[Điểm nóng TTCK tuần 09/07 - 15/07]: Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng đồng thuận hồi phục về cuối tuần ngoại trừ Trung Quốc
Yếu tố cải thiện mạnh mẽ về cả điểm số lẫn độ rộng và thanh khoản đã đưa VN-Index tiếp tục tiến sâu vào khoảng trống giá 900 – 910 điểm. Mặc dù biến động chỉ số vẫn còn khá giằng co, tuy nhiên tâm lý bên mua của nhà đầu tư trên sàn HOSE đã bắt đầu có sự cải thiện…
1. TTCK Việt Nam hồi phục về cuối tuần
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giao dịch hơi khó khăn tuy nhiên chốt tuần các chỉ số cải thiện mạnh mẽ về cả điểm số, độ rộng lẫn thanh khoản đã đưa VN-Index tiếp tục tiến sâu vào khoảng trống giá 900 – 910 điểm. Mặc dù biến động chỉ số vẫn còn khá giằng co, tuy nhiên tâm lý bên mua của nhà đầu tư trên sàn HOSE đã bắt đầu có sự cải thiện.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 909,72 điểm (giảm 0,85%) và HNX-Index chốt phiên ở 102,51 điểm (tăng 1,81%). Đi theo xu hướng tuần liền trước, thị trường trong tuần qua đã trải qua khá nhiều khó khăn khi các chỉ số không có nhiều cải thiện đáng kể trong những phiên giao dịch trong tuần ngoại trừ việc VN-Index mở rộng đà phục hồi trong trạng thái thận trọng trong 2 phiên giao dịch cuối tuần. Tuần qua cũng chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.
Biến động VN-Index trong 3 tháng
Ngay trong những phiên đầu tuần đã không ghi nhận tín hiệu khởi sắc như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Thay vào đó, VN-Index đảo chiều giảm cuối phiên, để mất 2,39 điểm và đóng cửa tại 915,12 điểm. Nhóm cổ phiếu Large Cap mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực hơn khi áp lực bán suy giảm đáng kể so với những tuần giao dịch trước đó tuy nhiên hoạt động giải ngân ở nhóm cổ phiếu này chưa thể mang lại thành quả khi khối ngoại vẫn bán ròng đều đặn qua các phiên.
Mặt khác, diễn biến của các chỉ số trong phiên đầu tuần có thể là hệ quả của thông tin liên quan đến áp thuế thương mại Mỹ - Trung xuất hiện vào cuối tuần trước. Nhà đầu tư đã có phản ứng thận trọng hơn trước những đánh giá về sức ép từ hàng hóa Trung Quốc có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước.
Chỉ tới những phiên giao dịch gần cuối tuần, khi những ảnh hưởng của thông tin tiêu cực đang tạm lắng lại và thị trường chứng khoán thế giới cũng đang có những tín hiệu bình ổn hơn. Thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ, dòng tiền chảy vào nhóm ngân hàng đã giúp chỉ số VN-Index thực hiện phiên phục hồi thứ hai sau hơn hai tuần giảm điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế ổn định ở các nhóm cổ phiếu trên thị trường. Hầu hết các cổ phiếu dẫn dắt lớn như VCB, HPG, BID, CTG, MSN… đều thể hiện tốt đà phục hồi.
Phiên giao dịch ngày thứ 6 có thể được coi là tín hiệu đầu tiên thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư đón đầu kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2018. Nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là tiêu điểm chính gần theo sát trong tuần giao dịch kế tiếp.
Theo các chuyên gia VDSC nhận định, diễn biến thị trường trong những phiên giao dịch trước đã phản ánh tác động của các thông tin tiêu cực suốt thời gian qua. Thời gian công bố kết quả kinh doanh quý II đã đến gần và đây là yếu tố có thể mang lại sự khởi sắc đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt. Nhiều dấu hiệu cho thấy đáy ngắn hạn đã hình thành. Nhà đầu tư mạo hiểm có thể tham gia ở những cổ phiếu có dòng tiền chảy vào mạnh. Nhà đầu tư theo trường phái thận trọng có thể chờ thêm tới khi xu hướng tăng trung hạn được xác nhận.
Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá sôi động, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế long- short luân phiên mạnh mẽ.
Trên thị trường phái sinh, nhà đầu tư vẫn còn nhạy cảm với trạng thái bán khống trong những phiên chiều hàng ngày, tuy nhiên dấu hiệu nâng giá của bên mua đã giúp hạn chế những tiêu cực của áp lực bán này.
Tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường phái sinh cũng thể hiện kỳ vọng vị thế Long cũng đang mạnh hơn tại chỉ số VN30. Một Bullish Marubozu xuất hiện trên đồ thị VN30F1M giúp đường giá giao cắt lên đường SMA (9) phiên đã hoàn thiện mô hình đảo chiều Double bottoms.
Cột khối lượng giao dịch ghi nhận hơn 155,46 nghìn hợp đồng là yếu tố củng cố cho mục tiêu mô hình tại 925. Theo đó, thị trường cũng có thể sẽ tiếp tục nối dài đà phục hồi trong phiên đầu tuần kế tiếp và xác nhận vùng đáy mới trên ngưỡng 900 điểm.
So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự sụt giảm nhẹ. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 156, 250 hợp đồng (giảm gần 4,5% so với tuần liền trước).
2. TTCK thế giới đi qua một tuần lễ ổn định ngoại trừ Trung Quốc
Hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm sau một tuần biến động đáng kể. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.801 điểm (tăng 1,19%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.019 điểm (tăng 2,04%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.825 điểm (tăng 1,22%).
Những lo ngại về chiến tranh thương mại tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong tuần. Tuy nhiên phần lớn sự chú ý của các nhà đầu tư vẫn hướng tới báo cáo lợi nhuận quý 2 của các công ty niêm yết trên thị trường trong những ngày tới. Lạm phát cũng có dấu hiệu gia tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế , những lo ngại lạm phát dường như ngày càng tăng tại Mỹ. Trong cuộc khảo sát mới nhất, các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan cho biết rằng hơn một nửa số người Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tác động kinh tế của lạm phát và thuế quan.
Hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Âu tăng cao hơn trong tuần trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, cũng như sự bất ổn chính trị của các cuộc đàm phán Brexit đang diễn ra. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.661 điểm (tăng 0,58%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.540 điểm (không thay đổi so với tuần trước), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.429 điểm (tăng 0,48%).
Đồng bảng Anh sụt giảm sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết kế hoạch Brexit hiện tại có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại với Mỹ, cùng với việc một số thành viên chính phủ Anh từ chức đã làm phức tạp triển vọng kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May.
Đối với Nhật Bản, thị trường chứng khoán nước này đạt mức tăng hàng tuần tốt nhất trong sáu tháng qua. Chỉ số Nikkei 225 tăng 3,7% và đóng cửa ở mức 22.597 điểm vào thứ Sáu, chỉ số TOPIX Index cũng ghi nhận mức tăng tốt và đóng cửa ở 1.730 điểm (tăng 1,94%). Đồng yên suy yếu và kết thúc tuần ở mức 112.5 yên/ đô la Mỹ. Chi phí nhập khẩu dầu và than của Nhật Bản tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và đây là mức tăng nhanh nhất trong năm nay.
Việc tăng giá hàng hóa giao dịch giữa các công ty có thể ảnh hưởng đến việc tăng lạm phát, vốn đang ở dưới mức 2%. Ngoài ra giá thép cũng tăng 4,5%, và kim loại màu như nhôm và đồng tăng 10,3%. Số lượng đơn đặt hàng máy móc giảm 3,7% so với tháng trước, theo số liệu mới nhất từ Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi bị giảm điểm mạnh do ảnh hưởng bởi nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ, đã quay trở lại tăng điểm. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.831 điểm (tăng 2,87%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.525 điểm (giảm 0,28%).
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng hơn sau khi chính quyền Trump đe dọa áp đặt thuế suất 10% trên 200 tỷ USD các sản phẩm Trung Quốc từ quần áo đến đồ nội thất. Mối đe dọa thuế quan mới nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ đánh thuế 34 tỷ USD máy móc và thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất vào ngày 6/7. Trung Quốc đã đáp trả với mức thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, như máy bay và các sản phẩm nông nghiệp, và cho biết sẽ tiếp tục trả đũa nếu Mỹ có thêm các hành động tương tự.