MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 18/02 – 24/02] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng tích cực "tăng điểm"

Dường như toàn thị trường tiếp tục một tuần giao dịch hứng khởi với 5 phiên đều đóng cửa trong sắc xanh và kết thúc tuần trên mốc 985 điểm…

1. TTCK Việt Nam tích cực hồi phục vượt mốc 985 điểm

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch khá tích cực. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 988.91 điểm (tăng 4,1%) và HNX-Index chốt phiên ở 106,82 điểm (tăng 0,68%) so với tuần liền trước đó. Dường như toàn thị trường tiếp tục một tuần giao dịch hứng khởi với 5 phiên đều đóng cửa trong sắc xanh và kết thúc tuần trên mốc 985 điểm.

[Điểm nóng TTCK tuần 18/02 – 24/02] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng tích cực tăng điểm - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây


Mở đầu phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực từ thế giới. Cuộc đàm phán Mỹ - Trung diễn ra cuối tuần trước mang lại những diễn biến khả quan cho thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á. Thị trường trong nước cũng không ngoại lệ khi sắc xanh nhanh chóng bao phủ các nhóm ngành nhóm cổ phiếu ngay từ đầu phiên.

Tuy nhiên mức tăng của các chỉ số không nhiều, bởi áp lực chốt lời tiềm ẩn đang khiến thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ khi dòng tiền trở lại mạnh mẽ vào cuối phiên chiều và lan tỏa ở các nhóm ngành lớn như ngân hàng, dầu khí và các cổ phiếu vốn hóa lớn giúp thị trường lấy lại trạng thái giao dịch tích cực

Phiên giao dịch ngày thứ Ba khởi đầu khá thuận lợi khi các chỉ số tiếp tục duy trì sắc xanh. Nhưng dường như thị trường đang thể hiện bộ mặt xanh vỏ đỏ lòng với hàng loạt nhóm cổ phiếu có dấu hiệu hạ nhiệt như Ngân hàng, dầu khí và bất động sản – xây dựng. Đối ngược lại là diễn biến khá tích cực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình là VHM và VIC với mức tăng ấn tượng trở thành đầu tàu nâng đỡ chỉ số VN-Index.

Phiên giao dịch ngày tiếp theo với những diễn biến khá đặc biệt được nhiều NĐT quan tâm. Tiếp tục khởi đầu với trạng thái thận trọng của nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index chỉ có được mức tăng nhẹ sau ít phút mở cửa. Với kịch bản quen thuộc, bộ 3 cổ phiếu họ VIC (VIC, VRE, VHM) là động lực chính thúc đẩy thị trường giao dịch sôi động hơn. Điều bất ngờ đến từ phiên giao dịch định kỳ đóng cửa, hàng loạt cổ phiếu trụ trong rổ chỉ số VN30 đồng loạt tăng mạnh.

Điểm nhấn trong phiên hôm này đến tới từ nhóm cổ phiếu bluechips khi trở thành nhân tố giúp thị trường có được đà tăng ấn tượng. Đặc biệt cổ phiếu VHM đóng cửa ở mức trần lên 96.700 đồng kèm theo khối lượng khớp lệnh 1,2 triệu đơn vị. Qua đó có được phiên thứ 3 liên tiếp tăng mạnh và là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất về mặt điểm số cho thị trường.

Cùng với đó VNM, VIC, VRE, MSN, SAB … đóng cửa với tỷ lệ tăng tốt, góp phần nâng đỡ thị trường. Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến bớt ảm đạm hơn các phiên trước đó trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng. Mặc dù thị trường có được mức tăng tích cực nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có những diễn biến trái chiều trong những phiên gần vế cuối tuần trong khi VCB, BID, VPB là các cổ phiếu có được sắc xanh cho đến cuối phiên. Nhưng ở phía bên kia sắc đỏ lại bao trùm số còn lại ACB, EIB, CTG,TPB…

Theo quan điểm của các chuyên gia VDSC nhận định, dường như VN-Index tiếp tục bùng nổ nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn trong khi HNX-Index vẫn đang suy yếu, thể hiện sự phân hóa của thị trường. Mặc dù xu hướng tăng của VN-Index vẫn còn nhưng đã tăng nhanh trong thời gian ngắn và đứng trước áp lực kháng cự lớn nên có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh trong thời gian gần tới. Do dó, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến thị trường, có thể xem xét chốt lời một phần danh mục tại một số cổ phiếu tăng nóng và chờ nhịp điều chỉnh của thị trường để tích lũy lại các cổ phiếu có mô hình kỹ thuật tốt.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch trầm lặng hơn. Điểm nhấn đặc biệt là các hợp đồng tương lai xuất hiện những nhịp giằng co liên tục biên độ lớn để rồi bật tăng mạnh trong phiên ATC ngày thứ 5, cũng là ngày đáo hạn hợp đông tháng 2. Tuy nhiên, basis đang ở mức lớn nhất trong vòng 1 tháng qua nên nhà đầu tư cần cần thận trọng trong tuần kế tiếp. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua không có nhiều xáo trộn. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đang ở ngưỡng không quá cao sau khi áp dụng nhiều mức phí mới, đạt 95.000 hợp đồng.

2. Chứng khoán thế giới tăng mạnh

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng nhẹ trong tuần qua. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.031 điểm (tăng 2,33%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.527 điểm (tăng 0,74%) và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.792 điểm (tăng 0,61%).

[Điểm nóng TTCK tuần 18/02 – 24/02] Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng tích cực tăng điểm - Ảnh 2.

Mức độ biến động của thị trường tiếp tục ở mức vừa phải, với Chỉ số biến động Cboe (VIX) chạm mức thấp nhất trong hơn bốn tháng. Các nhà phân tích đang tin rằng Fed hiện đang ở chế độ "tạm dừng" và không có khả năng tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng sẽ có một đợt tăng lãi suất vào cuối năm nay. Bức tranh thương mại đã phần nào sáng sủa, với việc Tổng thống Trump báo hiệu sẵn sàng gia hạn thời hạn ngày 1 tháng 3 để đàm phán với Trung Quốc. Trong khi đó dữ liệu mới nhất về đầu tư doanh nghiệp cũng đã có dấu hiệu chậm lại.

Các chỉ số chứng khoán của châu Âu tăng tích cực trong tuần bởi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiến triển. Tuy nhiên, Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.178 điểm (giảm 0,8%), vì khả năng Brexit không đạt được thỏa thuận tăng lên. Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.457 điểm (tăng 1,4%), và CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.215 điểm (tăng 1,2%).

Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Đức Đức đã không rơi vào suy thoái trong năm ngoái nhờ chi tiêu của nhà nước cao hơn và thị trường xây dựng bùng nổ. Tuy nhiên, các chuyên gia đang cảnh báo rằng tâm lý kinh doanh của Đức đang giảm xuống mức thấp trong bốn năm qua.

Đối với thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục tăng điểm trong tuần qua, đóng cửa ở 21.425 điểm (tăng 2,51%). Đồng yên đứng ở mức 110,73 yên/đô la Mỹ, tăng nhẹ trong tuần.Theo các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân chính của đợt tăng điểm của thị trường Nhật Bản là các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển sang một giai đoạn tích cực hơn. Một số công ty Nhật Bản trong thời gian qua đã tận dụng giá cổ phiếu rẻ hơn vào đầu năm và thực hiện mua lại cổ phiếu, điều này đã tạo lực hỗ trợ cho thị trường.

Dữ liệu vĩ mô được công bố tuần qua cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 1 đã giảm hơn dự kiến ​ở mức giảm 8.4% so với năm. Điều này cho thấy tác động của sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc và tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là mức giảm xuất khẩu lớn nhất kể từ tháng 10 năm 2016 và lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 5,5% của các nhà kinh tế. Cùng lúc, các báo cáo về đơn đặt hàng máy móc cốt lõi và chỉ số của các nhà quản lý mua hàng tháng cũng cho thấy các dấu hiệu của một nền kinh tế chậm lại.

Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng điểm nhờ kết quả của tiến trình đàm phán thương mại đã làm tăng khả năng đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc trước thời hạn ngày 1 tháng 3. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 21.425 điểm (tăng 2,51%) và Hang Seng Index đóng cửa ở 2.804 điểm (tăng 4,55%).

Cả Mỹ và Trung Quốc vẫn còn cách xa nhau về một loạt các vấn đề liên quan đến yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự sẵn sàng kéo dài thời hạn ngày 1 tháng 3 của Mỹ cho thấy chính quyền Trump dự định tiếp tục đàm phán và không rút lui. Hơn nữa, Mỹ có thể sẽ kiềm chế không tăng mức thuế lên 25% mà vẫn để lại mức thuế 10% hiện tại, miễn là các cuộc đàm phán tiếp tục.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên