MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 14/05 - 20/05] Chứng khoán Việt giao dịch dè dặt, TTCK thế giới giằng co

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần dè dặt Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới giằng co ngoại trừ thị trường Nhật Bản…

1. TTCK Việt Nam trải qua một tuần "dè dặt"

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giao dịch "không mấy suôn sẻ" khi chỉ số VN-Index đã có sự điều chỉnh luân phiên xen kẽ trong những phiên giao dịch. Tuy nhiên thanh khoản tiếp tục dao động ở mức thấp.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.040,54 điểm (giảm 0,41%) và HNX-Index chốt phiên ở 121,27 điểm (giảm 1,22%). Đi theo xu hướng tuần liền trước, thị trường trong tuần qua đã trải qua khá nhiều khó khăn khi các chỉ số lên xuống thất thường, đan xen những phiên tăng - giảm trong tuần lễ. Tuần qua cũng chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.

[Điểm nóng TTCK tuần 14/05 - 20/05] Chứng khoán Việt giao dịch dè dặt, TTCK thế giới giằng co - Ảnh 1.

Biến động VN-Index trong 3 tháng

Trong đầu tuần qua, phiên giao dịch ngày thứ 2 mở đầu tuần mới cho thấy sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Đà tăng chủ yếu vào cuối phiên chiều và phiên khớp lệnh ATC. Các nhóm cổ phiếu trụ như GAS, VIC, MSN, SAB, FPT đều có mức tăng đáng kể. Ở chiều ngược lại, NVL, VPB và VND tuột dốc, riêng VND đóng cửa ở mức giá sàn. Dù vậy, việc các cổ phiếu vốn hóa tăng điểm đã tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường.

Tuần giao dịch qua cũng chứng kiến sự góp mặt của một cổ phiếu Large Cap mới trên sàn HOSE là VHM vào ngày 17/05. Sự hiện diện của VHM đã thu hút rất mạnh dòng tiền của khối ngoại.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, lúc nào lực cung dường như cũng luôn sẵn sang chi phối tại vùng giá cao khiến VN-Index rung lắc mạnh và rơi về ngưỡng tham chiếu. Tâm điểm phiên sáng là giao dịch thỏa thuận 268 triệu cổ phiếu VHM, trị giá 1,35 tỷ USD - phiên kỷ lục của chứng khoán Việt Nam. Trong đó, các tổ chức nước ngoài mua gần 249 triệu cổ phiếu, chiếm 93% tổng khối lượng giao dịch.

Bên cạnh đó, tuần qua cũng là tuần giao dịch mà thị trường nhiều lần chứng kiến các cố phiếu vốn hóa lớn bị "kéo xả". Áp lực bán tháo xuất hiện vào đầu phiên chiều thứ 6 khiến VN-Index giảm tới 14 điểm. Nỗ lực của một số mã vốn hóa lớn tiêu biểu là VNM(+3,7%), MSN (+6,3%) và SAB (+4,5%) đã giúp VN30-index giữ được mốc 1.000 điểm cho đến khi cầu bắt đáy gia tăng và kéo chỉ số hồi phục trở lại.

Theo các chuyên gia chứng khoán VDSC, VN-Index bật tăng mạnh trở lại sau khi giảm sâu về vùng đáy cũ trong khi HNX-Index giằng co giảm điểm nhẹ. Tuy nhiên thanh khoản nhìn chung vẫn ở mức khá yếu. Các chỉ số tạm thời trụ vững ở phía trên vùng hỗ trợ mạnh, tuy nhiên chưa xuất hiện các tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy. Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên nắm giữ tiền mặt ở thời điểm hiện tại.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá sôi động, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế short mạnh mẽ. Trước sự điều chỉnh của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh short với khối lượng cực lớn . So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng cao đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 62.177 hợp đồng (tăng gần 17% so với tuần liền trước).

2. TTCK thế giới giằng co ngoại trừ thị trường Nhật Bản

Các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ giao dịch giằng co trong tuần qua với khối lượng giao dịch giảm nhẹ. Chỉ số S&P500 đóng cửa ở 2.712 điểm (giảm 0,77%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.715 điểm (giảm 0,66%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.354 điểm (giảm 1,01%).

Các cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu là nhóm tốt nhất thị trường, trong khi các cổ phiếu bất động sản và tiện ích bị bán ròng khi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng lên khiến cổ tức của các doanh nghiệp này trở nên kém hấp dẫn. Các mã vốn hóa nhỏ và trung bình có một tuần tăng giá tốt hơn các mã vốn hóa lớn. Diễn biến chính của thị trường thu hút các nhà đầu tư là việc dữ liệu kinh tế vĩ mô vững chắc đã đẩy lãi suất Trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lên tới 3,12% vào thứ Năm - mức cao nhất trong 7 năm.

Chứng khoán châu Âu tương đối biến động trong tuần nhưng kết thúc tuần cao hơn. Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.077 điểm (tăng 0,52%), chỉ số FTSE 100 của Anh cũng tăng lên mức kỷ lục, đóng cửa ở 7.778 điểm (tăng 0,7%) bởi một báo cáo được công bố vào giữa tuần rằng Anh sẽ giữ lại một số quan hệ thương mại chính thức với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit. Chỉ số CAC 40 của Pháp cũng kết thúc cao hơn, đóng cửa ở 5.614 điểm (tăng 1,35%).

Sự phục hồi của giá dầu đã giúp cổ phiếu năng lượng tăng giá tốt hơn và các cổ phiếu khai khoáng cũng tăng mạnh. Trong khi đó nhóm cổ phiếu dịch vụ viễn thông và ngân hàng lại bị suy giảm. Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán của Ý, đặc biệt là các ngân hàng, lại giảm điểm trong bối cảnh chính trị không chắc chắn. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Ý giảm khoảng 2% vào giữa tuần sau một dự thảo bị rò rỉ ra công chúng cho thấy khoản nợ khổng lồ của Ý với ECB đang không được khả quan.

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 ghi nhận tuần thứ tám liên tiếp tăng 0,76% và đóng cửa vào thứ Sáu tại 22.930 điểm (tăng 0,99%). Chỉ số TOPIX Index cũng quay trở lại vùng tích cực trong năm khi đóng cửa ở 1.825 điểm (tăng 1,28%).

Đồng Yên mất giá so với đô la Mỹ khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, đóng cửa ngày thứ Sáu ở mức 110,72 Yên/đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Nhật Bản đã đạt mức tăng trưởng là 0,6% trong quý đầu tiên, duy trì 8 tháng liên tục mở rộng, khoảng thời gian dài nhất trong 28 năm qua. Trong một báo cáo khác, tỷ lệ lạm phát đã tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 9 và thấp hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Đối với thị trường Trung Quốc, đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu, chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 31.047 điểm (giảm 1,43%), và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.193 điểm (tăng 0,82%). Về vĩ mô, các chỉ số kinh tế mới nhất đã cho thấy sự tăng trưởng của Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng trì trệ được dự đoán từ lâu khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang nóng lên.

Chỉ số đầu tư tài sản cố định ngoài khu vực nông thôn — đại diện cho hoạt động xây dựng - tăng trưởng chậm nhất trong bốn tháng đầu năm kể từ năm 1999. Doanh số bán lẻ tăng 9,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, và đánh dấu mức thấp nhất trong bốn tháng. Điểm sáng duy nhất là sản lượng công nghiệp, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4. Theo thống kê của Trung Quốc, các tranh chấp thương mại Trung-Mỹ hiện chưa có tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên