phiếu từng tăng mạnh như STB, VPB, CTG và BID đều bị chốt lời mạnh. MBB và SHB cũng đóng cửa với mức giá gần chạm sàn. Đồng thời, nhóm midcap cũng không tránh khỏi ảnh hưởng chung từ thị trường phiên rực lửa nay.

Phiên giao dịch cuối cùng ngày thứ 6 của tuần, trái ngược với tâm lý chung tại các thị trường chứng khoán quốc tế. Trong khi các chỉ số như Dow 30 và Nasdaq nối dài đà giảm với các mức lần lượt là 2,13 %; 1,25% thì chỉ số thị trường Việt Nam đồng thuận đảo chiều tăng điểm.

Chỉ số VN-Index đảo chiều với mức phục hồi 24,19 điểm và tái lập mốc 970,08 điểm kết phiên ngày thứ 6. Những cổ phiếu trụ cột bị bán tháo mạnh trong phiên liền trước đều đảo chiều tăng giá và đóng góp phần đáng kể vào điểm số VN-Index.

Một Long Bullish Candle xuất hiện trên đồ thị EOD đã giúp VN-Index hình thành mẫu hình nến đảo chiều Piercing Pattern ngay phía trên vùng 935 – 938 điểm. Tuy vậy cũng cần phải lưu ý rằng sau phiên bán tháo mạnh liền trước thì các yếu tố về cảnh báo rủi ro xu hướng vẫn đang tiềm ẩn. Khoảng Gap-Down của phiên liền trước đã thiết lập vùng kháng cự tâm lý 972 – 990 điểm. Đây cũng là vùng hội tụ cặp đường xu hướng SMA 20 và 60 tuần vừa mới bị phủ nhận vai trò hỗ trợ.

Do đó, VN-Index vẫn đang nằm trong kịch bản biến động của pha hiệu chỉnh giảm sau chuỗi tăng điểm 11/07 – 04/10. Kỳ vọng bắt đáy có thể giúp chỉ số kiểm định lại vùng kháng cự tâm lý gần tuy nhiên cơ hội sớm bứt phá trong tuần kế tiếp cần được đánh giá thêm. Vùng 935 – 938 điểm được xác định là vùng đệm hỗ trợ cho chỉ số cho những rung lắc xảy ra.

Theo các chuyên gia FPTS nhận định, đây dường như chưa phải thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời cho những vị thế ngắn hạn. Thay vào đó, nhà đầu tư được khuyến nghị đứng ngoài quan sát và chờ đợi tín hiệu dòng tiền tìm kiếm nhóm cổ phiếu dẫn dắt cho pha tăng điểm mới.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lắng vào những ngày đầu tuần mới nhưng lại khá sôi động trong 2 phiên cuối tuần, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế short và long mạnh mẽ tương ứng với biến động khôn lường của VN30 trên thị trường cơ sở. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng cao vượt trội. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 90.499 hợp đồng.

2. Thị trường thế giới đồng loạt điều chỉnh mạnh

Thị trường chứng khoán Mỹ có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 2 với 4 phiên giảm điểm và chỉ hồi phục lại vào thứ sáu. Kết thúc tuần, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.767 điểm (giảm 3,8%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.339 điểm (giảm 4%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa 7.496 điểm (giảm 3,2%).

Chỉ số biến động VIX tăng vọt và đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 3. Cổ phiếu ngành công nghiệp và vật liệu hoạt động kém nhất thị trường, trong khi các cổ phiếu ngành dịch vụ hoạt động khả quan nhất. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế toàn cầu, và những lo ngại khác liên tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Nhưng không ai xác định được nguyên nhân chính xác gây ra sự sụt giảm nặng nề của thị trường.

Chứng khoán châu Âu cũng sụt giảm mạnh theo chứng khoán toàn cầu. Chỉ số FTSE 100 đóng cửa ở 6.995 điểm (giảm 4,4%), chỉ số DAX 30 đóng cửa ở 11.523 điểm (giảm 4,3%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.095 điểm (giảm 4,6%).

Tại, Ý, tranh cãi quanh vấn đề ngân sách vẫn tiếp diễn. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ý tăng 3,71% do lo ngại về tình hình tài chính của đất nước. Phó Thủ tướng Matteo Salvini của nước này nhấn mạnh rằng kế hoạch ngân sách của chính phủ sẽ không thay đổi và chính phủ liên minh của ông sẽ không từ bỏ các cam kết tăng phúc lợi, chi tiêu lương hưu và cắt giảm thuế bất chấp phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính và Liên minh châu Âu (EU).

Chứng khoán Nhật Bản cũng ghi nhận tuần lễ giảm mạnh. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22.694 điểm (giảm 4,58%) và chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.702 điểm (giảm 4,9%). Đồng yên đóng cửa ở mức 112,31 yên / đô la Mỹ.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giảm tốc độ mua lại trái phiếu của để kéo dài thời gian mở rộng chính sách tiền tệ. Hiện nay BoJ vẫn đang gặp khó khăn trong việc thực hiện cam kết kích thích nền kinh tế cho đến khi lạm phát vượt quá mục tiêu 2%. Các nhà phân tích tin rằng BoJ có thể thực hiện các điều chỉnh bổ sung cho chương trình mua trái phiếu của mình trong tháng Mười.

Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ quốc khánh và đã bị sụt giảm mạnh ngay trong phiên đầu tuần. Các phiên giao dịch tiếp theo, chứng khoán Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh theo chứng khoán thế giới.

Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.606 điểm (giảm 7,6%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.801 điểm (giảm 3,4%). Trong tuần, Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại nước này, một động thái quan trọng có thể giải phóng thêm 175 tỷ đô la vào nền kinh tế, khi Bắc Kinh đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại xấu đi với Mỹ.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên