[Điểm nóng TTCK tuần 13/05 – 19/05] Chứng khoán Việt nỗ lực hồi phục, TTCK thế giới biến động trái chiều
Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường thế giới, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang nỗ lực hồi phục…
1. TTCK Việt Nam nỗ lực phục hồi
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index đã nỗ lực hồi phục. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 976,48 điểm (+2,51%) và HNX-Index chốt phiên ở 105,79 điểm, (-0,07%) so với tuần liền trước đó.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
Mở đầu tuần mới, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần. Sau phiên giao dịch định kỳ mở cửa, các chỉ số tạm thời dao động gần mốc tham chiếu và chưa có biến động nào đáng chú ý. Phiên này, nhóm các cổ phiếu dầu khí chịu áp lực chốt lời, một phần bởi nguyên nhân đã tăng tốt thời gian vừa qua cũng như biến động kém tích cực từ giá dầu thế giới.
Nhưng theo thời gian, sự khởi sắc dần trở lại thị trường khi màu xanh dần chiếm lĩnh trên cả 3 sàn và lan tỏa mạnh ở các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, dệt may, thủy sản,… Đà tăng lan tỏa tốt ra các cổ phiếu vốn hóa lớn và đưa nhóm này trở thành điểm tựa cho thị trường. Bất chấp trạng thái ảm đạm từ các thị trường chứng khoán khu vực và châu Á, thị trường trong nước lại cho thấy màu sắc khá tích cực khi VN-Index đóng cửa ở mức điểm số cao nhất ngày.
Tiếp theo đó, thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày thứ 3 với sắc đỏ nhẹ tràn ngập cả 3 sàn. Nguyên nhân đến từ tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/6, đáp trả việc Washington tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh. Vụ việc này khiến giới đầu tư thêm phần lo lắng về bối cảnh không mấy tốt đẹp giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Các thị trường chứng khoán thế giới phản ứng tiêu cực với thông tin trên, và thị trường trong nước cũng không ngoại lệ. Khoảng thời gian đầu phiên chỉ số 3 sàn đồng loạt giảm điểm với số mã giảm giá áp đảo. Thế nhưng trái ngược với những gì nhà đầu tư nghĩ về một phiên giảm sâu, các chỉ số dần hồi phục với sắc xanh nhanh chóng trở lại. Các nhóm ngành Dệt may, dầu khí cho thấy nỗ lực rất tích cực với hầu hết các cổ phiếu có được mức tăng ấn tượng. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng góp phần mang lại một phiên giao dịch khởi sắc khi đóng góp khá nhiều điểm số cho thị trường.
Phiên giao dịch những ngày giữa và cuối tuần, thị trường mở cửa với sắc xanh chiếm ưu thế ở cả hai sàn. Trái ngược với sự sụt giảm hơn 3% trong phiên ATC ngày 16/5, SAB đã nhanh chóng tăng 4% ngay những phút đầu giao dịch để trở thành đầu tàu dẫn dắt thị trường đi lên trong suốt phiên. Cùng với đó, nhóm dầu khí tiếp tục diễn biến tích cực khi không có mã nào giảm điểm sau thông tin hỗ trợ từ giá dầu tiếp tục tăng và đạt mốc cao nhất từ đầu tháng 5.
Tuy nhiên, ngay khi tiếp cận ngưỡng 980 điểm, áp lực bán lại gia tăng với tâm điểm hướng vào các cổ phiếu bluechips khiến nhiều mã đảo chiều giảm điểm (VNM, VIC, VHM, VPB, VGC…) ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý chung của thị trường. Sự phân hóa nơi các cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu lan rộng khắp thị trường đang là nguyên nhân khiến các chỉ số nhanh chóng sụt giảm và dao động giằng co quanh ngưỡng tham chiếu đến cuối phiên.
Theo các chuyên gia VDSC, thị trường chững lại sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp của VN-Index. Các cổ phiếu lớn biến động giằng co, trong khi nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ trỗi dậy mạnh mẽ. Một nhịp điều chỉnh nhẹ nhiều khả năng đang diễn ra, tuy nhiên xu hướng chung vẫn đang còn tích cực và cơ hội vẫn đang xuất hiện ở nhiều cổ phiếu.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch trong phiên. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đang khá lớn, tương ứng đạt 67.800 hợp đồng.
2. TTCK thế giới biến động trái chiều
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm điểm do sự sụt giảm mạnh vào ngày thứ Hai. Tuy các phiên giao dịch sau các chỉ số đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn khá yếu. Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.764 điểm (giảm 0,69%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.859 điểm (giảm 0,76%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.816 điểm (giảm 1,26%).
Lo ngại về vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chi phối tâm lý nhà đầu tư. Tổng thống Donald Trump đã có hành động xoa dịu căng thẳng cho thị trường bằng cách tweet rằng Mỹ sẽ thực hiện một thỏa thuận vào thời điểm thích hợp và nhấn mạnh tình bạn của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gọi căng thẳng thương mại giữa hai nước là một cuộc cãi vã nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và trưởng đoàn đàm phán thương mại Robert Lighthizer cũng có khả năng quay lại Trung Quốc để đàm phán vào cuối tháng.
Một khả năng khác cũng đang được Phố Wall theo dõi kỹ càng là khả năng Fed sẽ tiến hành giảm lãi suất để chống lại sự giảm tốc của nền kinh tế. Các dữ liệu kinh tế trong tuần cung cấp thêm bằng chứng rằng Fed sẽ cần phải hành động tích cực để hỗ trợ tăng trưởng. Các chỉ số sản xuất công nghiệp đặc biệt là sản xuất ô tô đã giảm và doanh số bán lẻ cũng giảm trở lại. Về mặt tích cực, chỉ số tâm lý tiêu dùng theo khảo sát của Đại học Michigan nhảy vọt lên mức cao nhất trong 15 năm số lượng đăng ký trợ cấp thất nghiệp cũng giảm xuống.
Các chỉ số chứng khoán châu Âu tăng tích cực trong tuần, bất chấp sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.238 điểm (tăng 1,48%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.348 điểm (tăng 2,01%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.438 điểm (tăng 2,08%).
Trong khi đó đồng bảng Anh đã mất hơn 2% so với đồng đô la Mỹ do vấn đề Brexit tiếp tục trở nên phức tạp do các chính đảng của Anh vẫn đang bất đồng quan điểm với nhau. Châu Âu cũng đón nhận tin tích cực vào thứ Sáu khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ hoãn áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản và các nước khác trong ít nhất sáu tháng. Năm ngoái, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với xe nhập khẩu từ EU. Cả Mỹ và EU đều chưa bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại chính thức.
Chứng khoán Nhật Bản với đại diện là chỉ số Nikkei 225 đã giảm điểm trong tuần và đóng cửa ở mức 21.250 điểm (giảm 0,44%). Đồng yên vẫn đứng ở quanh mức 109,82 yên/đô la Mỹ. Hôm thứ Hai, Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên hạ cấp các đánh giá về các chỉ số kinh tế hiện tại trong hơn sáu năm qua.
Các chỉ số bao gồm dữ liệu sản xuất công nghiệp, việc làm và dữ liệu bán lẻ. Dữ liệu sơ bộ chỉ ra sự sụt ở một số lĩnh vực kể từ tháng Hai. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nhật Bản và các doanh nghiệp của nước này. Các nhà lãnh đạo tại nhiều công ty lớn nhất Nhật Bản đã phải đánh giá lại dự báo doanh thu và thu nhập trong các quý tới.
So với các thị trường thế giới, chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh hơn trong tuần qua, Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.882 điểm (giảm 1,94%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.946 điểm (giảm 2,12%). Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh do căng thẳng thương mại với Mỹ, nhưng trong các phiên sau đó cổ phiếu đã tăng dần trở lại khi các nhà đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều kích thích tài chính và tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại. Tuy nhiên, thị trường đã sụt giảm một lần nữa vào thứ Sáu, vì hy vọng cho việc nối lại các đàm phán thương mại bị lu mờ do những bình luận tiêu cực từ các phương tiện truyền thông nhà nước.
Sự rạn nứt thương mại ngày càng sâu sắc với Mỹ trùng khớp với một loạt các chỉ số cho thấy nền kinh tế của nước này đang chậm lại. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định cho tháng 4 đều chậm lại so với tháng 3. Doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 7,2% đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hơn 16 năm qua, một tín hiệu đặc biệt đáng lo ngại đối với Bắc Kinh, nơi đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng trong nước để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng.